3 lý do khiến kinh tế Trung Quốc chậm lại như Nhật Bản những năm 1990

Thứ 2, 18.10.2021 | 14:51:15
1,507 lượt xem

Giống như Nhật Bản trong những năm 1990, Trung Quốc đang phải đối mặt với mức nợ cao, dân số già, căng thẳng với Mỹ và tiềm ẩn nguy cơ xảy ra khủng hoảng tài chính.

3 lý do khiến kinh tế Trung Quốc chậm lại như Nhật Bản những năm 1990 - 1

Thị trường Bất động sản Trung Quốc đang gặp khó khăn (Ảnh: Getty).

Trung Quốc trong những năm 2020 được thế giới nhìn nhận là một quốc gia châu Á có nền kinh tế phát triển nhanh và ngày càng giàu có nhờ xuất khẩu. Trung Quốc có mức đầu tư công và nợ cao cùng một thị trường bất động sản phát triển mạnh. Sức mạnh kinh tế Trung Quốc cũng ngày càng tăng và đang trên đà vượt qua Mỹ.

Đây cũng là hình ảnh của nền kinh tế Nhật Bản vào những năm 1980 khi quốc gia này được ca ngợi như một phép màu kinh tế và là mối đe dọa chính đối với vị thế độc tôn của Mỹ. Tốc độ tăng trưởng trung bình 10% mỗi năm từ những năm 1960 trở đi đã giúp Nhật trở thành nền kinh tế lớn thứ 2 thế giới vào những năm 1980, khi sức ảnh hưởng của các tập đoàn như Toyota và Sony đe dọa thay thế các "ông lớn" Mỹ như Ford và General Electric.

3 lý do khiến kinh tế Trung Quốc chậm lại như Nhật Bản những năm 1990 - 2

So sánh GDP của Trung Quốc, Nhật Bản và Mỹ (Nguồn: World Bank).

Sau đó, tất cả sụp đổ khi Nhật Bản bước vào thời kỳ bong bóng kinh tế. Kéo theo sau đó là dấu chấm hết cho phép màu và một cuộc khủng hoảng tài chính toàn diện đã làm rung chuyển Nhật Bản vào đầu những năm 1990, dẫn đến một "thập kỷ mất mát". Từ đó, "Nhật Bản hóa" đã trở thành một cụm từ ám chỉ sự trì trệ và giảm phát kéo dài của một nền kinh tế.

Giờ đây, những điểm tương đồng giữa Trung Quốc và Nhật Bản đang bắt đầu khiến các nhà kinh tế lo ngại. Giống như Nhật Bản trong những năm 90, Trung Quốc đang phải đối mặt với mức nợ cao, dân số già, căng thẳng trong quan hệ với Mỹ và tiềm ẩn nguy cơ xảy ra khủng hoảng tài chính. Thậm chí, bong bóng bất động sản khổng lồ đang có dấu hiệu vỡ.

Ông Mike Riddell, nhà quản lý danh mục đầu tư thu nhập cố định toàn cầu tại Allianz, cho biết: "Giả định Trung Quốc sẽ vượt qua Mỹ để trở thành nền kinh tế lớn nhất thế giới theo tôi là điều không thể xảy ra".

Nền kinh tế Trung Quốc giảm tốc là điều cuối cùng mà thế giới cần trong những năm 2020, do quốc gia này đã chiếm khoảng 30% tăng trưởng toàn cầu trong những năm gần đây, và thậm chí có thể dẫn đến "Nhật Bản hóa" nền kinh tế thế giới . Các nhà kinh tế đang lo lắng về một thập kỷ mất mát của chính Trung Quốc vì 3 lý do sau.

Nợ lớn và nỗi lo bong bóng vỡ

Bong bóng bất động sản của Nhật Bản bùng phát lớn vào những năm 1980 đến nỗi giá bất động sản ở nước này vẫn chưa phục hồi sau khi tăng vọt. Biểu đồ dưới đây cho thấy số nợ doanh nghiệp ở Nhật Bản đã tăng vọt trong những năm 1980 và đầu những năm 1990.

3 lý do khiến kinh tế Trung Quốc chậm lại như Nhật Bản những năm 1990 - 3

Nợ nước ngoài của các tập đoàn Nhật Bản (Nguồn: Fred).

Cho đến ngày nay, để thúc đẩy tăng trưởng nhanh chóng, Trung Quốc đã phải gánh nợ trong nhiều lĩnh vực, đặc biệt là trong lĩnh vực bất động sản, vốn chiếm khoảng 30% GDP của đất nước.

Một trong những nhà phát triển bất động sản lớn nhất ở Trung Quốc - Evergrande - đang bên bờ vực vỡ nợ với khoản nợ khủng hơn 300 tỷ USD, cao nhất trên thế giới, trị giá khoảng 2% GDP của Trung Quốc. Mặc dù Evergrande có thể là công ty bất động sản Trung Quốc mắc nợ nhiều nhất, nhưng đây không phải là công ty duy nhất ở Trung Quốc đối mặt với tình trạng vỡ nợ.

