Xuất khẩu thủy sản năm 2022 - vì sao đạt đỉnh?

Thứ 7, 14.01.2023 | 09:10:14
1,068 lượt xem

Năm 2022, ngành thủy sản nước ta chịu nhiều tác động tiêu cực của thị trường thế giới. Thế nhưng, nhờ nỗ lực tái cơ cấu, mở rộng thị trường, xuất khẩu thủy sản vẫn bứt phá mạnh mẽ, góp phần vào tăng trưởng và kim ngạch xuất khẩu (KNXK) của ngành nông nghiệp.

Xuất khẩu đạt kỷ lục 11 tỷ USD

Theo bà Nguyễn Thị Thu Nguyệt, Phó tổng cục trưởng Tổng cục Thủy sản, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN-PTNT): Năm 2022, giá trị sản xuất thủy sản tăng 3% so với năm 2021, tổng sản lượng đạt 9,06 triệu tấn, tăng 3,1% so với năm 2021 (8,79 triệu tấn). Trong đó, sản lượng khai thác đạt 3,86 triệu tấn, giảm 1,8% so với năm 2021; nuôi trồng đạt 5,19 triệu tấn, tăng 7% so với năm 2021. Các chỉ tiêu đều đạt vượt mức Chiến lược phát triển thủy sản Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045. KNXK thủy sản năm 2022 lần đầu tiên đạt con số kỷ lục 11 tỷ USD, tăng 23,8% so với cùng kỳ năm 2021, tăng 22,2% so với kế hoạch. Trong đó KNXK tôm nước lợ đạt 4,1-4,2 tỷ USD (tăng khoảng 13% so với năm 2021); cá tra đạt 2,35 tỷ USD (tăng khoảng 70% so với năm 2021). Chính kim ngạch hai mặt hàng xuất khẩu quan trọng này tăng mạnh đã đưa KNXK lên mốc kỷ lục mới.

Xuất khẩu thủy sản năm 2022 - vì sao đạt đỉnh?
Nuôi thủy sản trên vịnh Xuân Đài, thị xã Sông Cầu, tỉnh Phú Yên. 

Đáng chú ý, cùng với việc giảm sản lượng thủy sản khai thác, số lượng tàu cá khai thác năm 2022 cũng giảm 2,9% so với năm 2021 và hiện còn khoảng 86.585 tàu (năm 2021 có 92.422 tàu), trong đó, số tàu cá giảm tập trung vào các loại tàu có chiều dài dưới 15m. Đây là tín hiệu tốt, phù hợp với chủ trương của ngành thủy sản là giảm khai thác, đặc biệt là khai thác gần bờ để bảo vệ, tái tạo nguồn lợi thủy sản phát triển bền vững, đồng thời tập trung tăng nuôi trồng.

Vậy điều gì khiến tăng trưởng và KNXK thủy sản có bước “bứt tốc”? Lý giải điều này, Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Phùng Đức Tiến cho biết: "Chính sự chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, các bộ, ngành và sự tham gia của chính quyền các địa phương, các đơn vị... đã kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc nhằm hỗ trợ nông dân, ngư dân và doanh nghiệp, góp phần làm nên thành công của ngành thủy sản. Từ năm 2020 đến nay, các bộ, ngành tập trung xây dựng cơ chế, chính sách để phát triển ngành thủy sản. Cùng với đó, tái cơ cấu ngành thủy sản tiếp tục được triển khai từng bước phát huy hiệu quả, đẩy mạnh chế biến để gia tăng giá trị, đồng thời mở rộng các đối tượng nuôi biển: Tảo biển, rong biển, nhuyễn thể, nhuyễn thể hai mảnh vỏ...".

Lý giải về thành công của ngành thủy sản, ông Nguyễn Quốc Toản, Cục trưởng Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản (Bộ NN-PTNT) cho hay: "3 năm trở lại đây, việc chỉ đạo sản xuất đã theo hướng đẩy mạnh phát triển ngành thủy sản bền vững. Cùng với đó, việc xúc tiến thương mại, mở rộng thị trường được đẩy mạnh, nâng cao, góp phần đem lại kết quả xuất khẩu tốt cho ngành thủy sản của nước ta".

