Chiến Thắng: Phát huy hiệu quả nguồn vốn chính sách

Thứ 2, 14.02.2022 | 08:43:58
400 lượt xem

Những năm qua, cấp ủy, chính quyền xã Chiến Thắng, huyện Chi Lăng luôn quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo các tổ chức hội, đoàn thể nhận ủy thác với Phòng Giao dịch Ngân hàng Chính sách xã hội (NHCSXH) huyện rà soát, hỗ trợ, hướng dẫn các hộ vay sử dụng vốn chính sách đúng mục đích, có hiệu quả, vươn lên thoát nghèo.

Ông Linh Văn Quý, Chủ tịch UBND xã cho biết: Chiến Thắng là xã thuần nông, đặc biệt khó khăn của huyện Chi Lăng. Trước đây, do thiếu vốn nên các mô hình sản xuất trên địa bàn còn manh mún, nhỏ lẻ, thu nhập của người dân bấp bênh. Chính vì vậy, việc định hướng, quan tâm, tạo điều kiện để người dân phát huy thế mạnh địa phương, tiếp cận nguồn vốn chính sách để mở rộng các mô hình sản xuất luôn là một trong những nhiệm vụ trọng tâm hàng đầu của cấp ủy, chính quyền xã. Để nguồn vốn đến đúng đối tượng, sử dụng đúng mục đích, đạt hiệu quả, hằng năm, UBND xã đã chỉ đạo sát sao các tổ chức hội, đoàn thể nhận ủy thác rà soát các hộ có nhu cầu vay vốn, hướng dẫn, tuyên truyền các chương trình vay vốn đến người dân. Trong quá trình thực hiện luôn đảm bảo bình xét cho vay dân chủ, công khai, minh bạch.

Người dân thôn Nà Dạ, xã Chiến Thắng chăm sóc rừng keo từ nguồn vốn ưu đãi

Để công tác quản lý vốn hiệu quả, UBND xã phân công cán bộ phối hợp chặt chẽ với ngân hàng thành lập tổ kiểm tra, giám sát việc sử dụng vốn của người dân. Trong năm 2021, tổ đã tiến hành kiểm tra 100% tổ tiết kiệm và vay vốn; kiểm tra gần 150 lượt hộ vay tại 9/9 thôn. Qua kiểm tra cho thấy: các hộ đều sử dụng vốn đúng mục đích, có hiệu quả, có ý thức trả nợ, trả lãi đúng hạn. Bên cạnh đó, để giúp người dân phát huy hiệu quả vốn vay ưu đãi, hằng năm, UBND xã phối hợp với cơ quan chuyên môn của huyện mở từ 2 đến 4 lớp tập huấn dạy nghề, chuyển giao khoa học kĩ thuật nhằm nâng cao hiệu quả sản xuất cho bà con.

Anh Vi Văn Tiên, thôn Nà Nhì chia sẻ: “Trước đây, gia đình tôi rất khó khăn, không có thu nhập ổn định, năm 2004, gia đình tôi trồng được 2 ha thông nhưng do thiếu vốn và điều kiện chăm sóc nên cây chậm phát triển. Năm 2016, nhờ sự hướng dẫn của Đoàn Thanh niên xã, tôi vay 50 triệu đồng từ Phòng Giao dịch NHCSXH huyện và được tham gia tập huấn kỹ thuật trồng, chăm sóc, phát triển rừng để chăm sóc diện tích rừng của gia đình. Nhờ đó, năm 2019, cây đến tuổi cho khai thác nhựa, gia đình tôi thu được trên 2 tấn. Trung bình mỗi năm, rừng thông đem lại cho gia đình thu nhập trên 70 triệu đồng, chưa kể tiền bán gỗ sau khi cây đã già và cho ít nhựa. Năm 2020, gia đình tôi thoát nghèo, cuộc sống ngày càng được cải thiện, tôi tiếp tục vay 50 triệu đồng từ chương trình cho vay hộ mới thoát nghèo để mở rộng thêm diện tích trồng thông”.

Hiện nay, tổng dư nợ các chương trình cho vay ưu đãi trên địa bàn xã đạt 15,8 tỷ đồng, tăng 3,4 tỷ đồng so với năm 2018, trong đó, gần 400 hộ còn dư nợ. Không chỉ gia đình anh Vi Văn Tiên, từ nguồn vốn ưu đãi, nhiều hộ nghèo và đối tượng chính sách trên địa bàn xã đã xây dựng được các mô hình kinh tế có hiệu quả, đặc biệt là kinh tế đồi rừng. Đến nay, toàn xã đã trồng và chăm sóc được 3.222 ha rừng, chủ yếu là thông, keo, trong đó, 80% ha thông đã đến tuổi thu hoạch, sản lượng nhựa khai thác đạt 250 tấn/năm.

Nhờ phát huy hiệu quả vốn ưu đãi mà đến nay, nhiều hộ dân trên địa bàn xã đã có thu nhập từ 100 đến 150 triệu đồng/năm, tiêu biểu như hộ anh Nguyễn Văn Công, Nguyễn Văn Tiến (thôn Làng Thành); La Văn Kiên (thôn Nà Dạ)… Nhiều hộ đã vươn lên thoát nghèo, xây dựng nhà cửa khang trang, nuôi dạy con cái ăn học đầy đủ. Hiệu quả từ nguồn vốn vay ưu đãi đã góp phần đáng kể vào việc nâng cao thu nhập của người dân, giảm tỷ lệ hộ nghèo, hiện nay, thu nhập bình quân trên địa bàn xã đạt 30 triệu đồng/người/năm, tăng gấp đôi so với năm 2016; tỷ lệ hộ nghèo chỉ còn 14,5%, giảm 37,2% so với năm 2016.

“Chiến Thắng là một trong những xã có chất lượng tín dụng tốt của huyện. Nhiều năm nay, xã không có trường hợp nợ quá hạn, 100% tổ tiết kiệm và vay vốn hoạt động tốt, điều đó thể hiện ở việc huy động tiết kiệm và tỷ lệ thu nợ, thu lãi hằng năm đều đạt trên 99%. Qua đó, tạo thuận lợi cho hoạt động của ngân hàng, giúp người dân có nhu cầu đều được vay vốn, không để hộ nghèo thiếu vốn; góp phần thúc đẩy sản xuất kinh doanh, xây dựng nông thôn mới trên địa bàn xã”.

Bà Quách Thanh Huyền, Phó Giám đốc Phòng Giao dịch NHCSXH huyện Chi Lăng


MAI LINH/baolangson.vn

https://baolangson.vn/kinh-te/nong-nghiep/481052-chien-thang-phat-huy-hieu-qua-nguon-von-chinh-sach.html

  • Từ khóa