Sau khi chuyển sang trạng thái “bình thường mới”, các doanh nghiệp sản xuất công nghiệp tại các vùng kinh tế trọng điểm đã nhanh chóng tổ chức lại sản xuất với những quy định chặt chẽ, bảo đảm an toàn trong phòng, chống dịch Covid-19, nhằm đẩy mạnh sản xuất, lấy lại đà tăng trưởng kinh tế trong những tháng cuối năm 2021.
Trung tâm sản xuất thiết bị đo điện tử tại Khu công nghiệp Hòa Cầm (Ðà Nẵng) trở lại hoạt động bình thường. Ảnh: THANH TÙNG
Tự chịu trách nhiệm về quy chế sản xuất an toàn và phòng, chống dịch tại doanh nghiệp, kịp thời thanh tra khắc phục nếu phát hiện sai sót, đó là tiêu chí cơ bản được hầu hết các doanh nghiệp (DN) đóng tại các khu chế xuất, khu công nghiệp (KCX, KCN) trên địa bàn các tỉnh, thành phố có nhiều KCN áp dụng, sau khi mở cửa sản xuất trở lại để tăng tốc phục hồi sản xuất công nghiệp.
An toàn sản xuất là yêu cầu hàng đầu
Ngày 6/10, 1.100 công nhân lao động Công ty TNHH JUKI Việt Nam (KCX Tân Thuận, quận 7, TP Hồ Chí Minh) đã quay trở lại làm việc, sau khi thành phố thực hiện quy định từng bước phục hồi, phát triển kinh tế - xã hội, bằng 90% số lao động của DN. Công nhân trước khi quay lại làm việc phải xét nghiệm mẫu gộp PCR và test nhanh kháng nguyên, cam kết chỉ di chuyển từ nhà đến công ty và ngược lại, không đi làm bằng xe công nghệ, chỉ đi bằng phương tiện cá nhân…
Ông Ðào Quốc Cường, Giám đốc điều hành công ty cho biết: Quy chế sản xuất an toàn và phòng, chống dịch Covid-19 đã được Ban Quản lý các KCX, KCN TP Hồ Chí Minh (Hepza) phê duyệt. Hằng tuần, công ty tổ chức thanh tra hoạt động sản xuất, nếu phát hiện sai sót thì khắc phục ngay. Hepza làm công tác hậu kiểm đối với DN. Ban Giám đốc Công ty TNHH JUKI Việt Nam nhận định, phương án sản xuất an toàn đang thực hiện và tỷ lệ công nhân đã tiêm vắc-xin đạt cao (95% người lao động đã tiêm đủ hai mũi) là yếu tố thuận lợi để DN tăng tốc sản xuất, nâng cao sản lượng sản phẩm bù đắp lại thời gian giãn cách kéo dài.
Theo ông Phạm Thanh Trực, Phó Ban quản lý Hepza cho biết, DN muốn hoạt động trở lại thì phải đạt tiêu chí an toàn sản xuất theo Quyết định 3328 ngày 15/9/2021 của Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch TP Hồ Chí Minh, quản lý sản xuất và quản lý việc lưu thông, di chuyển của người lao động từ nơi ở đến nơi làm việc. Hepza yêu cầu chậm nhất ngày 8/10, các DN thực hiện quét mã QR (trên điện thoại thông minh hoặc được in trên giấy) của toàn bộ người lao động, người đến liên hệ công tác, giao dịch; và sử dụng ứng dụng của thành phố (hoặc ứng dụng PC-COVID) để kiểm soát và tổ chức hoạt động. Từ ngày 1 đến ngày 3/10, tại 17 KCX, KCN trên địa bàn TP Hồ Chí Minh, có 368 DN kết thúc sản xuất “ba tại chỗ” chuyển sang phương thức sản xuất an toàn. Số DN tạm ngưng hoạt động trong thời gian giãn cách xã hội, nay hoạt động trở lại là 98 DN.
Tại Ðồng Nai, sau ngày 1/10, Ban Quản lý các KCN chấp thuận cho công nhân cư trú tại các địa bàn ấp, khu phố “vùng xanh” được đi làm trở lại.
