Dự báo tăng trưởng GDP năm 2021 đạt khoảng 3,5% đến 4%, tuy thấp hơn nhiều so mục tiêu đề ra nhưng đòi hỏi phải có sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, nhất là các địa phương mới có thể đạt được. Mong muốn lớn nhất của cộng đồng doanh nghiệp (DN) lúc này là được tạo điều kiện thuận lợi để hoạt động trở lại trong điều kiện bình thường mới.
Do yêu cầu phòng dịch Covid-19, việc phải kê khai chi tiết các mặt hàng dẫn đến phương tiện ùn ứ tại Cửa khẩu quốc tế Móng Cái (Quảng Ninh).
Thay mặt cộng đồng DN, 14 hiệp hội thuộc các ngành hàng có đóng góp lớn nhất cho tăng trưởng vừa kiến nghị Thủ tướng Chính phủ thực hiện chiến lược “Phòng chống dịch theo điểm”, không áp dụng phong tỏa, cách ly theo vùng địa lý. Kiến nghị được đưa ra trong bối cảnh giãn cách, phong tỏa kéo dài khiến các DN lâm vào tình trạng kiệt quệ.
Theo đó, các hiệp hội kiến nghị trong công tác chống dịch, không phong tỏa, cách ly theo vùng địa lý mà quản lý phòng chống dịch theo từng khu vực nhỏ: Điểm dân cư (nhà ở, khu dân cư…), điểm dịch vụ (cơ quan, văn phòng, chợ, siêu thị…), điểm sản xuất (hộ gia đình, hợp tác xã, DN dịch vụ, nhà máy, công trình…) và các điểm đỏ (có F0). Người dân được tham gia giao thông và các hoạt động xã hội khi có kết quả xét nghiệm âm tính. DN, cá nhân tự xét nghiệm, tự khai báo y tế trên phần mềm quản lý quốc gia và chịu trách nhiệm pháp lý với khai báo của mình.
Chính phủ thống nhất sử dụng một phần mềm quản lý, khai báo phòng chống dịch trên toàn quốc và thực hiện online. Chính quyền trao quyền chủ động cho DN thiết lập mô hình, phương thức sản xuất, vận hành phòng chống dịch, không cực đoan đóng cửa DN nếu lây nhiễm trong phạm vi hẹp của một dây chuyền, phân xưởng hoặc bộ phận riêng biệt.
Các DN cho rằng hiện đang là thời khắc sinh tử đối với hoạt động sản xuất, kinh doanh vì hàng loạt khó khăn ập đến trong vòng hơn một năm qua đã khiến DN kiệt sức. Đã bắt đầu có những số liệu thống kê khá cụ thể về những thiệt hại kinh tế do thực hiện giãn cách kéo dài và chống dịch cực đoan, làm đứt gãy chuỗi sản xuất, cung ứng ở nhiều địa phương.
Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KH và ĐT) cho biết, tám tháng đầu năm, cả nước có hơn 85 nghìn DN rời bỏ thị trường (tăng 24%) trong khi số DN thành lập mới là hơn 81 nghìn DN (giảm 8%). Từ năm 2016 đến nay, đây là lần thứ hai, số DN thành lập mới trong tám tháng đầu năm có sự giảm sút. Đáng lưu ý, số DN trở lại hoạt động cũng bắt đầu xu hướng giảm cho thấy nỗ lực và tinh thần khởi nghiệp của nhà đầu tư đã bị tác động khi tương lai trở nên bất định, không thể dự đoán. Hoạt động sản xuất, kinh doanh năm nay không còn vận hành theo thông lệ trước sức tàn phá nghiêm trọng của đại dịch Covid-19.
Thay vì tăng tốc từ đầu quý III để kịp hoàn thành kế hoạch sản xuất, kinh doanh, năm 2021, nhiều DN đến thời điểm hiện tại vẫn chưa thể đẩy mạnh sản xuất do nhiều tỉnh, thành phố chưa có kế hoạch cụ thể về nới lỏng giãn cách xã hội. Không những thế, một số địa phương vẫn tiếp tục có yêu cầu khác biệt về kết quả xét nghiệm âm tính với Covid-19 đối với lái xe vận tải hàng hóa ngay cả khi đã tiêm đủ 2 mũi vắc-xin khiến DN và người lao động đều rất mệt mỏi.
Ông Trần Đức Nghĩa, Giám đốc Công ty TNHH quốc tế Delta cho biết, sau rất nhiều chỉ đạo của Chính phủ về bảo đảm lưu thông hàng hóa, đến giữa tháng 9, lái xe chở hàng xuất nhập khẩu đi cửa khẩu Móng Cái (Quảng Ninh) vẫn phải xét nghiệm 2 lần. Lần thứ nhất là trình kết quả xét nghiệm âm tính thực hiện trước đó không quá 48 giờ khi vào địa phận Quảng Ninh. Lần thứ hai là thực hiện xét nghiệm nhanh tại chỗ trước khi được phép vào khu vực cửa khẩu. Sau khi giao/nhận hàng, lái xe một lần nữa phải xét nghiệm PCR và chờ kết quả âm tính mới được ra khỏi khu vực cửa khẩu Móng Cái.
Với mức chi phí khoảng 200 nghìn đồng/lần xét nghiệm kháng nguyên hoặc xét nghiệm bằng phương pháp PCR mẫu gộp, mỗi tháng, công ty Delta phải chi khoảng 2 triệu đồng/lái xe, cao hơn cả mức đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế trên mức lương tối thiểu theo vùng. 18 tháng qua, DN này phải trả 300 triệu đồng/tháng chi phí xét nghiệm cho đội ngũ lái xe vận hành đội xe 150 chiếc.
