Qua một năm bị tác động bởi dịch bệnh và nhiều biến động của thị trường, 19 tập đoàn, tổng công ty thuộc Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp (Ủy ban) vẫn đạt 99% kế hoạch doanh thu, vượt 70% kế hoạch lợi nhuận trước thuế và vượt 27% kế hoạch nộp ngân sách nhà nước.
Kỹ sư Công ty Truyền tải điện Tây Bắc (Tổng công ty Truyền tải điện quốc gia) kiểm tra, sửa chữa thiết bị tại Trạm biến áp 220 kV Việt Trì (Phú Thọ). Ảnh: ĐỨC ANH
Nhờ nỗ lực vượt khó và chủ động, linh hoạt trong điều hành sản xuất, kinh doanh trong bối cảnh tác động tiêu cực của đại dịch Covid-19, các tập đoàn, tổng công ty trực thuộc Ủy ban đã có một năm “vượt bão” thành công.
Nhiều doanh nghiệp có lợi nhuận vượt trội
Ấn tượng nhất là tình hình tài chính của Tổng công ty Hàng hải Việt Nam (VIMC). Từ một doanh nghiệp nhà nước luôn nằm trong tốp đầu về thua lỗ, thậm chí đứng bên bờ vực phá sản, VIMC đã quyết liệt triển khai cơ cấu lại toàn diện, nắm bắt thời cơ phục hồi thị trường vận tải quốc tế để bứt phá mạnh mẽ để “đổi màu” bức tranh tài chính. Chủ tịch Hội đồng quản trị VIMC Nguyễn Cảnh Tĩnh cho biết: Kết thúc năm 2021, lợi nhuận của VIMC ước đạt 3.750 tỷ đồng, trong đó cảng biển chiếm 67% lợi nhuận, dịch vụ hàng hải chiếm 26%, vận tải biển chiếm 7%. Đáng lưu ý, lần đầu tiên sau nhiều năm thua lỗ kéo dài, toàn khối vận tải biển của tổng công ty đã ghi nhận lợi nhuận hơn 1.000 tỷ đồng. Kết quả tích cực này xuất phát từ việc VIMC đã theo sát diễn biến thị trường, nắm bắt cơ hội và linh hoạt trong điều chỉnh phương án khai thác cũng như trong đàm phán hợp đồng để nâng giá cước vận tải và giá cho thuê tàu nhằm tối ưu hóa hiệu quả kinh doanh.
Nói về một năm hoàn thành mục tiêu kép của các doanh nghiệp trực thuộc, Chủ tịch Ủy ban Nguyễn Hoàng Anh nêu con số: Tổng doanh thu của 19 tập đoàn, tổng công ty ước đạt 816.015 tỷ đồng; lợi nhuận trước thuế ước đạt 34.119 tỷ đồng; nộp ngân sách ước đạt 62.443 tỷ đồng. Trong đó, 13 đơn vị hoàn thành và vượt kế hoạch về doanh thu; 14 đơn vị hoàn thành và vượt kế hoạch về lợi nhuận trước thuế; 14 đơn vị hoàn thành và vượt kế hoạch về nộp ngân sách. So kế hoạch và so cùng kỳ, có 5 tập đoàn, tổng công ty đạt lợi nhuận cao hơn và 4 tập đoàn, tổng công ty nộp ngân sách cao hơn. Dẫn đầu về nộp ngân sách nhà nước là Tập đoàn Dầu khí Việt Nam; Tập đoàn Bưu chính Viễn thông Việt Nam; Tổng công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn nhà nước. Đáng lưu ý, một số doanh nghiệp đã có nhiều nỗ lực đạt lợi nhuận vượt trội so với những năm trước. Đơn cử, Tập đoàn Công nghiệp hóa chất Việt Nam có mức lợi nhuận trước thuế hợp nhất ước đạt 1.726 tỷ đồng trong khi kế hoạch năm là lỗ 1.217 tỷ đồng và cùng kỳ năm trước lỗ 2.160 tỷ đồng. Lợi nhuận trước thuế công ty mẹ ước đạt 193 tỷ đồng trong khi kế hoạch năm là lỗ 951 tỷ đồng và cùng kỳ năm trước lỗ 1.119 tỷ đồng. Đây cũng là năm nhiều dự án đầu tư trọng điểm đã được chính thức khởi công, và góp phần quan trọng thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội của cả nước.
