Dệt may phục hồi sau giãn cách

Chủ nhật, 03.10.2021 | 15:21:48
624 lượt xem

Kể từ ngày 28/9, TP Hà Nội cho phép các cửa hàng kinh doanh buôn bán hàng thời trang, may mặc, hóa mỹ phẩm,... được phép mở cửa trở lại khiến người dân rất hồ hởi, phấn khởi. Đa phần doanh nghiệp và người dân đều mong muốn Nhà nước sớm kiểm soát, đẩy lùi dịch bệnh nhằm thúc đẩy kinh tế - xã hội phát triển.

Sản xuất hàng may mặc tại Công ty cổ phần M2 Việt Nam. 

Ngay khi nhận được thông tin về việc Hà Nội cho phép các cửa hàng may mặc, thời trang hoạt động trở lại, toàn bộ các cửa hàng, trung tâm thời trang trên địa bàn thành phố đã khẩn trương dọn dẹp, sẵn sàng phục vụ khách hàng. Các cửa hàng đã liên hệ với đối tác, nhà cung cấp sản phẩm nhanh chóng cung ứng hàng theo mùa vụ nhằm đáp ứng thị hiếu của người tiêu dùng.

Chị Nguyễn Ngọc Huyền, chủ cửa hàng kinh doanh quần áo thời trang trên phố Chùa Bộc (quận Đống Đa, Hà Nội) cho biết, việc Hà Nội cho phép các cửa hàng quần áo thời trang kinh doanh trở lại là tin vui không chỉ đối với chị Huyền mà còn đối với tất cả người kinh doanh buôn bán quần áo khác.

Suốt hai tháng qua, chị Huyền như “ngồi trên đống lửa” bởi không có công ăn việc làm nhưng phải lo hàng loạt các khoản chi phí như tiền thuê cửa hàng; tiền điện, nước, tiền lương cho nhân viên ăn ở, trông coi cửa hàng lên tới gần 70 triệu đồng/tháng.

Chỉ cần tình trạng này kéo dài thêm một vài tháng, chắc chắn chị Huyền không trụ nổi, đành tính đến phương án sang nhượng, trả lại cửa hàng để đi làm thuê cho người khác. Vì càng cố bám trụ sẽ càng khó khăn, nợ nần chồng chất. “Rất may giờ đã có thể buôn bán trở lại, mặc dù lượng khách đến mua hàng thời gian đầu không đông nhưng ít ra còn có đồng ra, đồng vào để trang trải cuộc sống hằng ngày và duy trì nguồn nhân công hiện có.

Bên cạnh mặt hàng sẵn có, cửa hàng cũng đã chủ động liên lạc với nhà cung cấp sớm vận chuyền các mẫu mới theo mùa vụ nhằm đáp ứng thị hiếu của người tiêu dùng. Ngoài ra, cửa hàng cũng chấp hành đầy đủ các quy định về phòng, chống dịch bệnh nhằm bảo đảm sức khỏe cho khách” - chị Huyền nhấn mạnh.

Chủ tịch HĐQT, Tổng Giám đốc Công ty cổ phần M2 Việt Nam Nguyễn Hải Đường cho biết thêm, nhân viên tại các cửa hàng thời trang M2 rất phấn khởi trước việc được mở cửa hoạt động trở lại. Bên cạnh việc tích cực dọn dẹp, bày trí giá kệ, dán các thông báo phòng, chống dịch, QR Code khai báo y tế, vệ sinh không gian mua sắm, kiểm tra bảo đảm đúng yêu cầu phòng, chống dịch bệnh, chúng tôi cũng chủ động sẵn nguồn hàng để đáp ứng nhu cầu của khách.

Cũng theo ông Nguyễn Hải Đường, tranh thủ trong thời gian giãn cách vừa qua, công ty đã chủ động xây dựng những phương án nhằm thúc đẩy mạng lưới tiêu thụ hàng hóa. Bên cạnh đó, công ty cũng sẽ tổ chức nhiều chương trình khuyến mãi hấp dẫn, đặc biệt là chương trình tặng áo để thu hút sự chú ý cũng như đẩy mạnh bán hàng online và offline nhằm đáp ứng tối đa nhu cầu của khách hàng.

