Tăng cường kết nối ngân hàng – doanh nghiệp

Thứ 3, 20.09.2022 | 10:02:06
687 lượt xem

Những năm qua, chương trình kết nối ngân hàng – doanh nghiệp đã giúp các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh được tiếp cận vốn vay ưu đãi của ngân hàng với lãi suất ưu đãi, hợp lý. Chương trình đã góp phần quan trọng hỗ trợ các doanh nghiệp vượt qua khó khăn, ổn định và phát triển sản xuất do ảnh hưởng của dịch COVID-19, tạo động lực để các doanh nghiệp khắc phục khó khăn, phát triển sản xuất.

Công ty TNHH Vận tải du lịch Lạng Sơn, phường Vĩnh Trại, thành phố Lạng Sơn là một trong những doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực vận tải chịu ảnh hưởng bởi dịch COVID-19. Ông Nguyễn Văn Quỳnh, Giám đốc công ty cho biết: Năm 2020, trong lúc công ty đang phải “gồng mình” để duy trì hoạt động kinh doanh do ảnh hưởng của dịch COVID-19, chúng tôi được Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam Chi nhánh Lạng Sơn (Agribank Lạng Sơn) hỗ trợ hạ lãi suất khoản vay từ 11% xuống còn 8,5%. Nhờ được hỗ trợ kịp thời đã giúp công ty vượt qua khó khăn, tiếp tục ổn định phát triển.

Cán bộ ngân hàng Thương mại Cổ phần Đầu tư và Phát triển Việt Nam Chi nhành Lạng Sơn hướng dẫn khách hàng làm thủ tục vay vốn

Không chỉ Công ty TNHH Vận tải du lịch Lạng Sơn, thời gian qua, Agribank Lạng Sơn đã tạo điều kiện cho nhiều doanh nghiệp được tiếp cận với nguồn vốn vay ưu đãi để phát triển sản xuất đồng thời có biện pháp tháo gỡ khó khăn cho khách hàng do ảnh hưởng của dịch COVID-19. Đến nay, dư nợ cho vay doanh nghiệp của chi nhánh đạt gần 3.700 tỷ đồng, tăng 142 tỷ đồng so với 31/12/2021 với 281 doanh nghiệp còn dư nợ, chiếm 32% tổng dư nợ chi nhánh. Ông Đinh Mạnh Tranh, Phó Giám đốc Agribank Lạng Sơn cho biết: Thời gian tới, chi nhánh sẽ tiếp tục phân công cán bộ tiếp cận, nắm bắt nhu cầu của khách hàng đáp ứng nhu vốn vay, thanh toán cho các doanh nghiệp. Đồng thời tạo điều kiện để doanh nghiệp có nhu cầu vay vốn tiếp cận nguồn vốn phục hồi sản xuất kinh doanh sau đại dịch.

Cùng với Agribank Lạng Sơn, thời gian qua, ngành ngân hàng tỉnh đã nghiêm túc triển khai các cơ chế, chính sách tín dụng của Chính phủ, của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam về hỗ trợ doanh nghiệp phát triển. Đồng thời, tổ chức các hội nghị đối thoại và kết nối ngân hàng với khách hàng nhằm kịp thời nắm bắt khó khăn của doanh nghiệp để có biện pháp hỗ trợ, tháo gỡ về vốn, lãi suất, tạo điều kiện cho doanh nghiệp ổn định và phát triển sản xuất, kinh doanh. Theo số liệu thống kê của Ngân hàng Nhà nước Chi nhánh tỉnh, đến nay, toàn tỉnh có 803 doanh nghiệp có quan hệ vay vốn với ngân hàng với tổng dư nợ trên 8.166 tỷ đồng, chiếm 21,1% tổng dư nợ toàn địa bàn. Nguồn vốn cho vay đã đáp ứng kịp thời nhu cầu vay vốn của doanh nghiệp để duy trì và phát triển sản xuất khi ảnh hưởng bởi dịch COVID-19.

Nhờ được vay vốn ngân hàng đã giúp hoạt động sản xuất tại Công ty TNHH MTV xe điện DK Việt Nhật không bị ngừng trệ

Đơn cử như Công ty TNHH MTV xe điện DK Việt Nhật, thành phố Lạng Sơn, những năm qua, nhờ được tiếp cận nguồn vốn vay của ngân hàng đã giúp doanh nghiệp phát triển sản xuất ổn định. Bà Bùi Thị Bích Đào, Giám đốc Công ty cho biết: Trong quá trình tiếp cận với nguồn vốn tín dụng, công ty được cán bộ ngân hàng Thương mại Cổ phần Công thương Việt Nam Chi nhánh Lạng Sơn hỗ trợ nhiệt tình, tư vấn công ty gói vay phù hợp. Trong năm 2019 và 2020 do ảnh hưởng của dịch COVID-19, hoạt động sản xuất của công ty gặp không ít khó khăn, năm 2021, công ty được ngân hàng tạo điều kiện cho vay bổ sung 30% dư nợ tín dụng của công ty tại ngân hàng với lãi suất giảm 1% so với năm trước. Nhờ đó, hoạt động sản xuất của công ty ổn định, không bị ngừng trệ.

Bên cạnh tạo điều kiện về vốn vay cho doanh nghiệp, các ngân hàng tích cực thực hiện các giải pháp tháo gỡ khó khăn cho khách hàng bị ảnh hưởng của dịch COVID-19. Đến nay, dư nợ đang được các ngân hàng thương mại cơ cấu lại thời hạn trả nợ và giữ nguyên nhóm nợ là 456 tỷ đồng với 197 khách hàng; dư nợ được miễn, giảm, hạ lãi suất vay vốn là 44 tỷ đồng với 77 khách hàng. Trong đó có 48 khách hàng là doanh nghiệp, hợp tác xã được hỗ trợ với dư nợ được hỗ trợ là 350 tỷ đồng (chiếm 72,4% tổng dư nợ được hỗ trợ).

