Nỗ lực khôi phục những cánh rừng sau bão

Thứ 2, 30.09.2024 | 08:41:51
389 lượt xem

Bão số 3 kèm theo mưa lũ đã gây thiệt hại nặng nề đến sản xuất lâm nghiệp trên địa bàn tỉnh, nhiều héc ta rừng bị gãy đổ, một số nơi bị sạt lở mất rừng. Hiện nay, các huyện, thành phố đang khẩn trương rà soát mức độ thiệt hại, chủ động xây dựng phương án tái sản xuất để khôi phục những cánh rừng sau bão.

Hiện nay, các rừng cây bị đổ đã được người dân dựng trở lại và tập trung chăm sóc

Là huyện giáp ranh với tỉnh Quảng Ninh, nơi tâm bão số 3 đi qua, huyện Đình Lập là một trong những địa phương có diện tích rừng bị thiệt hại nhiều nhất tỉnh với khoảng 13.300 ha, trong đó có trên 7.300 ha rừng mất trắng, trên 3.000 ha rừng bị thiệt hại nặng và rất nặng. 

Ông Nguyễn Văn Hà, Chủ tịch UBND huyện Đình Lập cho biết: Hiện nay, UBND huyện đang chỉ đạo các phòng, ban chuyên môn phối hợp với các xã, thị trấn rà soát, đánh giá mức độ thiệt hại, đồng thời hướng dẫn các gia đình, doanh nghiệp thực hiện các thủ tục khai thác, tận dụng, tận thu gỗ rừng trồng bị thiệt hại theo quy định. UBND huyện cũng kết nối với các doanh nghiệp, cơ sở chế biến lâm sản trong và ngoài huyện thu mua gỗ cho người dân giảm bớt thiệt hại.

Cũng giống như huyện Đình Lập, bão số 3 đã làm huyện Lộc Bình thiệt hại gần 3.000 ha cây bạch đàn, keo, thông bị gãy đổ, bật gốc. Trong đó, chủ yếu là cây bạch đàn từ 2 - 5 năm tuổi. Bão số 3 làm nhiều hộ trồng rừng trên ở huyện lao đao, nhất là các hộ dân đang thực hiện các dự án được hưởng hỗ trợ lại suất vốn vay theo Nghị quyết 08/2019/NQ-HĐND (NQ 08) ngày 10/12/2019 về chính sách đặc thù khuyến khích đầu tư, phát triển hợp tác, liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp, nông thôn trên địa bàn huyện giai đoạn 2020 - 2025 và Nghị quyết số 15/2021/NQ-HĐND ngày 17/7/2021 của HĐND tỉnh sửa đổi, bổ sung một số điều của NQ 08.

Ông La Văn Dương, Chủ tịch UBND xã Thống Nhất, huyện Lộc Bình cho biết: Do ảnh hưởng của bão số 3, toàn xã có trên 200 ha rừng bị thiệt hại, trong đó có 29 ha rừng bị mất trắng. Trong xã cũng có 8 hộ dân đang trồng rừng theo chính sách hỗ trợ lãi suất tín dụng theo NQ 08. Giờ đây các hộ này bị thiệt hại rất nặng, gặp nhiều khó khăn tái sản xuất rừng. Hiện nay, chúng tôi đang yêu cầu các hộ thống kê thiệt hại và dọn hiện trạng rừng để khôi phục sản xuất. Rất mong Nhà nước xem xét hỗ trợ các hộ trồng rừng, đặc biệt là các hộ vay vốn ngân hàng vượt qua giai đoạn khó khăn này. 

Những ngày này, nhiều hộ trồng rừng trên địa bàn tranh thủ tận thu những cây rừng bị gãy đổ ngang thân, bật gốc để bán gỗ kiếm lại ít vốn tái tạo. Tuy nhiên, do đây là những rừng chưa đủ tuổi khai thác, chất lượng của gỗ không đảm bảo nên giá thu mua cũng chỉ được khoảng 20% so với thông thường. Do vậy, có nhiều hộ trồng rừng không có đủ nguồn lực để tận thu, làm sạch rừng. Chị Nguyễn Thị Hương, thôn Làng Bu, xã Lâm Sơn, huyện Chi Lăng chia sẻ: Bão số 3 làm gia đình tôi bị đổ, gãy trên 1 ha cây bạch đàn. Những cây bị đổ, nhà tôi đã dựng lại để chăm sóc, đối với những cây gãy thân, bật gốc thì gia đình tôi chưa tận thu vì cũng chưa có chỗ để.

Theo báo cáo của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT), tính đến hết ngày 26/9, toàn tỉnh có trên 30.000 ha rừng trồng bị thiệt hại do bão số 3. Rừng trồng bị thiệt hại chủ yếu là cây thông, keo, bạch đàn, hồi… bị gãy ngang thân, đổ rạp, bật gốc. Trong đó, khoảng trên 16.000 ha rừng bị mất trắng hoàn toàn, gần 6.700 ha rừng bị thiệt hại nặng và rất nặng, tập trung chủ yếu ở các huyện: Đình Lập, Lộc Bình, Chi Lăng, Hữu Lũng, Bắc Sơn.

Ông Vũ Văn Thịnh, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT cho biết: Cùng với việc rà soát, thống kê mức độ thiệt hại rừng để có phương án hỗ trợ phù hợp, chúng tôi cũng chỉ đạo các phòng, đơn vị trực thuộc tập trung nhân lực hướng dẫn người dân chăm sóc, phục hồi những cây còn khoẻ; cắt dọn cây đổ gãy để tận thu một phần và dọn thực bì theo quy trình để tạo diện tích trồng rừng mới. Sở cũng đề nghị UBND các huyện, thành phố vận động các doanh nghiệp, cơ sở chế biến lâm sản tiêu thụ gỗ nguyên liệu gãy đổ do bão cho người dân, không lợi dụng ép giá; tổng hợp những kiến nghị của các huyện, thành phố trình lên UBND tỉnh đề nghị các ngân hàng kịp thời giải quyết để tháo gỡ khó khăn cho các doanh nghiệp, người trồng rừng thiệt hại sau bão như khoanh nợ, giảm lãi suất cho vay. Chúng tôi cũng đề nghị Bộ NN&PTNT sớm có hướng dẫn cụ thể việc dùng nguồn tiền trồng rừng thay thế khi chuyển mục đích sử dụng rừng sang mục đích khác để hỗ trợ trồng rừng sản xuất và sớm ban hành hướng dẫn về thanh lý rừng trồng. 

Hiện nay, toàn tỉnh có trên 320.000 ha rừng trồng, độ che phủ rừng đạt trên 64%. Những năm qua, kinh tế rừng đã và đang dần trở thành thế mạnh của nhiều địa phương trong tỉnh. Bão số 3 làm ngành lâm nghiệp của tỉnh thiệt hại nặng nề. Việc khôi phục lại sản xuất lâm nghiệp sau bão là cả một quá trình lâu dài. Do vậy, với sự nỗ lực của các hộ dân, doanh nghiệp trồng rừng, sự đồng hành của các ngành, các cấp trong triển khai các chính sách hỗ trợ, mong rằng những cánh rừng trên địa bàn tỉnh sẽ sớm phục hồi và xanh trở lại, góp phần giúp người trồng rừng phát triển kinh tế, ổn định cuộc sống.


Theo baolangson.vn

https://baolangson.vn/no-luc-khoi-phuc-nhung-canh-rung-sau-bao-5023032.html

  • Từ khóa