Vì sao giá xăng vượt 25.000 đồng/lít, cao nhất 8 năm?

Thứ 7, 12.02.2022 | 15:55:54
761 lượt xem

Giá dầu thô thế giới có xu hướng tăng liên tục và đã vọt lên mức cao nhất trong 8 năm trở lại đây. Giá xăng dầu trong nước cũng không nằm ngoài xu hướng này.

Vì sao giá xăng vượt 25.000 đồng/lít, cao nhất 8 năm? - 1

Từ 15h ngày 11/2, mỗi lít xăng tăng thêm từ 960-980 đồng, đạt mức cao nhất trong 8 năm (Ảnh: M.Quân).

Xăng vượt mốc 25.000 đồng/lít

Liên Bộ Tài chính, Bộ Công Thương vừa tăng giá bán lẻ xăng dầu trong kỳ điều chỉnh ngày hôm qua (11/2), mức tăng dao động từ 660 đến 980 đồng mỗi lít/kg.

Cụ thể, xăng E5 RON 92 tăng 980 đồng/lít; xăng RON 95 tăng 960 đồng/lít. Giá dầu diesel, dầu hỏa cũng được điều chỉnh tăng 960 đồng/lít; còn dầu mazut tăng 660 đồng/kg.

Như vậy thị trường đã trải nhiều lần tăng liên tiếp và ở mức cao. Với mức tăng lần này, giá bán lẻ xăng dầu trong nước đã vượt mốc 25.000 đồng/lít với RON 95 - mức cao nhất từ tháng 8/2014.

Tương tự giá xăng E5 RON 92 cũng lên mức 24.570 đồng/lít; dầu diesel 19.860 đồng/lít, dầu hỏa 18.750 đồng/lít; dầu mazut 17.650 đồng/kg.

Mặc dù cơ quan điều hành đã quyết định duy trì mức chi Quỹ BOG đối với các mặt hàng xăng E5RON92, dầu diesel và dầu hỏa ở mức từ 100-400 đồng/lít, song các mặt hàng này vẫn tăng cao.

Vì sao giá xăng vượt 25.000 đồng/lít, cao nhất 8 năm? - 2

Giá xăng dầu từ đầu năm 2021 đến ngày điều chỉnh mới nhất (9/2/2022) (Đơn vị: đồng).

Nhìn trên biểu đồ trên có thể thấy, từ mức giá 15.948 đồng/lít xăng E5 RON 92 đầu năm 2021 thì sau 1 năm, mặt hàng này đã lên 24.570 đồng/lít, tức là tăng gần 8.700 đồng.

Xăng RON 95 từ mức 16.930 đồng/lít đầu năm 2021, sau 1 năm đã lên mức 25.320 đồng/lít, tăng 8.390 đồng.

Với các mặt hàng này, trong 5 lần điều chỉnh gần đây nhất đã tăng dao động từ 2.490-2.520 đồng/lít tùy loại.

Lý giải rõ hơn, Bộ Công Thương cho biết, thị trường xăng dầu thế giới giai đoạn vừa qua (từ kỳ điều hành giá ngày 21/01/2022 đến kỳ điều hành này) có nhiều biến động tăng giá.

Việc nguồn cung xăng dầu khan hiếm do ảnh hưởng của các yếu tố chính như: căng thẳng chính trị giữa Nga và Ukraine và bất ổn chính trị tại các nước như Kazakhstan, Libya, Iran… tiếp tục phức tạp ảnh hưởng đến nguồn cung xăng dầu cho thị trường.

Bên cạnh đó, theo Bộ Công Thương, lạm phát tăng cao tại nhiều nước lớn như Mỹ, Trung Quốc… cũng tác động làm giá xăng dầu thế giới có xu hướng tăng cao.

Theo thống kê, giá bình quân các sản phẩm xăng dầu thế giới giữa hai kỳ điều hành giá gần đây nhất là 102,419 USD/thùng xăng RON 92 dùng để pha chế xăng E5 RON 92, tăng 6,5% so với kỳ trước; Giá xăng RON 95 là 104,6USD/thùng, tăng khoảng 7% so với kỳ trước; dầu diesel là 104,8 USD/thùng; còn dầu hỏa là 101,94 USD/thùng…

Theo ông Trần Duy Đông, Vụ trưởng Vụ thị trường trong nước, giá các sản phẩm xăng dầu trên thế giới dùng để tính giá cơ sở mặt hàng xăng dầu trong nước tăng liên tục trong thời gian.