Theo ông Nguyễn Hoài Nam, Phó tổng thư ký Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP), lĩnh vực nuôi biển được Bộ NN-PTNT quan tâm, do vậy, giá trị thủy sản xuất khẩu cũng tăng theo. Cùng với đó, sự chỉ đạo sâu sát, quyết liệt của Tổng cục Thủy sản trong những năm gần đây, đặc biệt năm 2022 đã góp phần làm nên thành công của ngành, minh chứng cụ thể chính là con số xuất khẩu đạt kỷ lục cao nhất từ trước đến nay.

Nhiều khó khăn, nhưng cũng có cơ hội mới

Năm 2023, ngành thủy sản đặt chỉ tiêu diện tích nuôi trồng thủy sản đạt 1,3 triệu héc-ta, trong đó diện tích nuôi nước ngọt 380.000ha (cá tra 5.700ha), diện tích nuôi mặn, lợ 920.000ha (tôm nước lợ 737.000ha). Tổng sản lượng thủy sản khoảng 8,74 triệu tấn, trong đó sản lượng khai thác khoảng 3,58 triệu tấn; sản lượng nuôi trồng 5,16 triệu tấn. KNXK đạt khoảng 10 tỷ USD.

Thứ trưởng Phùng Đức Tiến nhận định, nền kinh tế nói chung cũng như thủy sản nói riêng đã xuất hiện những khó khăn, thách thức. Từ quý 3-2022, trên cơ sở phân tích kết quả đạt được, Bộ NN-PTNT đã chỉ đạo Tổng cục Thủy sản thực hiện các giải pháp sát thực tiễn để bảo đảm được đà tăng trưởng và KNXK. Mặc dù ngành thủy sản chỉ đặt mục tiêu KNXK thủy sản năm 2023 đạt 10 tỷ USD, thấp hơn so với mức thực hiện năm 2022, thế nhưng trước bối cảnh thị trường xuất khẩu có nhiều khó khăn, bất lợi do lạm phát tại nhiều quốc gia vẫn còn ở mức cao, để đạt được mục tiêu, ngành thủy sản vẫn phải linh hoạt, sáng tạo để quyết định tăng tốc trong thời điểm thích hợp.

Bên cạnh những khó khăn, thách thức đã xuất hiện từ những tháng cuối năm 2022, năm 2023 cũng có những thuận lợi. Từ ngày 8-1-2023, Trung Quốc mở cửa trở lại, nới lỏng chính sách chống dịch Covid-19, đây là thời cơ rất thuận lợi để xuất khẩu các sản phẩm nông nghiệp, trong đó có sản phẩm thủy sản của Việt Nam sang thị trường lớn này. Vừa qua, Việt Nam đã ký với phía Trung Quốc một số nghị định thư về xuất khẩu chính ngạch sản phẩm nông, lâm, thủy sản. Trong thời gian tới, Việt Nam sẽ tiếp tục chủ động phối hợp, đàm phán với phía Trung Quốc nhằm tăng xuất khẩu chính ngạch với những loại nông, lâm, thủy sản khác. KNXK nông, lâm, thủy sản của Việt Nam xuất sang Trung Quốc năm 2022 hiện chiếm hơn 17% tổng KNXK của ngành nông nghiệp và dự báo sẽ tăng ở mức cao hơn trong thời gian tới. Để thực hiện mục tiêu này, ngành thủy sản và các địa phương cần phải tiếp tục nâng cao và kiểm soát chất lượng sản phẩm, có mã số vùng trồng, cơ sở chế biến, xây dựng chuỗi thông tin về an toàn thực phẩm thủy sản đáp ứng được yêu cầu của thị trường Trung Quốc.


Nguyễn Kiểm/qdnd.vn

https://www.qdnd.vn/kinh-te/cac-van-de/xuat-khau-thuy-san-nam-2022-vi-sao-dat-dinh-716516 

  • Từ khóa