Ông Nghĩa bức xúc: Nói đến mục tiêu kép vừa chống dịch, vừa duy trì hoạt động kinh tế thì phải nói đến hoạt động lưu thông hàng hóa. Nhưng các ban, ngành, địa phương đã nhân danh việc phòng chống dịch bệnh để đưa ra các quy định về hoạt động lưu thông hàng hóa không phù hợp quy định của Chính phủ và Bộ Y tế, gây ách tắc cho lưu thông hàng hóa phục vụ nhu cầu cơ bản của nhân dân và hoạt động sản xuất, kinh doanh.
“Để giải quyết vấn đề này, Nghị quyết số 105/NQ-CP về hỗ trợ DN, hợp tác xã, hộ kinh doanh trong bối cảnh đại dịch Covid-19 đã yêu cầu Bộ Y tế ban hành văn bản hướng dẫn DN, hợp tác xã, hộ kinh doanh mua sinh phẩm, thiết bị xét nghiệm và tự xét nghiệm. Nếu quy định này được thực hiện sẽ giúp DN tiết giảm được trên 70% chi phí xét nghiệm cho nhân viên. Với khoảng 800 nghìn lái xe đang tham gia vận chuyển hàng hóa và hàng triệu công nhân ở các vùng trọng điểm công nghiệp đang phải xét nghiệm với tần suất 3-5 ngày/lần, chính sách này có ý nghĩa với DN vượt xa bất kỳ một gói hỗ trợ nào mà Chính phủ đã thực hiện cho đến nay. Về phía người dân và DN, chúng tôi tin rằng không ai có động cơ che giấu tình trạng sức khỏe của mình. Bộ Y tế hoàn toàn có đủ dữ liệu để triển khai thành công chính sách quan trọng này trên toàn quốc đúng thời hạn”, ông Trần Đức Nghĩa nói.
Sự sụt giảm về năng lực sản xuất của khu vực DN cùng với các động lực tăng trưởng khác đã khiến kinh tế của các địa phương trong vùng dịch giảm sâu trong tám tháng đầu năm. Chỉ số sản xuất công nghiệp của TP Hồ Chí Minh giảm 6,6%, thu hút vốn FDI giảm hơn 43%, tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công chỉ đạt 30%. Khu vực DN tổn thương nặng nề khi có 3.000 DN giải thể, 12 nghìn DN tạm dừng hoạt động. Thu ngân sách địa phương này từ mức 1.400 tỷ đồng/ngày đã giảm xuống chỉ còn khoảng 800 tỷ đồng/ngày. Cập nhật tình hình phát triển kinh tế-xã hội trong bối cảnh chịu tác động tiêu cực của làn sóng đại dịch Covid-19 lần thứ tư,
Bộ KH và ĐT dự báo, năm 2021, tăng trưởng tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) của vùng sáu tỉnh, thành phố thuộc khu vực Đông Nam Bộ có thể tăng trưởng âm 0,13%. Trước đó, khu vực này dự kiến tăng trưởng 6,2 - 6,5%. Bộ trưởng KH và ĐT Nguyễn Chí Dũng nhận định: Nếu kiểm soát tốt dịch Covid-19 trong tháng 9 và bắt đầu trở lại trạng thái bình thường mới vào quý IV, dự báo tăng trưởng GDP năm 2021 của Việt Nam có thể tăng 3,5 đến 4%, thấp hơn so mục tiêu đề ra là 6,5%. Để đạt được mức tăng trưởng này đòi hỏi phải có sự nỗ lực rất lớn và quyết liệt hơn nữa của cả hệ thống chính trị, đặc biệt là từ các địa phương.
Theo Bộ trưởng, trong tình hình khó khăn của dịch bệnh như hiện nay, ứng xử của chính quyền địa phương với các DN là rất quan trọng, thậm chí còn quan trọng hơn cả những hỗ trợ của Chính phủ. Do đó, các địa phương cần đồng hành, sẵn sàng tháo gỡ, lắng nghe DN, không ban hành những quy định hành chính gây khó khăn cho hoạt động sản xuất, kinh doanh. Xây dựng niềm tin cho DN và xã hội là điều quan trọng nhất lúc này để DN yên tâm đầu tư lâu dài.
Theo đại biểu Quốc hội Phan Đức Hiếu, điểm mới của Nghị quyết 105 là nêu rõ bốn nhóm giải pháp cơ bản nhằm hỗ trợ cộng đồng sản xuất, kinh doanh, thể hiện điểm cân bằng giữa nhiệm vụ phòng, chống dịch và duy trì phát triển kinh tế-xã hội. Đồng thời trao quyền chủ động hơn cho địa phương và DN trong việc tìm kiếm và áp dụng mô hình sản xuất, kinh doanh an toàn phù hợp tình hình thực tế của mỗi nơi, ứng dụng tối đa số hóa để giảm phiền hà cho DN.
Nghị quyết cũng yêu cầu địa phương tuân thủ đúng hướng dẫn của cơ quan T.Ư, không tạo ra các loại giấy phép con, các điều kiện cản trở lưu thông hàng hóa, không để xảy ra tiêu cực, làm tăng chi phí của DN, hợp tác xã, hộ kinh doanh.
“Theo yêu cầu của Nghị quyết, nhiều nhiệm vụ phải được bộ, ngành, địa phương trình Chính phủ ngay trong tháng 9. Tình hình đã rất cấp bách, nếu chậm trễ trong thực hiện hỗ trợ, nhiều DN sẽ phải dừng hoạt động, thậm chí sẽ chết, số DN quay lại thị trường có thể sẽ ít đi”, đại biểu Phan Đức Hiếu nhấn mạnh.
TÔ HÀ/nhandan.vn
https://nhandan.vn/nhan-dinh/cung-co-niem-tin-cho-san-xuat-kinh-doanh-665916/