Với mục tiêu bảo đảm tiến độ, chất lượng, nhiều dự án lớn, trọng điểm trên cả nước vẫn duy trì nhịp độ thi công khẩn trương, xuyên Tết. Các cán bộ, kỹ sư, người lao động tạm gác niềm vui đón Tết, tập trung sức lực để sớm hoàn thành các công trình.
Toàn cảnh gói thầu A1-TPSK của Nhà máy hóa dầu Long Sơn (Bà Rịa-Vũng Tàu).
Không khí làm việc hăng say đã tạo động lực vượt qua tác động tiêu cực của dịch bệnh, lan tỏa tinh thần chủ động, sáng tạo để hoàn thành những mốc tiến độ quan trọng của các dự án trên cả nước, khẳng định hình ảnh mạnh mẽ của những người thợ Việt Nam.
Phấn đấu về đích đúng hẹn
Năm nay do yêu cầu của chủ đầu tư, dự án Nhà máy hóa dầu Long Sơn tổ chức thi công xuyên Tết. Mặc dù gặp khá nhiều khó khăn do tác động của dịch Covid-19, nhưng các đơn vị nhà thầu trên công trường đều nỗ lực vượt khó, sẵn sàng các phương án thi công, bảo đảm an toàn, chất lượng, đúng tiến độ công trình. Dự án hóa dầu Long Sơn do Tập đoàn SCG Thái Lan đầu tư xây dựng với tổng số tiền 5,4 tỷ USD tại xã Long Sơn, TP Vũng Tàu, tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu. Dự án sẽ tạo ra khoảng 15-20 nghìn việc làm trong quá trình xây dựng, hơn 1.000 lao động kỹ thuật cao khi đi vào vận hành thương mại, đồng thời, đóng góp 60 triệu USD/năm cho ngân sách quốc gia trong suốt 30 năm kể từ khi đi vào hoạt động. Đây là dự án có tới năm tổng thầu tham gia quản lý, thi công và Tổng công ty Lắp máy Việt Nam-CTCP (Lilama) ký hợp đồng với ba tổng thầu, giá trị hơn 1.000 tỷ đồng.
Đưa chúng tôi tham quan một vòng công trình vào ngày mồng 1 Tết, anh Nguyễn Văn Đạt, Đội trưởng đội ống - Lilama 69-1, thi công gói B-Samsung cho biết, gói thầu B được triển khai thi công từ giữa tháng 4/2020 và đến nay đã hoàn thành lắp đặt ống ngầm, việc lắp đặt kết cấu thép và thiết bị cơ bản đã hoàn thành. Lilama đang tập trung tối đa cho lắp đặt và thử áp đường ống công nghệ để có thể kết thúc vào cuối tháng 3 tới. Các cán bộ, kỹ sư, công nhân làm việc tại gói thầu này đều chủ động đăng ký làm việc xuyên Tết để bảo đảm tiến độ chung của dự án. Tương tự, tại gói thầu A1-TPSK, anh Lê Văn Dũng, đội trưởng đội lắp đặt hệ thống khay lọc của tháp (internal tray) - Lilama 18 cũng phấn khởi cho biết, các hạng mục quan trọng của gói thầu đều được hoàn thành đúng và vượt tiến độ của chủ đầu tư. Gói thầu A1 được bắt đầu triển khai thi công từ cuối tháng 3/2020 và đến nay, chế tạo ống đạt 265 nghìn ID (đạt 100%); sơn ống 105 nghìn m2 (100%); lắp đặt ống ngầm 35.500 ID (100%); lắp đặt ống nổi 172.000 ID (87%); lắp đặt kết cấu thép 5.530 tấn (99%); lắp đặt thiết bị 10.200 tấn (99%). Hiện tại, các đơn vị chủ yếu tập trung cho thi công ống và bảo ôn, dự kiến gói thầu sẽ hoàn thành vào tháng 8/2022.
