Hiện nay, Phòng Giao dịch Ngân hàng Chính sách xã hội (NHCSXH) huyện Đình Lập đang triển khai cho vay 16 chương trình tín dụng ưu đãi cho hộ nghèo và các đối tượng chính sách. Trong đó, chương trình cho vay hộ nghèo có dư nợ lớn nhất với 57,1 tỷ đồng, chiếm 26,9% tổng dư nợ. Từ chương trình này, đã có hàng nghìn hộ nghèo trên địa bàn huyện được vay vốn ưu đãi để đầu tư phát triển kinh tế, vươn lên thoát nghèo.
Tìm hiểu về hiệu quả sử dụng nguồn vốn vay ưu đãi chương trình hộ nghèo trên địa bàn huyện Đình Lập, chúng tôi được cán bộ NHCSXH huyện giới thiệu đến gia đình ông Nguyễn Văn Cường, thôn Còn Áng, xã Đình Lập. Dẫn chúng tôi đi thăm cánh rừng thông bạt ngàn, ông Cường chia sẻ: Trước đây, gia đình tôi là hộ nghèo, hoàn cảnh khó khăn, thiếu vốn để sản xuất. Năm 2016, tôi vay 50 triệu đồng từ chương trình cho vay hộ nghèo để đầu tư chăm sóc rừng thông sắp đến tuổi khai thác và trồng mới 10 ha. Để lấy ngắn nuôi dài, tôi kết hợp chăn nuôi lợn, gà, nhờ đầu tư vốn hiệu quả nên đến năm 2019, gia đình tôi thoát nghèo và trả nợ ngân hàng, từ rừng thông và chăn nuôi đem lại thu nhập trên 200 triệu đồng/năm. Năm 2020, gia đình tôi tiếp tục vay 100 triệu đồng để trồng thêm 10 ha thông, keo.
Cán bộ Phòng giao dịch NHCSXH huyện Đình Lập kiểm tra tình hình sử dụng vốn người dân tại xã Đình Lập
Cũng như ông Cường, từ nguồn vốn vay ưu đãi, nhiều hộ nghèo của xã Đình Lập đã được tiếp cận vốn để đầu tư trồng rừng, phát triển chăn nuôi, dịch vụ. Ông Hoàng Văn Hội, Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch UBND xã Đình Lập cho biết: Hiện nay, tổng dư nợ các chương trình tín dụng đang triển khai tại địa bàn xã trên 32 tỷ đồng, trong đó, dư nợ cho vay chương trình hộ nghèo gần 3,9 tỷ đồng với 70 hộ vay. Từ năm 2016 đến hết năm 2021, có 160 lượt hộ nghèo được vay vốn ưu đãi phát triển kinh tế hiệu quả, hiện các mô hình tiếp tục được duy trì và mở rộng nên không có tình trạng tái nghèo. Từ đó, góp phần quan trọng trong công tác giảm nghèo của xã, hiện tỷ lệ hộ nghèo của xã còn 6,7%, giảm 28,91% so với năm 2016.
Không chỉ xã Đình Lập, thời gian qua, nguồn vốn từ chương trình cho vay hộ nghèo đã tiếp thêm động lực để nhiều hộ nghèo trên địa bàn huyện vươn lên thoát nghèo, xây dựng các mô hình kinh tế hiệu quả. Chỉ tính riêng trong 5 năm qua (2016 – 2021), Phòng Giao dịch NHCSXH huyện Đình Lập đã giải ngân 114,5 tỷ đồng vốn cho vay hộ nghèo với 2.290 lượt hộ vay. Riêng trong năm 2021, đơn vị giải ngân vốn chương trình được 16,3 tỷ đồng với 200 lượt hộ vay, qua đó, nâng tổng dư nợ chương trình hiện nay lên 57,1 tỷ đồng với gần 1.000 khách hàng còn dư nợ. Nguồn vốn cho vay được người dân trên địa bàn huyện đầu tư đúng mục đích như: trồng trọt (thông, keo, bạch đàn); phát triển sản xuất, kinh doanh dịch vụ và phục vụ chăn nuôi (trâu, bò, lợn)…
Ông Lương Cao Cường, Phó Giám đốc Phòng giao dịch NHCSXH huyện cho biết: Với vai trò là cầu nối đưa nguồn vốn tín dụng ưu đãi đến với hộ nghèo và đối tượng chính sách, thời gian qua, đơn vị đã bám sát chủ trương, định hướng phát triển kinh tế – xã hội, chương trình mục tiêu giảm nghèo của huyện. Theo đó, hằng năm, phòng giao dịch chủ động tham mưu với Ban Đại diện Hội đồng quản trị NHCSXH huyện chỉ đạo thực hiện sát sao các chương trình vốn nói chung, đặc biệt là nguồn vốn chương trình hộ nghèo. Mặt khác, phối hợp với các tổ chức hội làm tốt công tác tuyên truyền, triển khai chính sách vốn; chủ động phân công cán bộ tín dụng phụ trách địa bàn phối hợp chặt chẽ với UBND các xã, các tổ chức hội nắm danh sách hộ nghèo có nhu cầu vay vốn. Từ đó, giải ngân kịp thời và hướng dẫn hộ nghèo sử dụng nguồn vốn phù hợp.
Bên cạnh đó, đơn vị quan tâm nâng cao chất lượng tín dụng, hằng năm, tiến hành kiểm tra tại 100% xã, thị trấn. Trong năm 2021, phòng giao dịch tổ chức được 13 lớp tập huấn nghiệp vụ quản lý vốn cho 406 người là cán bộ ban giảm nghèo cấp xã, trưởng thôn và ban quản lý tổ tiết kiệm và vay vốn, từ đó, nguồn vốn được sử dụng đúng mục đích, có hiệu quả, chương trình không có nợ quá hạn. Người dân sau khi vay vốn đều phát triển hiệu quả các mô hình kinh tế, không có tình trạng tái nghèo, góp phần giảm nghèo bền vững.
Có thể khẳng định, nguồn vốn chương trình cho vay hộ nghèo đã góp phần quan trọng trong thực hiện công tác giảm nghèo của huyện. Cụ thể, trong giai đoạn 2016 – 2021, từ nguồn vốn đã giúp 1.649 hộ vượt qua ngưỡng nghèo, qua đó, góp phần giảm tỷ lệ hộ nghèo của huyện, nếu như năm 2016, tỷ lệ hộ nghèo toàn huyện còn 35,95%, thì đến hết năm 2021 chỉ còn 7,54%
KIM HUYÊN/baolangson.vn