Trong khi bàn thảo để chốt quy mô và phạm vi của gói hỗ trợ mới, cần thúc đẩy giải ngân các gói hỗ trợ đã có một cách nhanh chóng và hiệu quả.
Chính phủ đang huy động mọi nguồn lực, xây dựng dự thảo chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội với quy mô đủ lớn để hỗ trợ người dân, doanh nghiệp (DN), nhất là ở các lĩnh vực quan trọng bị ảnh hưởng lớn bởi dịch Covid-19.
Đây cũng là một trong những nhiệm vụ quan trọng được nêu rõ trong Nghị quyết 124 về Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2021. Cụ thể, Quốc hội đề nghị Chính phủ tiếp tục chỉ đạo quyết liệt các giải pháp vừa phục hồi, phát triển kinh tế - xã hội vừa sẵn sàng phòng chống dịch; chủ động bố trí nguồn lực và thực hiện các giải pháp phù hợp, kịp thời theo thẩm quyền để tháo gỡ khó khăn cho DN, người dân.
Giảm thủ tục tiếp cận hỗ trợ
Theo đại biểu Quốc hội Nguyễn Như So (Bắc Ninh), cần khẩn trương giải ngân các gói hỗ trợ cho DN đã ban hành trong thời gian qua. "Một số chính sách chưa bao quát hết các nhóm đối tượng; việc tiếp cận các gói chính sách hỗ trợ còn nhiều khó khăn, tỉ lệ hưởng thụ còn hạn chế" - vị đại biểu phản ánh.
Cụ thể, nhiều DN tuy sản lượng sản xuất giảm nhưng doanh thu vẫn cao hơn so với những năm trước; không ít DN có lợi nhuận âm do giá nguyên liệu, nhiên liệu, vật liệu và chi phí vận chuyển tăng mạnh, chịu gánh nặng các chi phí bảo đảm vừa sản xuất vừa chống dịch... lại không thuộc nhóm đối tượng hỗ trợ. Hoặc, đối với các DN hoạt động trong lĩnh vực gần như bị "đóng băng" do dịch bệnh như du lịch, khách sạn, nhà hàng..., việc miễn, giảm thuế thu nhập DN thực sự không có ý nghĩa. Do vậy, theo đại biểu Nguyễn Như So, vấn đề đặt ra là cần tối giản và rút gọn các thủ tục rườm rà, không hợp lý, tạo điều kiện thuận lợi DN tiếp cận được nguồn hỗ trợ quý giá từ các gói hỗ trợ của nhà nước.
Lĩnh vực du lịch, nhà hàng, khách sạn chịu ảnh hưởng nặng nề bởi dịch Covid-19 và cần gói hỗ trợ đủ lớn để hồi phục - Ảnh: Bình An
Ông Trần Đức Nghĩa - Ủy viên BCH Hiệp hội DN Dịch vụ Logistics Việt Nam, Giám đốc Công ty TNHH Quốc tế Delta - cho hay hiệu quả hoạt động của DN kém xa do với trước đây do chi phí chống dịch khá cao. Theo ông, để giúp DN vượt qua giai đoạn khó khăn này, bên cạnh việc phủ vắc-xin nhanh chóng và có chính sách nhất quán trong phòng chống dịch, Chính phủ cần có chính sách tiền tệ để hỗ trợ cho DN về dòng tiền. "Chỉ có cách hỗ trợ dòng tiền mới cứu được các DN đang gặp khó khăn lúc này. Tôi đề nghị các chính sách hỗ trợ hiện có của Chính phủ, như hỗ trợ cho người lao động có đóng bảo hiểm thất nghiệp, phải thuận lợi và được tiến hành nhanh chóng. Với chính sách này, tổng số tiền hỗ trợ mà người lao động ở công ty của tôi có thể nhận được lên đến hàng tỉ đồng, rất có ý nghĩa với người lao động, nhưng đến nay chúng tôi vẫn chưa nhận được. Quan trọng là chính sách có rồi nhưng thực hiện cần phải kịp thời để mang lại hiệu quả" - ông Nghĩa thẳng thắn.