Đánh giá chung về những khó khăn tại dự án, theo Giám đốc Ban dự án hóa dầu Long Sơn Lilama Lê Hải Long, tác động đợt dịch Covid-19 vừa qua khá nặng nề. Có thời điểm gần 400 trong tổng số khoảng 1.600 người lao động của Lilama tại dự án trở thành F0, dẫn đến việc thiếu hụt nhân lực trầm trọng. Ban đã phối hợp chủ đầu tư, các nhà thầu và chính quyền địa phương để duy trì an toàn sản xuất, bám sát tiến độ cũng như chăm lo tốt nhất cho người bệnh và người lao động. Với đặc thù trên công trường, việc tìm kiếm thợ thay thế là khá khó khăn, do đó đơn vị đã chủ động có các chính sách giữ chân và hỗ trợ người lao động quay trở lại làm việc. Bên cạnh đó, Long Sơn là khu vực biên giới, hải đảo nên có nhiều quy định khắt khe, do vậy chủ đầu tư, tổng thầu yêu cầu rất nhiều các thủ tục để đưa người và phương tiện, thiết bị thi công vào công trường, quy trình rất khó khăn và mất nhiều thời gian. Mặt khác, dự án có nhiều tổng thầu, mỗi tổng thầu yêu cầu một bộ máy quản lý thực hiện độc lập từng gói thầu, do vậy việc tổ chức quản lý điều hành cũng rất khó khăn,... Tuy nhiên, đến thời điểm này, tổng thể tiến độ dự án đã hoàn thành hơn 90% khối lượng công việc. Ban dự án Lilama cùng các đơn vị tham gia thi công chủ động động viên, khuyến khích tối đa người lao động ở lại làm việc dịp Tết. Trong dịp Tết Nguyên đán này, tổng số nhân lực tham gia làm xuyên Tết là 380 người, trong đó gói thầu B-Samsung là 180 người, gói A1-TPSK 200 người. Ngoài ra, sau khi tình hình dịch được kiểm soát, Lilama đã chủ động đăng ký cho người lao động làm tăng ca để bảo đảm tiến độ, chất lượng dự án. Tổng thầu và các nhà thầu của Lilama đã thống nhất hỗ trợ cho người lao động ở lại làm xuyên Tết được trả lương theo đúng quy định, đồng thời với từng gói thầu sẽ hỗ trợ thêm bằng tiền mặt 1,2 triệu đồng/người/ngày. Sau khi có các chính sách hỗ trợ kịp thời, số lượng người lao động đăng ký ở lại làm xuyên Tết đã nhiều hơn kỳ vọng. Tổng thầu và Ban dự án đã sắp xếp ổn thỏa để tất cả người lao động đăng ký làm xuyên Tết yên tâm làm việc.
Bám sát tiến độ
Nhiều dự án giao thông trên cả nước cũng chủ động thi công xuyên Tết. Giám đốc điều hành dự án cao tốc bắc-nam đoạn Mai Sơn-quốc lộ 45 (thuộc Ban Quản lý dự án Thăng Long, Bộ Giao thông vận tải) Lương Văn Long cho biết, Ban đã phát động phong trào thi đua trên công trường tại dự án. Ban điều hành dự án cùng các đơn vị tư vấn, nhà thầu đăng ký duy trì thi công liên tục trong dịp Tết Nguyên đán. Hiện tại, sản lượng thi công dự án đạt 48,5% giá trị hợp đồng, với việc thi công xuyên Tết, dự kiến đến hết tháng 2, sản lượng dự án sẽ được nâng lên khoảng 50%. Gói thầu số 10-XL (dài hơn 15 km) do Liên danh Xuân Trường-Sơn Hải đảm nhận đang triển khai 16 mũi thi công, sản lượng đạt hơn 55%, hạng mục hầm Tam Điệp hiện đã hoàn thành đào và đúc bê-tông vỏ cả hai ống hầm, dự kiến sẽ cán đích trước sáu tháng so kế hoạch. Gói 12-XL (dài 6,6 km) do Liên danh Tập đoàn Đèo Cả-Công ty cổ phần Xây dựng Đèo Cả-Hoàng Long đảm nhận tổ chức tám mũi thi công, sản lượng đạt gần 50%, hạng mục phức tạp nhất là hầm Thung Thi đã đào thông hai ống hầm. Theo Phó Giám đốc điều hành thi công hầm Thung Thi Trương Công Đạt, trong dịp Tết Nguyên đán, gần 50 cán bộ, công nhân của Tập đoàn Đèo Cả đã gác lại niềm vui sum họp gia đình, bám công trường làm xuyên Tết, quyết tâm đưa một trong những hạng mục phức tạp nhất của dự án cán đích trước thời hạn. Tập đoàn Đèo Cả sẽ duy trì 50% quân số, chia thành ba ca thi công hầm liên tục 24/7. Trong dịp Tết Nguyên đán, nhà thầu tổ chức đào hạ nền và vòm ngược, với mục tiêu đưa công trình vượt tiến độ ba tháng. Để động viên người lao động, người ở lại làm việc ngoài nhận tháng lương thứ 13 còn được tính mức lương lên gấp ba lần và tiền lì xì, những người về quê cũng được nhận tháng lương thứ 13 kèm các phần quà và được đơn vị bố trí xe đưa đón về quê và quay trở lại công trường.
