Thực hiện Chỉ thị số 41 ngày 15/4/2010 của Ban Bí thư về tăng cường công tác ngoại giao kinh tế trong thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, trong những năm qua, Lạng Sơn đã không ngừng củng cố mối quan hệ hữu nghị, hợp tác với Quảng Tây, Trung Quốc và mở rộng quan hệ đối ngoại, hợp tác quốc tế với các đối tác nước ngoài khác. Qua đó, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế – xã hội của tỉnh gắn với đảm bảo quốc phòng – an ninh, giữ vững chủ quyền biên giới quốc gia.
Để triển khai Chỉ thị số 41, ngày 25/2/2011, Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã ban hành Kế hoạch số 04, trong đó xác định: Đưa ngoại giao kinh tế trở thành trụ cột chính trong công tác đối ngoại của tỉnh; đẩy mạnh các hoạt động ngoại giao kinh tế nhằm huy động các tiềm năng, thế mạnh sẵn có, kết hợp với các nguồn lực bên ngoài để thúc đẩy phát triển.
Lãnh đạo UBND tỉnh cùng các đại biểu trao đổi một số nội dung bên lề Hội nghị lần thứ 12 Ủy ban công tác liên hợp (tháng 4/2021)
Theo đó, Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã lãnh đạo, chỉ đạo các cấp, ngành cụ thể hóa các nội dung, nhiệm vụ ngoại giao kinh tế thành chương trình, nhiệm vụ công tác trong từng giai đoạn và hằng năm phù hợp với đặc điểm, tình hình.
Đồng chí Đoàn Thu Hà, Phó Chủ tịch UBND tỉnh cho biết: Để tăng cường công tác ngoại giao kinh tế, UBND tỉnh đã chỉ đạo các sở, ngành liên quan nghiên cứu, tham mưu ban hành các chương trình hành động, kế hoạch về công tác đối ngoại, hội nhập quốc tế, thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài, vận động vốn ODA (vốn hỗ trợ phát triển chính thức). Cùng đó, UBND tỉnh chỉ đạo các cơ quan, lực lượng chức năng tích cực nghiên cứu, dự báo tình hình quốc tế và khu vực có ảnh hưởng đến tiến trình hội nhập quốc tế và quan hệ đối ngoại, đặc biệt, việc nắm bắt xu hướng hợp tác quốc tế, chính sách hợp tác quốc tế của đối tác chiến lược để định hướng, kế hoạch lựa chọn đối tác triển khai phù hợp.
Theo đó, để phát huy lợi thế về kinh tế cửa khẩu, một mặt, tỉnh huy động mọi nguồn lực, tranh thủ sự hỗ trợ của Trung ương về cơ chế, chính sách và nguồn vốn để tập trung đầu tư xây dựng, phát triển kết cấu hạ tầng, đầu tư chỉnh trang, nâng cấp, năng lực trung chuyển và tiếp nhận hàng hoá xuất, nhập khẩu, tạo hệ thống kết cấu hạ tầng tương đối đồng bộ ở các khu vực cửa khẩu. Mặt khác, tỉnh tập trung triển khai các nội dung trọng điểm hợp tác với Quảng Tây, Trung Quốc.
Đơn cử như từ đầu năm 2020 đến nay, trước diễn biến phức tạp của dịch COVID -19, tỉnh đã chỉ đạo các lực lượng chức năng chủ động thiết lập và phát huy các cơ chế phối hợp, trao đổi thông tin với Quảng Tây bằng nhiều hình thức, cả trực tuyến và trực tiếp; phối hợp chặt chẽ trong kiểm tra, kiểm soát phòng, chống dịch COVID-19 và xuất, nhập cảnh trên tuyến biên giới và các cửa khẩu; phối hợp giải quyết khó khăn trong xuất, nhập khẩu hàng hóa, đảm bảo thông quan, tạo thuận lợi cho hoạt động xuất, nhập khẩu nông sản qua biên giới.
Cùng với đó, tỉnh chú trọng tổ chức các hoạt động đối ngoại nhằm duy trì, củng cố và mở rộng quan hệ với các địa phương, cơ quan, tổ chức nước ngoài, tạo nền tảng hợp tác về chính trị, từ đó thúc đẩy quan hệ hợp tác trên các lĩnh vực, đặc biệt là lĩnh vực kinh tế.