Tương tự, qua khảo sát tại một số tuyến phố trên địa bàn Hà Nội như đường Nguyễn Trãi, Thái Hà - Chùa Bộc, Phạm Ngọc Thạch, Kim Mã, Xuân Thủy,... hầu hết các hộ kinh doanh, buôn bán quần áo, hàng thời trang đều đưa ra chương trình “kích cầu” tiêu dùng, ưu đãi như đồng loạt giảm giá các mặt hàng từ 30 đến 50%, có những mặt hàng giảm đến 80%.

Bên cạnh đó, các cửa hàng cũng đẩy mạnh hình thức bán hàng trực tuyến nhằm đáp ứng nhu cầu đa dạng của khách. Chị Đặng Thu Hường, chủ cửa hàng quần áo trên đường Nguyễn Trãi cho biết, ngoài bán sản phẩm trực tiếp tại cửa hàng, chúng tôi cũng liên kết với một số trang điện tử, mạng xã hội quảng cáo các mẫu mã, kiểu dáng sản phẩm để tạo điều kiện cho khách hàng có thể mua bán và thanh toán qua mạng. Đây là hướng đi mới và cũng là khoản giúp cửa hàng tăng thêm thu nhập trong thời kỳ hoành hành của dịch bệnh.

Phó Tổng Giám đốc Tập đoàn Dệt may Việt Nam (Vinatex) Cao Hữu Hiếu cho biết, dịch Covid-19 ảnh hưởng rất nhiều tới thị trường tiêu thụ nội địa, đặc biệt là hành vi tiêu dùng thay đổi khi những sản phẩm chất lượng cao như veston, sơ-mi ít được lựa chọn mà người dân quay ra sử dụng các mặt hàng áo phông, quần thun và các sản phẩm thông dụng khác do có tâm lý “thắt lưng buộc bụng”.

Do đóng hết các cửa hàng nên doanh thu sụt giảm mạnh, giá trị đơn hàng và đơn giá cũng đều sụt giảm. Riêng sáu tháng đầu năm, doanh thu nội địa của tập đoàn giảm khoảng 20%, còn từ cuối tháng 7 đến khi được mở cửa trở lại khoảng hơn hai tháng doanh thu gần như bằng không do các cửa hàng, trung tâm thời trang bị buộc đóng cửa, dừng hoạt động để phòng, chống dịch bệnh.

Tập đoàn xác định, do dịch bệnh ảnh hưởng rất lớn đến thu nhập của người dân nên về cơ cấu mặt hàng cũng phải thay đổi rất nhiều, chủ yếu đi vào các mặt hàng đơn giản, giá cả hợp lý. Thời điểm hiện tại đang giao mùa và bước vào vụ thu đông, nhu cầu người dân đối với các sản phẩm có giá trị cao hơn cho nên đây cũng là thời điểm để các cửa hàng, trung tâm thời trang đẩy mạnh tiêu thụ hàng hóa và gia tăng doanh thu trong thời gian tới.

Phó Tổng Giám đốc Tổng công ty May 10 Bạch Thăng Long cho biết thêm, trước tác động của dịch Covid-19 khiến tình hình mua bán trên thị trường rất khó khăn. Để chủ động phục hồi sau giãn cách, May 10 đã tập trung đầu tư thiết kế và cho ra thị trường một bộ sưu tập với kiểu dáng, mẫu mã rất bắt mắt. Ngoài ra, May 10 cũng chuẩn bị sẵn nguồn hàng cung ứng đủ cho gần 200 cửa hàng, đại lý, trung tâm thời trang trên toàn quốc.


Quỳnh Chi/nhandan.vn

https://nhandan.vn/tin-tuc-kinh-te/det-may-phuc-hoi-sau-gian-cach-667749/

  • Từ khóa