Kinh tế Việt Nam sẽ tăng trưởng thế nào trong năm 2023?

Thứ 5, 12.01.2023 | 14:38:43
813 lượt xem

Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) vừa công bố dự báo triển vọng kinh tế Việt Nam năm 2023, với hai kịch bản.

Sáng 12-1, Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM), Bộ Kế hoạch và Đầu tư và Tổ chức Hợp tác phát triển Đức (GIZ) tổ chức hội thảo: “Kinh tế Việt Nam năm 2022 và triển vọng 2023: Đổi mới nhằm cải thiện chất lượng tăng trưởng”.

Phát biểu tại buổi lễ, bà Trần Thị Hồng Minh, Viện trưởng CIEM cho rằng, một loạt các động thái quan trọng của các nền kinh tế chủ chốt trong năm 2022 sẽ mở đường cho một loạt xu thế mới có ảnh hưởng sâu rộng, lâu dài đến kinh tế thế giới.

“Rủi ro suy thoái kinh tế, xung đột Nga và Ukraine và sự đứt gãy chuỗi cung ứng nhiều hàng hóa cơ bản, xu hướng liên minh đối đầu giữa các siêu cường… sẽ là những nhân tố tiếp tục ảnh hưởng tới nền kinh tế năm tới”, bà Trần Thị Hồng Minh nhận định.

Kinh tế Việt Nam sẽ tăng trưởng thế nào trong năm 2023?
 Tăng trưởng kinh tế năm 2023 có thể đạt gần 7% vào năm 2023. 

Thay mặt nhóm nghiên cứu trình bày báo cáo về triển vọng kinh tế Việt Nam năm 2023, ông Nguyễn Anh Dương, Trưởng Ban Nghiên cứu tổng hợp (CIEM) cho biết, với bối cảnh kinh tế thế giới diễn biến phức tạp như vậy, triển vọng kinh tế Việt Nam trong năm 2023 có thể chịu ảnh hưởng của nhiều yếu tố hơn.

Đó là, mức độ thắt chặt tiền tệ ở các nền kinh tế chủ chốt nhằm xử lý áp lực lạm phát; các nền kinh tế chủ chốt sẽ gia tăng cạnh tranh địa chính trị, xung đột Nga - Ukraine có thể kéo dài, nhưng giữa các nhóm nền kinh tế “cùng chí hướng” có thể sẽ gia tăng hợp tác trên nhiều lĩnh vực...

Kinh tế Việt Nam sẽ tăng trưởng thế nào trong năm 2023?
 Quang cảnh hội thảo. 

Cũng theo ông Nguyễn Anh Dương, nếu duy trì ổn định kinh tế vĩ mô, Việt Nam có thể tiếp tục cải cách và thúc đẩy các biện pháp tài khóa, tiền tệ giúp phục hồi tăng trưởng kinh tế. Tăng trưởng kinh tế sẽ phụ thuộc đáng kể vào khả năng đa dạng hóa các thị trường xuất khẩu, gắn với tận dụng cơ hội từ các Hiệp định thương mại tự do (FTA) và xử lý các rủi ro gắn với đối đầu thương mại - công nghệ giữa các siêu cường, xu hướng giảm giá của các đồng tiền ở khu vực so với USD...

Theo đó, Báo cáo triển vọng kinh tế năm 2023 của CIEM đưa ra 2 kịch bản cập nhật dự báo kinh tế Việt Nam 2023.

Ở kịch bản 1, tăng trưởng kinh tế năm 2023 có thể đạt mức 6,47%; xuất khẩu tăng 7,21% và thặng dư thương mại đạt 5,64 tỷ USD. Ở kịch bản này, lạm phát sẽ ở mức 4,08%.

Ở kịch bản 2, CIEM dự báo tăng trưởng kinh tế năm 2023 sẽ tích cực hơn, lên mức 6,83%; xuất khẩu tăng 8,43% và thặng dư thương mại đạt 8,15 tỷ USD. Tuy nhiên, lạm phát sẽ được kiểm soát ở mức 3,69%.

Cùng với đó, CIEM cũng dự báo về sự phát triển nhanh chóng của thị trường thương mại điện tử; dịch Covid-19 đẩy nhanh xu hướng thay đổi thói quen mua sắm và kinh doanh trực tuyến trong thời gian tới.

Từ đó, ông Nguyễn Anh Dương đưa ra nhiều khuyến nghị về chính sách trong cải cách kinh tế vĩ mô. Đó là, cần hoàn thiện khung chính sách và chuẩn bị các điều kiện cần thiết nhằm hình thành một hệ sinh thái hiện đại cho đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số ở Việt Nam. Đặc biệt, cần mạnh dạn ban hành quy định về cơ chế thử nghiệm cho các mô hình kinh tế mới như fintech, kinh tế tuần hoàn. Ngoài ra, cần thực hiện hiệu quả các FTA và nghiên cứu, đàm phán nâng cấp một số FTA của ASEAN….

Nhận định về tình hình kinh tế Việt Nam trong năm tới, TS Lê Duy Bình, Giám đốc Economica Việt Nam đồng tình với hai kịch bản mà CIEM đưa ra song cũng nhận định rằng, kinh tế Việt Nam sẽ phải đối mặt với những “cơn gió ngược” trong bối cảnh kinh tế quốc tế bất định, khôn lường, tiềm ẩn những rủi ro, thách thức...

Do đó, TS Lê Duy Bình cho rằng, mức tăng trưởng được đưa ra là khá cao so với điều kiện hiện nay của nền kinh tế. Do đó, báo cáo cần nhấn mạnh thêm về nội lực của nền kinh tế để đạt mục tiêu đó và đồng thời hạn chế được những rủi ro, thách thức; nhất là về đầu tư công, thị trường bán lẻ...


Hằng Phương/qdnd.vn

https://www.qdnd.vn/kinh-te/tin-tuc/kinh-te-viet-nam-se-tang-truong-the-nao-trong-nam-2023-716433

  • Từ khóa