Những năm gần đây, một số hộ dân trên địa bàn huyện Đình Lập đã chủ động chuyển đổi những diện tích đất kém hiệu quả sang làm vườn ươm cây giống lâm nghiệp. Qua đó, giúp các hộ nâng cao thu nhập, từng bước vươn lên làm giàu.
Gia đình ông Phương Văn Ngọc, thôn Khe Mạ, xã Đình Lập là một trong những hộ đã có thu nhập từ ươm cây giống lâm nghiệp. Ông Ngọc cho biết: Nhận thấy nhu cầu về cây giống trồng rừng của người dân trên địa bàn huyện ngày càng nhiều, từ năm 2016, gia đình tôi đã bắt đầu làm vườn ươm. Trung bình mỗi năm, gia đình ươm khoảng 20 đến 30 vạn cây giống để cung cấp cho các hộ dân trên địa bàn huyện, chủ yếu là thông và keo, trừ chi phí, mỗi năm, gia đình tôi thu về trên 100 triệu đồng.
Người dân xã Đình Lập chăm sóc vườn ươm cây thông
Không chỉ hộ ông Ngọc, thời gian qua, một số hộ dân trên địa bàn xã Đình Lập đã phát triển vườn ươm cây giống đem lại thu nhập cao. Trên địa bàn xã hiện có 3 cơ sở ươm cây giống lâm nghiệp, chủ yếu là cây thông, keo. Mỗi năm, các vườn này xuất bán ra thị trường trên 1 triệu cây giống, đáp ứng nhu cầu trồng rừng của người dân trên địa bàn xã và các xã quanh vùng. Trong đó, từ năm 2015, trên địa bàn xã đã thành lập Hợp tác xã Nông Lâm nghiệp Phong Vân với 7 gia đình tham gia, chuyên về sản xuất giống cây lâm nghiệp, từ đó, tạo sự liên kết từ khâu sản xuất đến tiêu thụ cây giống, đem lại thu nhập cho các thành viên từ 200 đến 300 triệu đồng/năm.
Ngoài xã Đình Lập, khoảng 5 năm trở lại đây, nghề ươm cây giống còn phát triển tại nhiều xã khác của huyện. Qua đó, góp phần đem lại thu nhập cao, ổn định cho nhiều hộ. Tiêu biểu như gia đình chị Nông Thị Hồng, thôn Quang Hòa, xã Cường Lợi. Chị Hồng cho biết: Năm 2017, gia đình tôi cải tạo 4 sào đất để ươm cây giống lâm nghiệp, trung bình mỗi năm, gia đình tôi ươm khoảng 30 đến 40 vạn cây giống, chủ yếu là keo để xuất bán ra thị trường, từ ươm cây đã đem lại thu nhập cho gia đình trên 100 triệu đồng/năm. Bên cạnh đó, gia đình tạo việc làm thường xuyên cho 3 đến 5 lao động với thu nhập 160 nghìn đồng/người/ngày.
Theo thống kê của Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện, hiện trên địa bàn huyện có 39 vườn ươm cây giống lâm nghiệp. Các hộ chủ yếu ươm cây thông, keo, bạch đàn… tập trung nhiều ở các xã: Đình Lập, Cường Lợi, Bính Xá…. Trung bình mỗi năm, các vườn này sản xuất và bán ra thị trường trên 3 triệu cây giống, không chỉ cung ứng cây giống cho nhu cầu nội huyện mà còn mở rộng thị trường tiêu thụ ra các huyện khác trong tỉnh và một số tỉnh lân cận.
Để đảm bảo chất lượng giống cây lâm nghiệp, các hộ có vườn ươm đã tích cực tham gia các lớp tập huấn về khoa học kỹ thuật do cơ quan chuyên môn huyện tổ chức, đồng thời, chủ động học hỏi kinh nghiệm lẫn nhau về kỹ thuật ươm cây giống (trung bình mỗi năm, Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện tổ chức 2 hoặc 3 lớp tập huấn lồng ghép về ươm cây giống lâm nghiệp). Bên cạnh đó, các cơ quan chuyên môn của huyện thường xuyên kiểm tra, kiểm soát nguồn giống đầu vào, đảm bảo rõ nguồn gốc, hướng dẫn bà con lựa chọn các cơ sở cung cấp cây giống uy tín.
Bà Nông Thị Yến Vinh, Trưởng Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Đình Lập cho biết: Những năm gần đây, phong trào trồng rừng phát triển mạnh tại huyện, do đó, nhu cầu về cây giống lâm nghiệp để phục vụ trồng rừng của bà con tăng cao. Từ đó, một số hộ đã phát triển các vườn ươm để cung cấp cho thị trường, đem lại thu nhập cao. Thời gian tới, chúng tôi khuyến khích các hộ mở rộng quy mô sản xuất để tăng thu nhập, đặc biệt, đưa các giống cây chất lượng vào sản xuất để phục vụ thị trường.
Từ ươm cây giống đã đem lại cho các hộ thu nhập từ 50 đến hơn 300 triệu đồng/năm. Qua đó, giúp người dân cải thiện cuộc sống, góp phần phát triển kinh tế – xã hội của huyện.
Theo baolangson.vn