Sáng 5/10, sau gần ba tháng tạm ngưng sản xuất vì giãn cách xã hội, hơn 5.000 trong tổng số hơn 27.000 công nhân Công ty TNHH Pousung Việt Nam, KCN Bàu Xéo, tỉnh Ðồng Nai đã đến nhà máy làm xét nghiệm Covid-19 để đi làm trở lại. “Ðược quay trở lại làm việc, tôi và các anh, chị, em công nhân đều rất mừng. Mọi người cùng nhau cố gắng chấp hành thật tốt các quy định phòng dịch để bảo đảm sản xuất, có thu nhập ổn định trang trải cuộc sống”- công nhân Bùi Thị Kim Hiền cho biết.
Theo Chủ tịch Công đoàn công ty Lê Nhật Trường, Pousung là một trong những DN đầu tiên được tỉnh Ðồng Nai chấp thuận quay lại sản xuất sau gần ba tháng tạm ngưng hoạt động để phòng, chống dịch. Ðể bảo đảm an toàn phòng dịch, tất cả người lao động trở lại làm việc đều được công ty tổ chức test nhanh, những người có kết quả âm tính mới được vào nhà máy. Riêng hơn 22.000 công nhân khác của DN này vẫn chưa thể trở lại nhà máy do không phải ở các “vùng xanh”.
Những ngày này, các KCN tại tỉnh Hà Nam nâng mức độ phòng, chống dịch Covid-19 lên mức cao nhất trước diễn biến phức tạp của dịch trên địa bàn tỉnh. Bà Tan Ling, Phó Giám đốc Công ty TNHH Hua Zhuang Electronics Việt Nam (KCN Ðồng Văn I) cho biết: Công ty tổ chức cho công nhân làm việc ba ca, bố trí nơi ăn, nghỉ bảo đảm các điều kiện và thực hiện kiểm soát chặt chẽ sức khỏe, đồng thời, tăng khẩu phần ăn cho người lao động. Ðến nay, 90% công nhân của công ty đã được tiêm vắc-xin ngừa Covid-19.
Bà Trần Thị Nga, Quản lý nhân sự Công ty Khoa học Kỹ thuật TNHH Tonghe - Vina KCN Ðồng Văn I, thị xã Duy Tiên chia sẻ: Công ty tuyên truyền đến từng bộ phận, từng công nhân phải giữ đúng mật độ 5 m2/người. Sắp xếp phòng ở cho công nhân ở lại công ty để bảo đảm sản xuất theo kế hoạch với khách hàng. Hiện tại 100% công nhân được tiêm vắc-xin mũi 1, 45% công nhân ở Hà Nội đã tiêm đủ hai mũi. Công ty tổ chức xét nghiệm sàng lọc Covid-19 cho công nhân một tuần/lần.
Công nhân Khu công nghiệp Biên Hòa 2 (Ðồng Nai) trong ca sản xuất. Ảnh: THIÊN VƯƠNG
Tạo điều kiện thuận lợi để DN tái khởi động
Ðể giúp các DN vượt qua khó khăn, sớm lấy lại đà tăng trưởng, chính quyền các tỉnh, thành phố đều xác định, đẩy mạnh cải cách hành chính, đối thoại, tháo gỡ khó khăn cho DN; tăng cường kiểm tra, giám sát các nhà máy, xí nghiệp trong các KCN thực hiện các biện pháp bảo đảm an toàn phòng, chống dịch là những nhiệm vụ trọng tâm từ nay đến cuối năm 2021.
Chín tháng qua, chỉ số sản xuất công nghiệp của TP Ðà Nẵng giảm khoảng 1,2% so với cùng kỳ 2020. Ðể tháo gỡ khó khăn, tìm hướng hỗ trợ DN phục hồi sản xuất, TP Ðà Nẵng đã tổ chức “Hội nghị đối thoại với DN” để lắng nghe, ghi nhận và giải đáp những khó khăn, vướng mắc, đề xuất kiến nghị của DN. Bí thư Thành ủy Ðà Nẵng Nguyễn Văn Quảng nhấn mạnh: Ðà Nẵng sẽ ban hành Kế hoạch phòng, chống dịch và phục hồi kinh tế - xã hội thành phố; ưu tiên hỗ trợ ngành nghề, lĩnh vực có tính lan tỏa, dẫn dắt nền kinh tế. Thành phố lên kế hoạch để trong tháng 10 bảo đảm người lao động được tiêm ít nhất một mũi vắc-xin, tiêm đủ 2 mũi vào cuối năm 2021. Thành phố hỗ trợ 50% chi phí xét nghiệm, thành lập đội phản ứng nhanh hỗ trợ DN khi phát hiện ca bệnh; đơn giản hóa thủ tục thành lập DN, đầu tư, hải quan, giấy phép lao động… để DN tái khởi động và mở rộng các dự án.