Sự sụp đổ của Evergrande diễn ra trong bối cảnh chính phủ Trung Quốc đang siết nợ và cố gắng "tái cân bằng" nền kinh tế theo hướng tăng trưởng dựa trên tiêu dùng.

Các nhà kinh tế cho rằng tốc độ tăng trưởng của Trung Quốc sẽ chậm lại khi nước này thay đổi mô hình kinh tế. IMF dự kiến nền kinh tế nước này sẽ tăng ở mức khoảng 5%/năm từ nay đến năm 2025 so với mức 10%/năm trong năm 2010.

The Atlantic cho rằng tăng trưởng của Trung Quốc có thể ở mức thấp nhất là 3% một/năm vào giữa thập kỷ này. Những dấu hiệu này giống như Nhật Bản ở thời kỳ suy thoái vào thập niên 1990, nhưng đây không phải là tất cả.

Ông Kevin Lai, Chuyên viên kinh tế khu vực châu Á tại Daiwa Capital Markets, cho biết đã có "sự khủng hoảng khủng khiếp" trong một số lĩnh vực nhất định của hệ thống tài chính Trung Quốc. Trái phiếu trong lĩnh vực bất động sản đã sụp đổ khiến việc vay vốn của một số công ty lớn của Trung Quốc trở nên khó khăn hơn.

Các nhà phân tích Phố Wall hy vọng Bắc Kinh có thể ngăn chặn bất kỳ sự lây lan nào, nhưng ông Kevin Lai cho biết thêm tình hình sắp tới rất khó dự đoán: "Tôi nghĩ thị trường khác xa với thực tế... sẽ có nhiều điều bất ngờ."

Dân số già

Một trong những vấn đề lớn mà nền kinh tế Nhật Bản gặp phải trong những năm 1990 là dân số già nhanh chóng. Nói một cách đơn giản, dân số già có nghĩa là có ít lao động hơn, khiến tăng trưởng kinh tế khó khăn hơn. Chi phí lương hưu và chi tiêu phúc lợi tăng cao cũng tạo thêm áp lực cho chi tiêu công.

Dân số trong độ tuổi lao động của Trung Quốc đạt đỉnh vào năm 2015, sau khi chính sách một con của nước này làm giảm tỷ lệ sinh trên toàn quốc. Chính nhờ số lượng dân số khổng lồ đã cho phép nền kinh tế thu hút người lao động đến các thành phố, thúc đẩy sự bùng nổ công nghiệp. Nhưng Trung Quốc ngày càng đô thị hóa vào đầu những năm 2020 và nguồn cung cấp lao động của nước này đã chậm lại một cách rõ rệt.

3 lý do khiến kinh tế Trung Quốc chậm lại như Nhật Bản những năm 1990 - 4

Tỷ lệ dân số trong độ tuổi lao động của Trung Quốc, Mỹ và Nhật Bản (Nguồn: World Bank).

Theo ông Riddell của Allianz, "quả bom" nhân khẩu học của Trung Quốc đã nổ. Ông cho biết các vấn đề nhân khẩu học cũng dẫn đến nỗi lo về các khoản nợ, với mức đầu tư cao dường như không phù hợp với một nền kinh tế đang chậm lại và già đi.

Căng thẳng với Mỹ

Sức ảnh hưởng của Nhật Bản đối với các quốc gia trong liên minh kinh tế ngày càng gia tăng đã khiến Mỹ cảm thấy bị đe dọa. Các chuyên gia kinh tế khi đó đã sản xuất những cuốn sách với các tiêu đề như "Nhật Bản là số một" và "Ngôi sao kinh tế mới Nhật Bản".

Khi đó Nhật Bản đã gặp những bất lợi lớn từ Mỹ, và hiện tại Trung Quốc sẽ càng gặp những bất lợi lớn hơn. Năm 2018, cựu Tổng thống Donald Trump đã phát động một cuộc chiến tranh thương mại toàn diện nhằm vào Trung Quốc, áp thuế lên hàng trăm tỷ USD lên hàng hóa Trung Quốc. Chính quyền của Tổng thống Joe Biden hiện cũng đang bám sát con đường của ông Trump.

Các nhà kinh tế lo lắng về sự tách rời giữa hai nền kinh tế lớn nhất thế giới, chấm dứt mối quan hệ vốn là trung tâm của tăng trưởng toàn cầu trong một thập kỷ.

Trong một cảnh báo cho các nền kinh tế khác, Nhật Bản có thể chính là một ví dụ điển hình. Một nền kinh tế đang phát triển như Nhật Bản trước những năm 1980 và Trung Quốc trước những năm 2020 chỉ có thể công nghiệp hóa một lần, sau đó họ sẽ mắc rất nhiều nợ, lực lượng lao động già hóa và tăng trưởng thấp.


Hằng Đoàn/dantri.com.vn

https://dantri.com.vn/kinh-doanh/3-ly-do-khien-kinh-te-trung-quoc-cham-lai-nhu-nhat-ban-nhung-nam-1990-20211018110030535.htm#dt_source=Cate_KinhDoanh&dt_campaign=Cover&dt_medium=1

  • Từ khóa