Kiểm tra chuyên ngành là thủ tục để “hành” doanh nghiệp?

Thứ 4, 08.08.2018 | 08:00:00
640 lượt xem

Hiện có khoảng 350 văn bản liên quan tới kiểm tra chuyên ngành. Sự bất cập, chồng chéo trong "mớ thủ tục" này kiến nhiều doanh nghiệp lao đao.

 Hiện có khoảng 350 văn bản liên quan tới kiểm tra chuyên ngành. Sự bất cập, chồng chéo trong "mớ thủ tục" này kiến nhiều doanh nghiệp lao đao.

 

Tại Hội nghị về tạo thuận lợi thương mại mới đây, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ đã thẳng thắn đặt vấn đề: Phải chăng kiểm tra chuyên ngành (KTCN) là thủ tục để "hành" doanh nghiệp, chứ không phải là mục tiêu chống gian lận thương mại.

Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ đánh giá, trong lĩnh vực KTCN, số lượng hàng hóa phải kiểm tra vẫn chiếm tỉ trọng lớn, hiệu lực kiểm tra chuyên ngành thấp, tỉ lệ phát hiện sai phạm thấp (tính tới cuối năm 2017 là dưới 1%).

kiem tra chuyen nganh dung hanh doanh nghiep nua hinh 1
Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ. (Ảnh: VGP)

Bên cạnh đó, số lượng văn bản quy phạm pháp luật phải sửa đổi, bổ sung tương đối nhiều, việc chồng chéo, trùng lặp giữa các bộ, ngành trong kiểm tra chuyên ngành vẫn phổ biến, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ nêu rõ.

Tránh chồng chéo trong kiểm tra chuyên ngành

Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng thẳng thắn nhìn nhận, kết quả KTCN thời gian qua chưa như mong đợi, số lượng hàng hóa phải kiểm tra chuyên ngành còn chiếm tỷ trọng lớn. Năm 2017, số tờ khai nhập khẩu thuộc diện quản lý và KTCN so với tổng số lô hàng nhập khẩu làm thủ tục hải quan tại các cửa khẩu chiếm 19,4%.

kiem tra chuyen nganh dung hanh doanh nghiep nua hinh 2
Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng. (Ảnh: Quochoi.vn)

Lý giải về nguyên nhân của tình trạng này, Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng cho biết, vấn đề KTCN thực hiện chủ yếu bằng phương thức thủ công, chưa áp dụng rộng rãi phương pháp quản lý rủi ro, chưa đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong việc tiếp nhận xử lý hồ sơ, trao đổi dữ liệu...

"Tư lệnh" ngành tài chính đề xuất một số giải pháp như rà soát loại bỏ những quy định chồng chéo trong hoạt động KTCN, chuyển thời điểm KTCN từ giai đoạn trong thông quan sang sau thông quan, quy định rõ đối tượng miễn KTCN, ban hành danh mục hàng hóa thuộc diện quản lý và KTCN kèm mã số HS, điện tử hóa thủ tục KTCN, xã hội hóa hoạt động KTCN.

Từ góc nhìn của chuyên gia nghiên cứu, TS. Nguyễn Đình Cung, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Quản lý Kinh tế trung ương (CIEM) cho rằng, việc cắt giảm danh mục hàng hóa trong diện KTCN có khi chỉ được thực hiện với nhóm có ít mặt hàng, còn nhóm có nhiều mặt hàng thì lại không được cắt giảm.

kiem tra chuyen nganh dung hanh doanh nghiep nua hinh 3
TS. Nguyễn Đình Cung

TS. Nguyễn Đình Cung cũng nêu thực trạng, nhiều bộ, ngành cùng quản lý một mặt hàng, thậm chí trong một bộ lại có tới 2-3 cục cùng quản lý một mặt hàng.

Viện trưởng CIEM đưa ra thống kê, hiện có khoảng 350 văn bản liên quan tới kiểm tra chuyên ngành trong đó ngành nông nghiệp nhiều nhất với khoảng 100 văn bản. 

Theo Tổ công tác của Thủ tướng Chính phủ, Bộ NN&PTNT có 7.698 dòng hàng thuộc 251 nhóm sản phẩm hàng hóa phải kiểm tra chuyên ngành, bao gồm: Hàng hóa thuộc diện kiểm dịch 53 nhóm sản phẩm; Hàng hóa thuộc diện kiểm tra chất lượng 104 nhóm sản phẩm; Hàng hóa phải kiểm tra an toàn thực phẩm 94 nhóm sản phẩm.

Doanh nghiệp nên được xem là đối tác hơn là đối tượng

Ở góc độ doanh nghiệp, ông Nguyễn Hoài Nam, Phó Tổng Thư ký Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thủy sản (VASEP), kiến nghị các bộ, ngành nên xem doanh nghiệp là đối tác hơn là đối tượng, để doanh nghiệp được tham gia đóng góp ý kiến, xây dựng.

Ông Nam cho biết, doanh nghiệp chủ động tham gia trong ban soạn thảo góp ý khi được mời hoặc thậm chí, dự thảo không được gửi đến, doanh nghiệp vẫn "mò" trên các trạng mạng để xem. Thế nhưng, nhiều nơi vẫn ngại tham khảo ý kiến của doanh nghiệp.

kiem tra chuyen nganh dung hanh doanh nghiep nua hinh 4
Ông Nguyễn Hoài Nam

Phó Tổng Thư ký VASEP bày tỏ mong muốn các cơ quan chức năng coi doanh nghiệp là đối tác hơn là đối tượng để cùng chung tay thực hiện mục tiêu của Chính phủ.

"Chi phí thời gian là vàng, là tiền," ông Nam nhấn mạnh. Do đó, ông mong muốn những kiến nghị của doanh nghiệp được giải quyết nhanh hơn.

Theo ông Nam, các bộ vẫn "có kế hoạch" giải quyết kiến nghị nhưng chậm, trong khi doanh nghiệp hàng ngày vẫn phải xuất nhập khẩu, không ngừng được./.

  • Từ khóa