Tần suất các đường bay này sẽ được tăng dần theo lộ trình bảo đảm nguyên tắc thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19, tạo điều kiện thuận lợi đi lại trên cơ sở tuân thủ hướng dẫn về giám sát y tế nhập cảnh.
Cục Hàng không Việt Nam tổ chức trao đổi với cơ quan quản lý hàng không các nước đối tác để quyết định nối lại các chuyến bay quốc tế chở khách thường lệ.
Thứ trưởng Bộ Giao thông vận tải Lê Anh Tuấn vừa giao Cục Hàng không Việt Nam tổ chức trao đổi với cơ quan quản lý hàng không các nước đối tác để quyết định nối lại các chuyến bay quốc tế chở khách thường lệ với các thị trường đã có đường bay trực tiếp đến Việt Nam thời điểm trước dịch COVID-19, ngoài các thị trường đã được triển khai trong tháng 1 vừa qua.
Tần suất các đường bay này sẽ được tăng dần theo lộ trình bảo đảm nguyên tắc thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19, tạo điều kiện thuận lợi đi lại trên cơ sở tuân thủ hướng dẫn về giám sát y tế nhập cảnh.
"Cục Hàng không Việt Nam phải báo cáo Bộ Giao thông vận tải kết quả nối lại đường bay quốc tế trong tháng 2/2022 để Bộ tổng hợp báo cáo Thủ tướng Chính phủ", Thứ trưởng Lê Anh Tuấn yêu cầu.
Về vấn đề này, lãnh đạo Cục Hàng không Việt Nam cho hay, vừa làm việc với nhà chức trách hàng không Thái Lan. Nước này cũng đã nhất trí mở lại đường hàng không và không hạn chế số lượng chuyến bay.
Như vậy, đến thời điểm này, ngoại trừ Trung Quốc, tất cả các quốc gia mà Việt Nam đề nghị khôi phục đường hàng không đều đã đồng ý. Hiện các đường bay tới châu Âu, Australia, Mỹ… Việt Nam đều đã có hoạt động khai thác.
Đáng chú ý, theo lãnh đạo Cục Hàng không Việt Nam, sắp tới sẽ có những đường bay quốc tế tới các thị trường mới như Trung Đông, Thổ Nhĩ Kỳ… được tổ chức.
Theo lãnh đạo Cục Hàng không Việt Nam, thời điểm này ngành hàng không đã sẵn sàng mọi mặt để khai thác toàn mạng bay quốc tế như trước khi bùng phát dịch COVID-19.
Phía hãng hàng không, lãnh đạo các hãng hàng không chia sẻ nếu chậm triển khai, Việt Nam mất lợi thế cạnh tranh về điểm đến, không chỉ với khách du lịch mà còn với các nhà đầu tư.
Các doanh nghiệp trong ngành hàng không, du lịch suy yếu, có thể dẫn đến phá sản, mất khả năng cạnh tranh với các hãng, các doanh nghiệp trong khu vực, khiến việc phục hồi sau đại dịch sẽ vô cùng khó khăn.
Thực tế, với tỷ lệ tiêm vaccine tăng cao, các nước trên thế giới đã nhanh chóng đưa ra nhiều chính sách cạnh tranh để thu hút khách quốc tế, đón đầu nhu cầu đi lại sau khi đại dịch đang từng bước được kiểm soát.
Các điểm chính trong chính sách của các quốc gia này là: Không hạn chế đối tượng và mục đích đi lại, bao gồm cả khách có quốc tịch nước sở tại, khách kiều bào và khách quốc tế (chỉ cần có hộ chiếu và thị thực hợp lệ).
Lãnh đạo Cục Hàng không Việt Nam cho hay, theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ chậm nhất là tới ngày 30/3 mở lại các đường bay quốc tế và tinh thần là mở cửa sớm được ngày nào tốt ngày đó.
Thời điểm này phải mở cửa và phát động lại thị trường để các hãng lên kế hoạch, phương án khai thác và có một tháng để bán vé máy bay.
Vấn đề bây giờ là phải đẩy mạnh tiếp thị và hạn chế những vướng mắc, khó khăn về các điều kiện không cần thiết để khách du lịch vào Việt Nam…/.
Theo baochinhphu.vn
https://baochinhphu.vn/noi-lai-toan-bo-cac-duong-bay-quoc-te-102220213134633086.htm