Nỗ lực kiểm soát dịch bệnh của chính quyền đã tạo niềm tin cho các nhà đầu tư trong và ngoài nước. Ngày 5/10, tại Khu công nghệ cao Ðà Nẵng, UBND thành phố Ðà Nẵng và Tập đoàn Fujikin (Nhật Bản) tổ chức khởi công xây dựng Dự án Trung tâm nghiên cứu, phát triển và sản xuất Fujikin Ðà Nẵng.
Dự án có tổng vốn đầu tư 35 triệu USD với mục tiêu nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ trong các lĩnh vực khoa học kỹ thuật và công nghệ gồm các thế hệ rô-bốt, thiết bị bay không người lái, thiết bị năng lượng Hydro, thiết bị Nano, công nghệ trí tuệ nhân tạo (AI), hệ thống lọc nước, hệ thống tải điện không dây và phát triển vật liệu mới… Chín tháng đầu năm 2021, Khu công nghệ cao, Khu công nghệ thông tin tập trung và các KCN Ðà Nẵng đã thu hút được 17 dự án, trong đó có bốn dự án đầu tư trực tiếp nước ngoài với tổng vốn đăng ký đầu tư là 145,33 triệu USD và 13 dự án trong nước với tổng vốn đăng ký đầu tư là 544,4 tỷ đồng. Ðây là tín hiệu đáng mừng trong bối cảnh dịch bệnh diễn biến phức tạp như hiện nay.
Ðồng chí Trần Xuân Dưỡng, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hà Nam cho biết: Tỉnh yêu cầu Ban Quản lý các KCN chủ trì, phối hợp với UBND các huyện, thị xã, thành phố và các đơn vị liên quan tăng cường kiểm tra, quản lý việc thực hiện “ba tại chỗ” tại các KCN bảo đảm hiệu quả, theo quy định; duy trì hoạt động sản xuất, kinh doanh ở những nơi đủ điều kiện theo nguyên tắc “an toàn mới sản xuất, sản xuất phải an toàn”. Tỉnh chỉ đạo Ban Quản lý các KCN tỉnh Hà Nam phối hợp ngành Y tế đẩy nhanh tiến độ tiêm vắc-xin phòng Covid-19 cho công nhân lao động trong các KCN. Ðến nay, đã có 69 nghìn lao động tại các KCN trên địa bàn tỉnh được tiêm vắc-xin. Trong đó, năm KCN: Ðồng Văn I, II, III, IV và Hòa Mạc đã tiêm cho hơn 90% số lao động.
Chủ tịch UBND tỉnh Ðồng Nai Cao Tiến Dũng cho biết, địa phương đã thành lập Ban Chỉ đạo cấp tỉnh về phục hồi sản xuất để kịp thời hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn cho DN. Yêu cầu các sở, ngành, địa phương tạo điều kiện, hướng dẫn một cách đơn giản nhất cho các DN khi quay lại sản xuất.
Trước quy định công nhân phải có giấy đi đường từ nơi ở đến nhà máy làm việc gây nhiều bất tiện, lãnh đạo tỉnh đã yêu cầu bỏ ngay giấy này, người lao động trong quá trình di chuyển chỉ cần đeo thẻ nơi làm việc. DN hoạt động trở lại sẽ góp phần khôi phục kinh tế, giữ chân được người lao động, hạn chế tình trạng từng đoàn người kéo nhau về quê như những ngày qua, dẫn đến thiếu lao động trong thời gian tới. Tuy nhiên, đồng chí nhấn mạnh, các DN phải chủ động thực hiện phương án sản xuất an toàn, tránh trường hợp vừa hoạt động trở lại thì phải tạm ngưng do dịch xâm nhập, bảo đảm thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát dịch hiệu quả để phục hồi kinh tế trong những tháng cuối năm 2021.
Theo nhandan.vn
https://nhandan.vn/tin-tuc-kinh-te/tang-toc-phuc-hoi-san-xuat-cong-nghiep--668417/