Đó là chị Hoàng Thị Minh Hồng (sinh năm 1993), dân tộc Nùng ở thôn Kép, xã Quyết Thắng, huyện Hữu Lũng. Với niềm đam mê cùng sự quyết tâm, chị đã nghiên cứu và thành công với sản phẩm mì ngô. Qua đó, góp phần nâng cao giá trị cây ngô, tạo việc làm và nâng cao thu nhập cho bà con nông dân.
Ít ai ngờ rằng loại ngô bản địa (giống ngô cũ, người dân tự để giống hằng năm) được người dân trồng trong lân, lũng đá vôi xưa nay thường để phục vụ chăn nuôi giờ lại có thể làm ra thứ mì màu vàng óng và ngon, mềm đến như vậy.
Nói về cơ duyên gắn bó với những sợi mì ngô đặc biệt này, chị Hồng cho biết: Tôi sinh ra trong một gia đình thuần nông. Năm 2011, sau khi học hết cấp 3, tôi theo học ngành quản trị dịch vụ du lịch và lữ hành, Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn Hà Nội. Ra trường, tôi lập gia đình rồi mở cửa hàng bán thực phẩm sạch. Sau đó, tôi nghỉ bán hàng và mở công ty du lịch, lữ hành.
Chị Hoàng Thị Minh Hồng bên sản phẩm mì ngô Vietnam Napro
Năm 2020, trong một lần trò chuyện với nhóm bạn, chị Hồng nhận được một lời gợi ý sản xuất và cung cấp những loại mì tốt cho sức khỏe (healthy food) cho một công ty chuyên xuất khẩu nông sản đi các nước trong khu vực châu Á và châu Âu. Thời điểm đó, công ty du lịch của chị đang gặp khủng hoảng do ảnh hưởng của đại dịch COVID- 19. Chị Hồng nhớ lại: “Tôi lúc đó như vớ được phao cứu sinh. Phía đối tác đã gợi ý nghiên cứu một số loại cây có hạt, trong đó, cây ngô đã để lại cho tôi ấn tượng hơn hết, bởi nó gắn bó với tuổi thơ, là cây lương thực đã nuôi gia đình mình, nuôi chị em tôi khôn lớn”.
Sau 2 tuần suy nghĩ, cân nhắc, tháng 5/2020, chị Hồng gác lại mọi thứ để về quê bắt đầu một cuộc hành trình mới. Ban đầu, bố mẹ chị đã rất phản đối bởi họ hiểu rõ những vất vả, nhọc nhằn của công việc làm nông. Tuy nhiên, sau thời gian dài thuyết phục, bố mẹ chị đã đồng ý, hỗ trợ vận động anh em, hàng xóm trồng ngô nguyên liệu để sản xuất mì.
Sự ủng hộ của gia đình giúp chị Hồng có thêm động lực, chị bắt tay vào tìm hiểu, nghiên cứu công thức làm mì từ những hạt ngô vàng bản địa. Tất cả mọi thứ từ khâu nghiên cứu, nhập khẩu máy móc, xây nhà xưởng, lắp đặt, trồng ngô nguyên liệu, sản xuất đến thủ tục pháp lý… đều do chị hoàn thiện.
Sau khi nghiên cứu kỹ, chị Hồng cùng gia đình đã thành lập Hợp tác xã (HTX) Vietnam Napro. Chị vận động mọi người trong gia đình, họ hàng trồng giống ngô bản địa, canh tác tự nhiên, sử dụng phân chuồng để bón, không dùng thuốc diệt cỏ. Từ đây, những cây ngô vàng bắt đầu cho thu hoạch, dù năng suất không cao như giống ngô lai nhưng được HTX thu mua toàn bộ với giá cao nên ai nấy đều phấn khởi.
Có được nguyên liệu ngô sạch, chị cùng gia đình bắt tay vào sản xuất mì. Trong suốt hơn 1 năm với trên 100 lần thử nghiệm, chị đã phải bỏ đi hơn 5 tấn ngô hạt. Bột khi thì vón thành cục cứng, khi thì bết dính không thể tạo thành sợi mì. Bao nhiêu mồ hôi, nước mắt đã rơi và những người thân trong gia đình liên tục bị thương trong quá trình vận hành máy ép mì.
Chị Hồng tâm sự: Lúc đó, tôi cảm thấy rất áy náy và day dứt bởi nhiều người phải khổ, phải vất vả cùng mình. Nhưng cũng chính từ điều đó, mình đã tĩnh tâm lại rồi tiếp tục kiên trì để không phụ lòng tin của mọi người. Sau bao nhiêu cố gắng, nỗ lực, cuối cùng tôi và gia đình đã làm ra được những sợi mì ngô vàng óng.
Tháng 8/2021, sản phẩm mì ngô chính thức được đưa ra thị trường, ban đầu, khách hàng là những người bạn, những người thân mua dùng thử. Đến tháng 9/2021, sản phẩm mì ngô Vietnam Napro đã có mặt trong một số chuỗi hệ thống siêu thị thực phẩm hữu cơ tại Hà Nội, Đà Nẵng, thành phố Hồ Chí Minh…
Để làm ra được những sợi mì ngô vàng óng đó là cả một quá trình với nhiều công đoạn. Hạt ngô sau thu hoạch được tách vỏ, đãi sạch sau đó hong khô, nghiền mịn, trộn với bột dong riềng theo tỉ lệ, tạo ẩm và đem ủ. Quá trình ủ bột cần ở người thợ làm mì sự nhạy bén bởi bột có được ủ đạt chuẩn thì mới cho ra được những sợi mì thơm ngon và mềm nhất. Một mẻ bột ủ thành công phải có mùi thơm ngọt như mùi hoa quả lên men, từng thớ bột phải bện lại thì mới có thể ép thành những sợi mì ngô chất lượng. Sau khi ép thành sợi, mì sẽ được đưa vào phòng sấy lạnh, làm khô chậm trong 24 tiếng.
Chị Hồng cho biết: Tôi tự tin nói rằng sản phẩm mì ngô của mình 100% tự nhiên, không biến đổi gen, không sử dụng bất kỳ một chất phụ gia nhân tạo, phẩm màu hay chất bảo quản nào. Những sợi mì này là thành quả của sự kiên trì và nỗ lực của cả gia đình. Mì ngô Vietnam Napro là sản phẩm của sự pha trộn giữa phương pháp làm mì thủ công truyền thống và phương pháp sấy lạnh hiện đại. Điều này giúp giữ nguyên vẹn các chất dinh dưỡng, màu sắc, hương vị trong từng sợi mì.
Được biết, hiện nay, trung bình một tháng, HTX sản xuất được trên 300 kg mì ngô thành phẩm bán với giá 258 nghìn đồng/kg, mang về doanh thu trên 77 triệu đồng. Năng lực sản xuất hiện không đủ đáp ứng hết được nhu cầu khách hàng. Hiện chị Hồng đã liên kết với các hộ dân trong xã, các xã lân cận mở rộng vùng trồng ngô nguyên liệu trên 15 ha để sản xuất mì.
Tin rằng, với chất lượng thơm ngon và tốt cho sức khỏe, sản phẩm mì ngô Vietnam Napro sẽ khẳng định được thương hiệu, tiếp tục mở rộng thị trường và hướng tới xuất khẩu trong thời gian không xa.
Theo baolangson.vn
https://baolangson.vn/kinh-te/473992-co-gai-nung-khoi-nghiep-thanh-cong-voi-san-pham-mi-ngo.html