Đồng chí Đoàn Thu Hà, Phó Chủ tịch UBND tỉnh phát biểu tại Hội nghị lần thứ 12 Ủy ban Công tác liên hợp (tháng 4/2021)
Đồng chí Trịnh Tuyết Mai, Giám đốc Sở Ngoại vụ cho biết: Thực hiện chức năng, nhiệm vụ được giao, sở đã phối hợp với các sở, ngành liên quan tham mưu cho tỉnh tăng cường hoạt động giao lưu, trao đổi đoàn và hợp tác quốc tế, tổ chức các đoàn công tác của tỉnh đi khảo sát, làm việc, xúc tiến hợp tác, đầu tư tại nước ngoài; đón tiếp nhiều đoàn lãnh đạo cấp cao cấp địa phương các nước đối tác đến thăm, làm việc tại tỉnh.
Từ năm 2010 đến nay, tỉnh đã cử trên 650 đoàn với gần 6.000 lượt cán bộ, công chức, viên chức đi công tác, tham dự các hoạt động hội đàm, khảo sát, trao đổi kinh nghiệm và đào tạo bồi dưỡng, giao lưu hữu nghị tại 20 quốc gia và vùng lãnh thổ; đón tiếp và làm việc với hơn 660 đoàn với gần 7.000 lượt người đến từ nhiều quốc gia, vùng lãnh thổ đến thăm, khảo sát, làm việc với các cơ quan, đơn vị trong tỉnh; chủ trì tổ chức 16 hội nghị, hội thảo quốc tế, trong đó, có các hội nghị vận động thu hút ODA, hội nghị xúc tiến đầu tư, hội nghị xúc tiến thương mại, du lịch…
Hiện nay, Lạng Sơn đã thiết lập quan hệ hữu nghị, triển khai hợp tác với 4 địa phương gồm: khu tự trị dân tộc Choang Quảng Tây (Trung Quốc); Kanagawa, Fukuoka (Nhật Bản); Gangwon (Hàn Quốc). Đồng thời có quan hệ hợp tác tích cực với một số cơ quan, tổ chức của các nước và duy trì, củng cố quan hệ với các cơ quan đại diện ngoại giao, tổ chức nước ngoài, định chế tài chính quốc tế tại Việt Nam và nhiều tổ chức phi chính phủ, doanh nghiệp nước ngoài.
Sự chủ động, tích cực trong ngoại giao kinh tế đã góp phần quan trọng vào sự phát triển kinh tế – xã hội của tỉnh trong những năm qua. Từ năm 2010 đến đầu năm 2022, tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu qua địa bàn tỉnh đạt xấp xỉ 40 tỷ USD, xuất khẩu hàng địa phương đạt trên 25 nghìn tỷ đồng; thu ngân sách từ hoạt động xuất, nhập khẩu đạt trên 46 nghìn tỷ đồng.
Về thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI), từ năm 2010 đến nay, toàn tỉnh thu hút 12 dự án FDI mới với tổng vốn đăng ký là 99,5 triệu USD, chủ yếu là các dự án do các nhà đầu tư Trung Quốc thực hiện và bước đầu thu hút thêm doanh nghiệp Hàn Quốc đầu tư. Đối với thu hút viện trợ phát triển chính thức, chỉ tính riêng từ năm 2016 đến nay, tỉnh đã triển khai thực hiện 12 dự án ODA với tổng vốn 1.876,7 tỷ đồng, tập trung chủ yếu cho các dự án thuộc lĩnh vực giao thông vận tải, phát triển nông nghiệp và nông thôn, thuỷ lợi, lâm nghiệp kết hợp giảm nghèo, cấp thoát nước, y tế, giáo dục.
Về thu hút viện trợ phi chính phủ nước ngoài, hơn 10 năm qua, trên địa bàn tỉnh có 43 tổ chức phi chính phủ nước ngoài đăng ký hoạt động, tỉnh tiếp nhận 33 dự án với tổng giá trị tài trợ, giá trị gần 66,7 tỷ đồng và 51 khoản viện trợ phi dự án với tổng giá trị 13,8 tỷ đồng với nhiều lĩnh vực. Qua đó, đã góp phần giảm nghèo, nâng cao dân trí, cải thiện đời sống vật chất của người dân vùng dự án, đồng thời, tăng cường sự hiểu biết lẫn nhau, tạo cầu nối hữu nghị giữa tỉnh với các nước trên thế giới, giới thiệu bạn bè quốc tế hiểu biết sâu sắc hơn về các giá trị văn hóa truyền thống, về đất nước, con người Việt Nam và tỉnh Lạng Sơn.
