Nỗ lực xây dựng, phát triển nông thôn mới

Thứ 2, 08.11.2021 | 00:00:00
896 lượt xem

Nhận thức sâu sắc tầm quan trọng của trụ đỡ ngành nông nghiệp, thời gian qua, chính quyền các địa phương của TP Hà Nội đã vào cuộc tích cực triển khai chương trình xây dựng nông thôn mới (NTM). Những kết quả đạt được từ chương trình này đã đóng góp tích cực vào công cuộc phát triển kinh tế-xã hội của các địa phương.

Mang lại hiệu quả kinh tế cao

Về công tác xây dựng NTM, tính đến nay, toàn TP Hà Nội có 12/18 huyện, thị xã đạt chuẩn NTM. Còn 6 huyện chưa đạt, trong đó huyện Phú Xuyên đã hoàn thiện hồ sơ công nhận đạt chuẩn NTM năm 2020 trình Hội đồng thẩm định Trung ương xem xét, thẩm định; các huyện: Chương Mỹ, Mê Linh, Ứng Hòa phấn đấu đạt chuẩn NTM năm 2021; các huyện: Ba Vì, Mỹ Đức phấn đấu đạt chuẩn NTM năm 2022. Toàn thành phố cũng có 368/382 xã (chiếm 96,3%) đạt chuẩn NTM; 29 xã đạt chuẩn NTM nâng cao. Theo Văn phòng Điều phối Chương trình xây dựng NTM Hà Nội, trong quý III-2021, tổng kinh phí huy động thực hiện Chương trình xây dựng NTM đạt gần 15.500 tỷ đồng, trong đó, ngân sách thành phố là 8.453 tỷ đồng (chiếm 54,5%); ngân sách huyện là 6.020 tỷ đồng (chiếm 38,9%); ngân sách xã là 445 tỷ đồng (2,9%); vốn huy động ngoài ngân sách nhà nước là 574 tỷ đồng (chiếm 3,7%).

Nỗ lực xây dựng, phát triển nông thôn mới
Trang trại nuôi gà giống ứng dụng công nghệ cao tại huyện Đông Anh, TP Hà Nội (ảnh chụp trước ngày 27-4-2021). Ảnh: VĂN PHÚ


Chủ tịch UBND huyện Ứng Hòa Phạm Anh Tuấn cho biết, trong 9 tháng năm 2021, kinh tế huyện giữ được sự ổn định. Tổng giá trị sản xuất ước đạt 8.416 tỷ đồng, trong đó, giá trị sản xuất ngành nông nghiệp ước đạt 2.859 tỷ đồng, tăng 7,8% so với cùng kỳ. Thu ngân sách trên địa bàn huyện ước đạt 186 tỷ 200 triệu đồng (đạt 73% so với cùng kỳ năm 2020); chi ngân sách ước đạt 994 tỷ 272 triệu đồng (đạt 76% so với cùng kỳ năm 2020). Về công tác xây dựng NTM, toàn bộ 28/28 xã trên địa bàn huyện đã được thành phố công nhận đạt chuẩn NTM. Đối với tiêu chí xây dựng huyện NTM, đến nay, huyện đã bảo đảm đạt và cơ bản đạt 9/9 tiêu chí theo Quyết định số 558/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ; huyện đã hoàn thiện các trình tự, thủ tục trình thành phố thẩm tra.

Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hà Nội Chu Phú Mỹ cho hay, trong quý III-2021, dịch Covid-19 đã tác động đến việc triển khai các chỉ tiêu, nhiệm vụ của Chương trình số 04-CTr/TU về "Đẩy mạnh thực hiện hiệu quả Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng NTM gắn với cơ cấu lại ngành nông nghiệp và phát triển kinh tế nông thôn, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của nông dân giai đoạn 2021-2025", nhất là trong công tác xây dựng NTM. Sản xuất nông nghiệp nhìn chung vẫn tiếp tục phát triển, nhiều vùng chuyên canh tập trung, vùng chăn nuôi xa khu dân cư đã mang lại hiệu quả kinh tế cao. Năng suất lúa ước đạt 58,4 tạ/ha, tăng 0,6 tạ/ha tương ứng tăng 1% so với cùng kỳ năm 2020. Tổng đàn trâu, bò, lợn đều tăng so với cùng kỳ, trong đó đàn lợn hiện có 1,37 triệu con, tăng 11,4% so với cùng kỳ năm trước; sản lượng thịt lợn hơi xuất chuồng 9 tháng năm 2021 ước đạt 168.000 tấn, tăng 6,4%... Dịch bệnh trong chăn nuôi cũng được kiểm soát, không để xảy ra dịch bệnh lớn.

Phó bí thư Thường trực Thành ủy Hà Nội Nguyễn Thị Tuyến, Trưởng ban chỉ đạo Chương trình số 04-CTr/TU đánh giá, trong quý III-2021, mặc dù đối mặt với những khó khăn, thách thức do tác động của dịch Covid-19, thành phố phải giãn cách xã hội trong gần 2 tháng, song sản xuất nông nghiệp và chuỗi cung ứng không bị đứt gãy, nhất là bảo đảm cung ứng đầy đủ hàng hóa, nhu yếu phẩm cho nhân dân, qua đó góp phần vào ổn định của thành phố và khẳng định ngành nông nghiệp là một trụ đỡ quan trọng.

Đổi mới phương thức sản xuất

 Theo đồng chí Phạm Hải Hoa, Chủ tịch Hội Nông dân TP Hà Nội, trong thời gian tới, các cấp hội tiếp tục vận động cán bộ, hội viên nông dân tích cực tham gia xây dựng NTM văn minh đô thị, tái cơ cấu nông nghiệp, tích tụ, tập trung ruộng đất, chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi theo quy hoạch, áp dụng những tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất, kinh doanh. Hướng dẫn hội viên nông dân xây dựng nhân rộng các mô hình, điển hình phát triển kinh tế, các làng nghề, loại hình dịch vụ. Phối hợp chặt chẽ với các sở, ngành thành phố và các cơ quan, doanh nghiệp liên quan để tổ chức các hoạt động dịch vụ, hỗ trợ nông dân phát triển kinh tế-xã hội nông thôn...

Về phương hướng nhiệm vụ trong quý IV-2021, bà Nguyễn Thị Tuyến cho rằng, các huyện, thị xã cần đẩy mạnh trồng, chăm sóc cây, con vụ đông, đặc biệt quan tâm phòng, chống tốt dịch tả lợn châu Phi và dịch cúm gia cầm. Tiếp tục tái cơ cấu kinh tế ngành nông nghiệp gắn với đổi mới phương thức sản xuất, từng bước khắc phục tình trạng sản xuất manh mún, quy mô hộ gia đình; đồng thời, nỗ lực hoàn thành chỉ tiêu Chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP) năm 2021. Bà Nguyễn Thị Tuyến đặc biệt nhấn mạnh yêu cầu, từ nay đến cuối năm 2021, 4 huyện: Chương Mỹ, Phú Xuyên, Ứng Hòa, Mê Linh phải về đích NTM. Các huyện còn lại tiếp tục tập trung hoàn thành các tiêu chí chưa đạt, nhất là tiêu chí về nước sạch, môi trường. Các quận, huyện, thị xã tiếp tục quan tâm phát triển kinh tế tập thể; đánh giá toàn diện thực trạng hoạt động các hợp tác xã nông nghiệp để bảo đảm phát huy hiệu quả. Cùng với đó, quan tâm phát triển kinh tế trang trại, tháo gỡ khó khăn và hỗ trợ sản xuất cho các làng nghề, nhất là trong bối cảnh tác động của dịch Covid-19.

NGUYỄN ANH VIỆT/qdnd.vn

https://www.qdnd.vn/kinh-te/cac-van-de/no-luc-xay-dung-phat-trien-nong-thon-moi-676738

  • Từ khóa