Nhà thầu Tập đoàn Đèo Cả thi công xuyên Tết hạng mục hầm Thung Thi trên đường cao tốc bắc-nam.
Theo Giám đốc quản lý dự án thành phần cao tốc bắc-nam đoạn quốc lộ 45-Nghi Sơn (Ban Quản lý dự án 2 là đại diện chủ đầu tư) Nguyễn Ngọc Quỳnh, ngay sau khi lên kế hoạch thi công trong dịp Tết, nhà thầu Công ty TNHH Định An tại gói thầu số 2 đã đăng ký tổ chức thi công xuyên Tết. Giá trị sản lượng đảm nhận của Công ty Định An tại gói thầu số 2 khoảng 350 tỷ đồng, thời điểm hiện tại sản lượng thi công của đơn vị này đạt khoảng 14-15%, cơ bản đáp ứng tiến độ. Dự án cao tốc quốc lộ 45-Nghi Sơn gồm 3 gói thầu xây lắp với tổng mức đầu tư khoảng 5.534 tỷ đồng, được triển khai từ tháng 7/2021. Dù mất một giai đoạn khá dài phải giãn cách xã hội và thời tiết mưa nhiều, song chủ đầu tư cùng nhà thầu đã bám sát công trường, tranh thủ thi công bù tiến độ. Đến nay, dự án đã triển khai được hơn 12% khối lượng, đạt yêu cầu đề ra. Ngoài khó khăn về nguồn vật liệu, lo ngại lớn nhất của chủ đầu tư dự án chính là vấn đề xử lý nền đất yếu, do mất thời gian khoảng sáu tháng tới một năm để gia tải. Dự án đi qua huyện Nông Cống có tới 20 km là nền đất yếu, thực tế triển khai thi công đã vấp phải nhiều khó khăn ảnh hưởng tiến độ và đối mặt nguy cơ đe dọa chất lượng công trình. “Tuy nhiên, đối với dự án trọng điểm này, tiến độ có thể chậm do nguyên nhân khách quan, song chất lượng thì tuyệt đối không vì bất kỳ lý do gì để biện minh”, ông Nguyễn Ngọc Quỳnh khẳng định.
Còn tại dự án cao tốc bắc-nam đoạn Phan Thiết-Dầu Giây, việc thi công dự án vẫn gặp nhiều khó khăn, vướng mắc. Một số hạng mục đắp nền đường bị chậm do thiếu vật liệu đất đắp, nhất là gói thầu XL3 phải điều chỉnh tiến độ thi công lần 2. Việc thi công cấp phối đá dăm loại 1 cũng bị chậm do thiếu vật liệu và ảnh hưởng của thời tiết, khiến tổng sản lượng dự án chỉ đạt khoảng 26% ở thời điểm kết thúc năm 2021. Các đơn vị chức năng và địa phương đã tích cực vào cuộc gỡ vướng, bố trí mỏ vật liệu phục vụ dự án theo tinh thần chỉ đạo của Chính phủ, riêng gói thầu XL3, công tác cấp phép mỏ vật liệu được khơi thông ngay trong tháng 1/2022. Một số nhà thầu đã tổ chức thi công xuyên Tết, huy động tổng lực để đưa dự án cán đích vào cuối năm 2022 theo đúng tiến độ đề ra. Cụ thể, gói thầu số 1 có Tổng Công ty Xây dựng công trình giao thông 8 (Cienco 8) và Công ty cổ phần Tập đoàn Phúc Lộc; gói 3 có Tổng Công ty cổ phần Xuất nhập khẩu và Xây dựng Việt Nam (Vinaconex), gói 4 có Tổng Công ty Thăng Long và Tổng Công ty Xây dựng công trình giao thông 6 (Cienco 6). Khi các đơn vị tổ chức thi công xuyên Tết, khối lượng thực hiện được nâng từ 28% lên khoảng 30%. Đối với các gói thầu bị chậm tiến độ, nhà thầu đã cập nhật lại kế hoạch theo chỉ đạo của Bộ Giao thông vận tải nhằm bám sát kế hoạch và huy động thêm nhân lực, thiết bị, phấn đấu đến thời điểm 30/4 bù lại tiến độ gốc và đưa dự án cán đích vào cuối năm 2022.
Theo nhandan.vn
https://nhandan.vn/tin-tuc-kinh-te/thi-cong-xuyen-tet-tren-cac-cong-trinh-trong-diem-684653/