Cùng với đó, việc hợp tác trên các lĩnh vực khác như du lịch cũng được tỉnh đặc biệt quan tâm. Đơn cử, từ năm 2010 đến nay, Lạng Sơn trao đổi, thúc đẩy xây dựng khu hợp tác du lịch cửa khẩu Hữu Nghị – Hữu Nghị Quan và bước đầu triển khai hợp tác đào tạo nhân lực trong lĩnh vực du lịch với Quảng Tây, Trung Quốc; ký kết hợp tác về phát triển du lịch bền vững với Viện Kỹ nghệ Quốc gia Pháp (CNAM); hợp tác với chính quyền tỉnh Gangwon và tổ chức UN-HABITAT (Hàn Quốc) về đào tạo nguồn nhân lực phát triển du lịch… Qua đó, trong hơn 10 năm qua, tỉnh thu hút gần 4 triệu lượt khách du lịch quốc tế đến tham quan, góp phần thúc đẩy tăng trưởng và quảng bá hình ảnh về mảnh đất, con người Xứ Lạng đến bạn bè quốc tế.
Đồng chí Đoàn Thu Hà, Phó Chủ tịch UBND tỉnh khẳng định: Sau hơn 10 năm thực hiện Chỉ thị số 41 của Ban Bí thư, công tác ngoại giao kinh tế đã được Lạng Sơn triển khai tích cực, đồng bộ, toàn diện, có trọng tâm, trọng điểm. Các nội dung hoạt động ngoại giao kinh tế bảo đảm đúng định hướng, phù hợp với điều kiện và tình hình thực tiễn của Lạng Sơn, đem lại hiệu quả thiết thực, thúc đẩy phát triển kinh tế – xã hội của tỉnh gắn với đảm bảo quốc phòng – an ninh, giữ vững chủ quyền biên giới quốc gia, góp phần phát triển nền kinh tế đất nước và hội nhập quốc tế.
Bước vào giai đoạn phát triển, thời kỳ mới của hội nhập quốc tế, bám sát chủ trương, đường lối đối ngoại theo tinh thần Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII: “Tiếp tục phát huy vai trò tiên phong trong việc tạo lập và giữ vững môi trường hòa bình, ổn định, huy động các nguồn lực bên ngoài để phát triển đất nước, nâng cao vị thế và uy tín của đất nước, trong đó giữ vững hòa bình, ổn định là nhiệm vụ trọng yếu, thường xuyên; phục vụ phát triển đất nước là nhiệm vụ trung tâm; nâng cao vị thế và uy tín của đất nước là nhiệm vụ quan trọng” và cụ thể hóa chỉ đạo của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tại Hội nghị Đối ngoại toàn quốc triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng: “Nâng cao hiệu quả công tác ngoại giao kinh tế phục vụ phát triển đất nước. Ưu tiên tìm kiếm và mở rộng thị trường cho hàng hóa, dịch vụ và lao động Việt Nam, thu hút nguồn vốn, công nghệ và kinh nghiệm quản lý, nhất là FDI hướng vào các lĩnh vực ưu tiên của đất nước”, ngày 7/2/2022, UBND tỉnh đã ban hành Quyết định số 238 về việc phê duyệt Đề án “Tăng cường, nâng cao hiệu quả công tác ngoại giao kinh tế tỉnh Lạng Sơn giai đoạn 2021-2025”. Trong đó, đã phân tích, dự báo bối cảnh trong nước, quốc tế và đề ra các nhiệm vụ cụ thể trong 5 năm tới.
Tin tưởng rằng, với những bài học kinh nghiệm rút ra trong hơn 10 năm thực hiện Chỉ thị số 41 của Ban Bí thư và các nhiệm vụ, giải pháp cụ thể phù hợp với tình hình thực tiễn, trong thời gian tới, công tác ngoại giao kinh tế của Lạng Sơn sẽ tiếp tục được triển khai hiệu quả, góp phần quan trọng thúc đẩy sự phát triển nhanh, bền vững của quê hương Xứ Lạng.
Theo baolangson.vn