Biểu đồ so sánh tỷ trọng dư nợ đối với doanh nghiệp ở các lĩnh vực (tính đến tháng 9/2022)

Ngoài ra, ngành ngân hàng tỉnh đã chủ động củng cố, phát triển mạng lưới và nâng cao chất lượng hoạt động. Đặc biệt chú trọng đến công tác tiếp thị, mở rộng quan hệ thanh toán và phát triển các dịch vụ ngân hàng hiện đại nhằm huy động tối đa nguồn tiền nhàn rỗi trong dân cư để tạo nguồn vốn cho doanh nghiệp vay. Các ngân hàng cũng chủ động tìm kiếm khách hàng đáp ứng các điều kiện tham gia chương trình kết nối ngân hàng – doanh nghiệp, như: doanh nghiệp có uy tín; doanh nghiệp có phương án sản xuất, kinh doanh khả thi; doanh nghiệp khởi nghiệp tiềm năng… để cung ứng vốn và dịch vụ ngân hàng hỗ trợ doanh nghiệp phát triển.

Bà Mai Thị Hồng Yến, Phó Giám đốc Ngân hàng Thương mại Cổ phần Đầu tư và Phát triển Việt Nam Chi nhánh Lạng Sơn (BIDV Lạng Sơn) cho biết: Thời gian qua, BIDV Lạng Sơn đã chủ động nắm bắt nhu cầu vốn của doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh và kịp thời cung cấp nguồn vốn tín dụng phục vụ phát triển sản xuất, kinh doanh. Đến nay, dư nợ cho vay doanh nghiệp của chi nhánh là 2.250 tỷ đồng, với 122 doanh nghiệp đang vay vốn, chiếm 32% tổng dư nợ của BIDV Lạng Sơn. Đối với các doanh nghiệp ảnh hưởng của dịch COVID-19, chi nhánh thực hiện đầy đủ các quy định của Nhà nước, của ngành về hỗ trợ đối với các doanh nghiệp. Hiện chi nhánh đang thực hiện cơ cấu nợ đối với 10 khách hàng; hỗ trợ giảm lãi suất cho vay đối với 40 khách hàng bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19 với dư nợ 649 tỷ đồng.

Thông qua Chương trình kết nối ngân hàng – doanh nghiệp, cùng với các chương trình tín dụng khác của từng hệ thống, các ngân hàng thương mại đã đáp ứng kịp thời nhu cầu vốn giúp cho doanh nghiệp giảm bớt khó khăn về tài chính, cân đối lại nguồn vốn phục vụ sản xuất kinh doanh.

“Thời gian qua, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam chi nhánh tỉnh đã chỉ đạo các chi nhánh tổ chức tín dụng trên địa bàn tỉnh triển khai hiệu quả, kịp thời các chương trình cho vay với lãi suất ưu đãi, hợp lý đáp ứng nguồn vốn cho vay đối với doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh. Cụ thể, chỉ đạo các ngân hàng chủ động làm việc với các doanh nghiệp để tìm hiểu nhu cầu vay vốn; hướng dẫn, tư vấn các doanh nghiệp xây dựng phương án sử dụng vốn vay phù hợp với năng lực và tình hình sản xuất kinh doanh để xem xét cho vay. Cùng với đó, chủ động triển khai các chương trình tín dụng đối với ngành, lĩnh vực theo chủ trương của Chính phủ, của tỉnh; thực hiện các giải pháp hiệu quả tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19. Trong thời gian tới, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam Chi nhánh tỉnh tiếp tục phát huy hiệu quả chương trình kết nối ngân hàng – doanh nghiệp, chỉ đạo các ngân hàng thương mại  đẩy mạnh hoạt động kết nối, góp phần từng bước cải thiện môi trường đầu tư, nâng cao năng lực cạnh tranh cho doanh nghiệp, từ đó góp phần thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ về phát triển kinh tế – xã hội của tỉnh”

Bà Trương Thu Hòa, Giám đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam Chi nhánh tỉnh

“Tính đến tháng 9/2022, toàn tỉnh có hơn 3.665 doanh nghiệp hoạt động với tổng vốn đăng ký trên 20 nghìn tỷ đồng. Thời gian qua, ngành ngân hàng đã tích cực triển khai các chính sách ưu đãi để giúp doanh nghiệp có cơ hội tiếp cận vốn vay lãi suất thấp và chủ động xem xét thực hiện các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp do ảnh hưởng của dịch COVID- 19. Qua đó, góp phần tháo gỡ khó khăn cho cộng đồng doanh nghiệp tỉnh. Thời gian tới, Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh sẽ tiếp nhận những ý kiến, phản ánh của các thành viên về khó khăn, vướng mắc trong quá trình giải ngân, vay vốn,…để  tổng hợp gửi Ngân hàng Nhà nước Chi nhánh tỉnh để cùng phối hợp, giải quyết kịp thời, giúp doanh nghiệp tiếp tục duy trì tình hình sản xuất, kinh doanh.”

Ông Hồ Phi Dũng, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh


MAI LINH - KIM HUYÊN/baolangson.vn

https://baolangson.vn/kinh-te/528033-tang-cuong-ket-noi-ngan-hang-doanh-nghiep-2.html

  • Từ khóa