Ngày 21/9, Bamboo Airways chính thức công bố đường bay thẳng Việt - Mỹ tại New York, dưới sự chứng kiến của Chủ tịch nước, đi cùng nhiều hoạt động gây chú ý như ký kết lựa chọn động cơ máy bay thân rộng của GE, ra mắt Tổng đại lý tại thị trường Mỹ…
Có thể nói, đây là lần đầu tiên trong lịch sử, một hãng hàng không Việt Nam tiến vào thị trường Mỹ với cam kết và quy mô đáng nể, ngay tại nơi vốn được ví như "đại bản doanh" của nhiều hãng bay sừng sỏ.
Nhưng với những người vẫn để tâm theo dõi hành trình "giấc mơ Mỹ" của hãng bay này, thì kết quả ở thời điểm hiện tại hoàn toàn không phải ngẫu nhiên.
Đó gần như là hệ quả tất yếu của nhiều năm bền bỉ chuẩn bị, bất chấp các luồng dư luận trái chiều hoài nghi về tính thương mại hay năng lực vận hành.
Không quá lời khi nhận định rằng, nếu doanh nghiệp là phần xác, thì chính những người gây dựng nên doanh nghiệp mới tạo nên giá trị tinh thần cho cả bộ máy. Ví von vậy để thấy, Bamboo Airways quả thực là một bộ máy phản ánh rất rõ nét tinh thần của người lãnh đạo hãng - ông Trịnh Văn Quyết.
Ông Trịnh Văn Quyết, Chủ tịch Bamboo Airways.
Cách đây đúng 2 năm, ông Quyết khi trực tiếp nêu quan điểm về mục tiêu bay thẳng Mỹ tại một diễn đàn lớn, từng thừa nhận bị nhiều người cho là "chém gió" khi nói Bamboo Airways sẽ bay thẳng tới Mỹ sớm. Nhưng sau những phân tích cặn kẽ, ông vẫn kết lại bằng một câu nói khiến nhiều người bất ngờ: "Tôi là người nói nhiều, nhưng làm còn nhiều hơn".
Đây là cam kết mà ông đưa ra vào giai đoạn thị trường hàng không Việt khởi sắc, liên tục lọt top các thị trường phát triển nhanh nhất thế giới. Nhưng khó có vị chuyên gia nào có thể dự báo chính xác về một thảm họa sẽ xảy đến đối với ngành hàng không và kinh tế toàn cầu chỉ sau đó một năm. Covid-19 gây ra nhiều thiệt hại và mất mát, thậm chí đặt dấu chấm hết cho nhiều hãng bay không đủ tiềm lực.
Bất chấp cơn gió chướng, trong khi hầu hết các hãng bay đều chọn phương án "tích cốc phòng cơ", thu gọn hoạt động để duy trì tồn tại qua khủng hoảng, thì Bamboo Airways vẫn kiên định và quyết liệt với nhiều mục tiêu mở rộng hoạt động. Đường bay thẳng Việt - Mỹ của Bamboo là một ví dụ điển hình và sống động.
Bay thẳng Việt - Mỹ Ngày khát vọng ông Trịnh Văn Quyết thành hiện thực.
Được hiện thực hóa sau 2 năm, đây không chỉ là một khát vọng trở thành hiện thực - bất chấp những rào cản khắc nghiệt nhất, mà còn có thể xem là một dẫn chứng sống động cho tinh thần doanh nghiệp tư nhân Việt với chí tiến thủ cao, luôn nỗ lực tìm kiếm thị trường mới, là động lực để phát triển kinh tế tư nhân, tạo sức mạnh mềm để Việt Nam có thể vươn tầm thế giới, như lời nhắn nhủ của nguyên Thủ tướng Chính phủ.
Theo nhiều đánh giá, thành công mang tính bước ngoặt của chuyến bay thẳng sẽ đặt một nền móng vững chắc, mở ra đường bay thẳng không dừng thương mại định kỳ, kết nối Việt Nam và Mỹ, lần đầu tiên trong lịch sử do một hãng bay Việt vận hành.
Bamboo Airways cho biết tần suất khởi đầu của đường bay dự kiến là 3 chuyến/tuần, tiến tới nâng lên thành 5 - 7 chuyến/tuần theo nhu cầu thị trường. Các chặng bay sẽ kết nối TPHCM với hai sân bay quốc tế lớn bậc nhất của Mỹ nói riêng, và của thế giới nói chung là sân bay San Francisco và sân bay Los Angeles.
Một đường bay thẳng Việt - Mỹ do hãng bay Việt vận hành sẽ mang giá trị lớn về mặt thương hiệu. Đây là lời tái khẳng định thuyết phục về năng lực điều hành và cơ sở vật chất của hãng bay trong nước, cũng như toàn ngành hàng không Việt Nam, khi tiếp tục duy trì đạt các chuẩn mực cao nhất về hàng không trên thế giới, củng cố vị thế của thị trường hàng không Việt giai đoạn hậu dịch bệnh.
Và vượt trên những ý nghĩa về thương mại đơn thuần, việc khai thác đường bay thẳng không dừng đến Mỹ có thể nói còn đóng góp mạnh mẽ vào việc thực thi nhiệm vụ chính trị, ngoại giao song phương, tăng cường kết nối giao thương và đầu tư giữa Việt Nam và Mỹ, cũng như ngày càng thắt chặt mối quan hệ hợp tác nồng ấm giữa hai quốc gia.
Trường Thịnh/dantri.com.vn