Gắn kết sản xuất với chế biến, xuất khẩu chính ngạch, tăng sản lượng tiêu thụ nội địa... là những giải pháp hữu hiệu để nâng giá trị và tạo đầu ra ổn định cho nông sản Việt Nam
Sáng 13-1, lãnh đạo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN-PTNT) phối hợp với Tổ điều hành Diễn đàn kết nối nông sản 970, Cục Trồng trọt, Cục Chế biến - Phát triển thị trường nông sản và sở NN-PTNT các tỉnh, thành phố đã tổ chức Diễn đàn kết nối nông sản với chủ đề "Thúc đẩy liên kết giữa sản xuất, chế biến và tiêu thụ rau quả".
Đa dạng sản phẩm
Mở đầu diễn đàn, Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Trần Thanh Nam cho biết sáng 13-1, cửa khẩu Móng Cái (tỉnh Quảng Ninh) và cửa khẩu Hà Khẩu (tỉnh Lào Cai) đã chính thức thông quan sản phẩm thanh long của Việt Nam. Đây là một thông tin rất vui đối với các doanh nghiệp (DN) xuất khẩu trái cây của nước ta.
Tuy nhiên, Thứ trưởng Trần Thanh Nam lưu ý trong thời gian qua, hầu hết các đơn vị chỉ tập trung xuất khẩu hoa quả ăn tươi mà không tập trung nhiều vào việc chế biến để mở rộng kênh tiêu thụ. Bộ NN-PTNT đã ban hành nhiều chính sách nhằm xây dựng các vùng nguyên liệu đạt chuẩn phục vụ chế biến và xuất khẩu. Năm 2021, bộ đã thí điểm xây dựng ở 11 tỉnh các vùng nguyên liệu trái cây, cà phê, gỗ, thủy sản… để làm căn cứ nhân rộng ra cả nước trong thời gian tới theo hướng vùng nguyên liệu lớn. Hiện nay, các nhà máy chế biến rất thiếu nguyên liệu.
Dưa hấu đến vụ thu hoạch nhưng không có nơi tiêu thụ, nông dân tỉnh Quảng Ngãi phải bỏ chín rục trong vườn. Ảnh: TỬ TRỰC
Dưới góc độ là một doanh nhân có nhiều năm kinh nghiệm trong lĩnh vực sản xuất và chế biến, tại diễn đàn, ông Nguyễn Lâm Viên, Tổng Giám đốc Công ty CP Vinamit, cho biết để các DN Việt Nam có thể chuyển sang xuất khẩu chính ngạch là việc rất khó khăn. Từ nhiều năm qua, các DN Việt Nam dẫu biết đi đường biên mậu sang Trung Quốc sẽ rất rủi ro nhưng bắt buộc vẫn phải đi. Chưa kể, xuất khẩu chính ngạch sẽ bị áp thuế GTGT 7%, trong khi đi đường biên mậu không cần. Ông Nguyễn Lâm Viên đề xuất các địa phương cần xây dựng, đầu tư nâng cao năng lực sơ chế, chế biến. Vấn đề cối lõi là kết nối thị trường nên rất cần có những trung tâm tiếp nhận thông tin, sau đó phân bổ cho các vùng trồng, qua đó có thể kiểm soát vùng trồng cũng như thị trường.
Ông Trần Thanh Hải, Phó Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu - Bộ Công Thương, lưu ý dù đi đường bộ, đường biển hay đường sắt thì các loại nông sản của Việt Nam đều phải đáp ứng được những yêu cầu từ phía Trung Quốc: An toàn thực phẩm, kiểm dịch thực vật, truy xuất nguồn gốc… Để có thể chuyển đổi xuất khẩu từ đường bộ sang đường biển một cách hiệu quả, nông dân cũng như người tiêu dùng Việt Nam cần thay đổi tư duy, từ bỏ thói quen nhằm tiêu thụ ổn định, giảm bớt rủi ro.
Thị trường nội địa rất lớn
Theo thông tin từ Sở Công Thương tỉnh Lạng Sơn, tổng số xe hàng xuất đi Trung Quốc còn tồn ở 3 khu vực cửa khẩu Hữu Nghị, Tân Thanh, Chi Ma đến sáng 13-1 là 1.521 chiếc. Để tập trung giải phóng lượng hàng hóa đang ùn ứ, UBND tỉnh Lạng Sơn đã có văn bản thông báo tới UBND các tỉnh, thành phố về việc hạn chế đưa nông sản lên cửa khẩu Kim Thành.
Bà Nguyễn Cẩm Trang, Phó Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu - Bộ Công Thương, cho rằng về các giải pháp căn cơ, trước hết cần quan tâm đến chất lượng nông sản xuất khẩu, nâng tầm nông sản Việt xuất khẩu để đa dạng hóa thị trường, xuất khẩu chính ngạch vào Trung Quốc. Theo đại diện Bộ Công Thương, các địa phương cần có kế hoạch kết nối cung - cầu ngay từ đầu vụ, đặc biệt là với đối tác, bạn hàng ở Trung Quốc.
Thanh long được đưa từ Tiền Giang về Cần Thơ bán với giá “giải cứu” 8.000 đồng/kg. Ảnh: CA LINH
Bà Nguyễn Cẩm Trang dẫn chứng 2 "thủ phủ" vải thiều là Bắc Giang và Hải Dương đã chủ động kết nối tiêu thụ nên dù trong dịch bệnh, mặt hàng này vẫn không bị tắc nghẽn. Bên cạnh thị trường Trung Quốc, bà Trang cho rằng cần thâm nhập các thị trường mà Việt Nam đã ký kết Hiệp định thương mại tự do (FTA) để tận dụng ưu đãi thuế quan, tránh lệ thuộc vào một vài thị trường.
Về việc đẩy mạnh tiêu thụ thị trường nội địa, bà Lê Việt Nga, Phó Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước - Bộ Công Thương, nhìn nhận vai trò của các địa phương là rất quan trọng. Nếu lãnh đạo địa phương quan tâm đến việc kết nối tiêu thụ, hỗ trợ DN, xúc tiến thương mại, tìm kiếm thị trường mới thì sẽ mang lại hiệu quả rất tốt. Bộ Công Thương cũng vừa có chỉ thị giao Vụ Thị trường trong nước phối hợp với Cục Xúc tiến thương mại và các đơn vị liên quan đẩy mạnh hoạt động mở rộng thị trường tiêu thụ nông sản của các địa phương tại thị trường trong nước thông qua các hoạt động xúc tiến thương mại, kết nối cung cầu.
Văn Duẩn - Minh Chiến/nld.com.vn
https://nld.com.vn/thoi-su/go-the-bi-cho-nong-san-viet-20220113220104833.htm