Đồng quan điểm, ông Đỗ Xuân Lập, Chủ tịch Hiệp hội Gỗ và Lâm nghiệp Việt Nam, cho rằng trong khi các gói hỗ trợ lớn cần phải có thời gian để tính toán, cân nhắc cũng như có độ trễ chính sách nhất định thì các gói hỗ trợ đã có như hạ lãi suất, giãn nợ... phải được làm ngay. "DN rất cần tiếp sức, các chính sách hỗ trợ cần triển khai càng sớm càng tốt" - ông Lập bày tỏ.
Gấp rút thiết kế gói hỗ trợ mới
Đại biểu Quốc hội Nguyễn Như So nhấn mạnh cần nhanh chóng ban hành các gói hỗ trợ tiếp theo nhằm tạo cú hích giúp các DN có thể tận dụng quãng thời gian còn lại của năm 2021 để tăng tốc hoàn thành kế hoạch sản xuất - kinh doanh.
Ông So dẫn chứng để vượt qua đại dịch, hầu hết các quốc gia đều phải can thiệp mạnh vào nền kinh tế bằng các gói hỗ trợ. Dịch bệnh còn diễn biến khó lường, do vậy, cũng như DN của bất cứ quốc gia nào trên thế giới, DN Việt Nam cũng cần những chính sách hỗ trợ mạnh mẽ hơn nữa.
"Chính phủ đặt ra mục tiêu nợ công năm 2022 là khoảng 44%-45% so với GDP là khả thi so với ước thực hiện năm 2021 là 43,7%. Việc kiểm soát lạm phát ở mức 4% là an toàn cho trần nợ công khoảng 60% GDP. Do vậy, chúng ta còn nhiều dư địa để tiếp tục nghiên cứu, tung ra các gói kích thích đủ lớn, có hiệu ứng lan tỏa sâu rộng để thúc đẩy phục hồi kinh tế mà vẫn bảo đảm kiểm soát được chỉ tiêu vĩ mô" - ông So phân tích và góp ý các gói hỗ trợ cần áp dụng đúng, trúng các nhóm đối tượng.
TS Võ Trí Thành, nguyên Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu Quản lý kinh tế trung ương, đánh giá thời gian qua, các chính sách về an sinh xã hội, hỗ trợ DN thông qua giãn, khoanh nợ, giảm thuế… được triển khai rất kịp thời. Tuy nhiên, quy mô của các chính sách này còn quá nhỏ so với mức trung bình của thế giới và còn nhiều hạn chế. Chẳng hạn, các gói hỗ trợ cơ bản dựa vào chính sách tiền tệ, chính sách tài khóa; việc giãn, hoãn, giảm thuế không có nhiều tác động vì DN không có thu nhập; chế tài thực thi yếu, thiếu quyết liệt, tỉ lệ thụ hưởng còn cách khá xa so với kỳ vọng…
"Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế giai đoạn 2022-2023 đang được xây dựng với gói hỗ trợ lớn, qua đó thể hiện tính quyết liệt hơn. Chương trình này có 3 ý nghĩa: giúp người dân, người lao động và DN vượt khó; bắt nhịp phục hồi kinh tế và góp phần đặt nền móng, tạo nền tảng cho giai đoạn tăng tốc phát triển trong 5 năm tới hoặc dài hạn hơn. Chương trình phục hồi phải có quy mô đủ lớn với hàng chục tỉ USD cho giai đoạn 2 năm, trong đó cần có những khoản hỗ trợ chi trực tiếp tiền mặt" - ông Thành nêu.
Góp ý thêm về giải pháp cụ thể, TS Võ Trí Thành cho rằng có thể giảm thuế GTGT để vừa kích cầu vừa tạo dòng tiền cho DN; hỗ trợ lãi suất cho các khoản tín dụng; cho chuyển lỗ của DN về các năm trước; cấp bù lãi suất…
Thùy Dương - Minh Chiến/nld.com.vn
https://nld.com.vn/kinh-te/som-chot-goi-ho-tro-hoi-phuc-kinh-te-20211121015401377.htm