Tại cuộc họp về tình hình cung ứng xăng dầu hôm 9/2, Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên cũng cho biết điều chỉnh giá xăng dầu trong nước linh hoạt, tiệm cận với giá thế giới.

Giá xăng dầu gây áp lực lạm phát

Việc giá dầu xăng tăng cao gây khó khăn không nhỏ cho giai đoạn phục hồi kinh tế bởi đây là mặt hàng đầu vào, thiết yếu.

Theo Tổng cục Thống kê, giá xăng dầu trong nước tăng theo giá nhiên liệu thế giới là những yếu tố làm cho chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 1/2022 tăng 0,19% so với tháng trước. So với cùng kỳ năm 2021, CPI tháng 1 tăng 1,94%; lạm phát cơ bản tăng 0,66%.

Giám đốc một hãng vận tải lớn trên địa bàn Hà Nội còn dùng từ "bi đát" để nói về tình cảnh nhiều doanh nghiệp trong lĩnh vực vận tải hiện nay trước cảnh vừa thấm đòn Covid-19, mới nhen nhóm phục hồi thì lại "vấp" khi giá nguyên liệu tăng cao.

"Sau một thời gian dài ngừng hoạt động vì giãn cách, nhiều doanh nghiệp đang bắt đầu thích ứng trở lại, tìm cách để phục hồi. Trong một thời gian ngắn, giá xăng dầu tăng cao liên tiếp, bây giờ đang ở mức cao nhất 8 năm. Hơn thế lại trong giai đoạn doanh nghiệp đang vật vã sau đại dịch, khó chồng khó", vị này chia sẻ với Dân trí.

Theo lãnh đạo Cục Quản lý giá, trong năm 2022, một số yếu tố gây áp lực lên mặt bằng giá sau Tết, trong đó có giá xăng dầu do tác động mạnh từ thị trường thế giới. Hiện nay, giá các mặt hàng xăng dầu và khí hóa lỏng (LPG) đang ở mức cao do chịu tác động từ thị trường thế giới.

Giá xăng dầu kỳ điều hành ngày 11/2/2022 chịu áp lực điều chỉnh tăng rất lớn từ giá thế giới. Từ đó theo Cục Quản lý giá, gây sức ép lớn đến mặt bằng giá nói chung và giá các mặt hàng sử dụng xăng dầu là đầu vào cho sản xuất.

"Ngoài ra, do nền kinh tế nước ta phụ thuộc nhiều vào nguyên vật liệu nhập khẩu nên sẽ phải đối mặt với nguy cơ nhập khẩu lạm phát trước xu hướng tăng giá các mặt hàng nguyên vật liệu, các mặt hàng chiến lược trên thị trường thế giới, rủi ro về tỷ giá khi các quốc gia đối tác thương mại chính quay trở lại chính sách tiền tệ thắt chặt", Cục Quản lý giá lo ngại.

Riêng đối với mặt hàng xăng dầu, mới đây, Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Minh Khái - Trưởng ban Chỉ đạo điều hành giá đã yêu cầu Bộ Công Thương tiếp tục phối hợp chặt chẽ với Bộ Tài chính điều hành giá xăng dầu linh hoạt, bảo đảm giá xăng dầu trong nước phản ánh, bám sát diễn biến giá thành phẩm xăng dầu thế giới.

Theo Phó Thủ tướng, cần sử dụng hợp lý Quỹ Bình ổn giá xăng dầu với liều lượng thích hợp, góp phần kiểm soát lạm phát, hỗ trợ hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp, đời sống của người dân, ổn định của thị trường, cung cầu xăng dầu trong nước.


Theo dantri.com.vn

https://dantri.com.vn/kinh-doanh/vi-sao-gia-xang-vuot-25000-donglit-cao-nhat-8-nam-20220212100819921.htm

  • Từ khóa