Tập trung xử lý 12 đại dự án
Một trong những vấn đề được dư luận quan tâm là việc triển khai thực hiện đầu tư các dự án trọng điểm đang chậm so với kế hoạch và tiến độ xử lý các đại dự án thua lỗ ngành công thương. Ủy ban cho biết tình hình đã khả quan hơn. Cụ thể, dự án Nhiệt điện 2 Thái Bình đã được khởi công trở lại, cơ bản bù được nhiều mốc tiến độ quan trọng. Hầu hết hệ thống liên quan đến mốc đốt lửa lần đầu đã hoàn thành lắp đặt, đang tiến hành kiểm tra, chạy thử, đáp ứng mục tiêu đốt than lần đầu vào ngày 23/2/2022, phấn đấu hòa lưới điện tổ máy 1 vào ngày 30/4/2022 và đưa toàn bộ nhà máy vào hoạt động sớm nhất, bảo đảm an toàn chất lượng. Đối với 12 dự án, doanh nghiệp chậm tiến độ, kém hiệu quả ngành công thương, năm 2021, Ủy ban đã tổng hợp, đánh giá, phân tích và tham mưu cho Ban cán sự đảng Chính phủ báo cáo và được Bộ Chính trị đồng ý với giải pháp xử lý cụ thể, phù hợp đối với 5 dự án, doanh nghiệp để giao các tập đoàn, tổng công ty chủ động thực hiện, đồng thời tiếp tục đề ra định hướng xử lý đối với 7 dự án, doanh nghiệp còn lại. Đây là cơ sở quan trọng để Chính phủ, Ủy ban và các tập đoàn, tổng công ty tiếp tục sớm xử lý dứt điểm các dự án, doanh nghiệp, giảm thiệt hại cho Nhà nước.
Chủ tịch Ủy ban Nguyễn Hoàng Anh nhấn mạnh, một trong những nhiệm vụ trọng tâm của năm 2022 là tiếp tục xử lý quyết liệt đối với 12 dự án, doanh nghiệp chậm tiến độ, kém hiệu quả ngành công thương theo Kết luận của Bộ Chính trị, chỉ đạo của Thủ tướng, Phó Thủ tướng Chính phủ và Ban Chỉ đạo. Tiếp tục rà soát, phát hiện các dự án, doanh nghiệp chậm tiến độ, kém hiệu quả, thua lỗ khác để có biện pháp khắc phục kịp thời.
Đối với các tập đoàn, tổng công ty, kết quả hoạt động năm 2021 không đồng đều do tác động tiêu cực của đại dịch Covid-19, có 6 doanh nghiệp không hoàn thành kế hoạch doanh thu. Trong đó, ảnh hưởng nặng nhất là các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực vận tải như Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam, Tổng công ty Hàng không Việt Nam, Tổng công ty Đường sắt Việt Nam... Chủ tịch Ủy ban đề nghị các tập đoàn, tổng công ty phải chuẩn bị sẵn các kịch bản, phương án linh hoạt, sáng tạo, phù hợp với điều kiện thực tế của mỗi doanh nghiệp, không để bị động, bất ngờ trước diễn biến của dịch, bảo đảm duy trì hoạt động liên tục, ổn định trong mọi tình huống. Phát huy cao nhất vị trí, vai trò nòng cốt, phấn đấu đạt mức độ tăng trưởng tổng hợp năm 2022 cao hơn mức bình quân của cả nước và cao hơn năm 2021; phấn đấu hoàn thành ở mức cao nhất kế hoạch sản xuất, kinh doanh và đầu tư phát triển năm 2022.
TÔ HÀ/nhandan.vn
https://nhandan.vn/tin-tuc-kinh-te/doanh-nghiep-nha-nuoc-hoan-thanh-muc-tieu-kep-682591/