Sau nhiều năm triển khai thực hiện Cuộc vận động "Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam", hàng hóa do doanh nghiệp (DN) trong nước sản xuất ngày càng thu hút sự quan tâm của người tiêu dùng. Điều đó được khẳng định cả về chất lượng, mẫu mã và giá thành.
Hàng Việt Nam chiếm ưu thế
Tết Nguyên đán 2023 đang đến gần, thời điểm này, tại các hệ thống siêu thị lớn như: Mega Market, Big C, Hapro Mart, Saigon Co.op, Winmart... không khí mua sắm đã trở nên sôi động. Năm nay, hàng hóa phục vụ Tết khá phong phú, đa dạng. Đáng chú ý, tỷ lệ hàng Việt Nam tại các siêu thị vẫn chiếm ưu thế. Bên cạnh mẫu mã đẹp và giá cả phù hợp, DN sản xuất, kinh doanh hàng Việt Nam đã biết khai thác yếu tố văn hóa dân tộc, đặc sản vùng miền để tiếp cận người tiêu dùng.
Người dân mua hàng tại Trung tâm thương mại Big C Thăng Long. Ảnh: MINH ĐỨC |
Chia sẻ với chúng tôi, ông Lê Mạnh Phong, Giám đốc điều hành khối cửa hàng Big C/GO! khu vực Hà Nội và miền Bắc, Tập đoàn Central Retail Việt Nam thông tin, tại hệ thống siêu thị của DN, hiện nay, hàng Việt Nam chiếm tới hơn 90%. Tập đoàn cũng có những chính sách ưu đãi đối với khách hàng như: Ưu tiên hỗ trợ không chiết khấu với các hộ kinh doanh là các hợp tác xã; ưu tiên các sản phẩm OCOP; hỗ trợ trưng bày, chăm sóc hàng hóa và các chương trình thúc đẩy bán hàng... Tương tự, trong hệ thống bán lẻ của AEON Việt Nam, hàng trong nước cũng chiếm ưu thế. Ông Bùi Trung Chính, Giám đốc thu mua ngành hàng thực phẩm khu vực miền Nam, AEON Việt Nam cho biết, hiện nay, sản phẩm tại các địa điểm kinh doanh của AEON Việt Nam chủ yếu do các DN nội địa cung cấp, trong đó hàng Việt Nam chiếm khoảng 80%. Về hình thức, chất lượng của hàng hóa Việt Nam, đại diện AEON đánh giá, trong những năm gần đây, các sản phẩm của Việt Nam đã được cải tiến hơn rất nhiều so với trước. Không chỉ được ghi nhận có chất lượng tốt, giá thành hợp lý, mẫu mã đẹp mà việc phát triển, quảng bá thương hiệu cũng được các đơn vị sản xuất quan tâm. Điều này giúp người tiêu dùng biết đến và tin tưởng sử dụng sản phẩm hơn.
Thống kê của Bộ Công Thương cho thấy, đến nay, hàng Việt Nam chiếm tỷ lệ hơn 90% trong các cơ sở phân phối của DN trong nước, còn tại các hệ thống siêu thị nước ngoài ở Việt Nam, tỷ lệ này chiếm 60-96%. Tại kênh bán lẻ truyền thống, tỷ lệ hàng Việt Nam tại chợ, cửa hàng tiện lợi chiếm từ 60% trở lên. Đặc biệt, kể từ sau dịch Covid-19 đến nay, có 76% người tiêu dùng Việt Nam lựa chọn hàng nội địa, nhất là những sản phẩm đã có thương hiệu, bảo đảm chất lượng và tốt cho sức khỏe. Để có được thành quả này, theo bà Lê Việt Nga, Phó vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước, Bộ Công Thương, các DN Việt Nam đã rất quan tâm đến vùng nguyên liệu sản xuất để bảo đảm chất lượng sản phẩm, đồng thời cải tiến mẫu mã, bao bì phù hợp với thẩm mỹ và thị hiếu của người tiêu dùng. Bên cạnh đó, nhiều nhà cung cấp cũng chú trọng về những vấn đề liên quan đến môi trường; đẩy mạnh công tác tuyên truyền nâng cao giá trị thương hiệu cũng như đưa ra các chiến dịch marketing thu hút người tiêu dùng trong nước.
Nâng cao sức cạnh tranh của doanh nghiệp
Thực tế cho thấy, với sức hấp dẫn từ thị trường gần 100 triệu dân, cùng với việc tham gia nhiều hiệp định thương mại tự do, Việt Nam đang trở thành điểm đến hấp dẫn đối với nhiều loại hàng hóa nước ngoài. Do đó, hàng hóa Việt Nam đang phải đối mặt với sự cạnh tranh hết sức gay gắt của hàng hóa nhập ngoại. Để củng cố vị thế cho hàng Việt Nam tại thị trường nội địa, nhiều chuyên gia cho rằng, thời gian tới, các DN cần nâng cao năng lực sản xuất, kinh doanh thông qua ứng dụng khoa học-công nghệ. Chủ động hợp tác, liên kết để nâng cao sức mạnh, tạo chuỗi cung ứng thông qua thúc đẩy liên kết sản xuất giữa DN, hợp tác xã và người nông dân, hộ sản xuất, từ đó hoàn thiện chuỗi giá trị từ sản xuất, canh tác, chế biến và phân phối tới người tiêu dùng, nhằm bảo đảm chất lượng sản phẩm. Chuyên gia thương mại Vũ Vinh Phú cho rằng: DN trong nước có ưu thế là am hiểu văn hóa, thị hiếu tiêu dùng của khách hàng; cơ sở sản xuất tại chỗ rất dồi dào, chi phí vận chuyển từ sản xuất đến tiêu thụ thấp; cùng với đó là sở hữu hệ thống phân phối rộng khắp. Đây là những yếu tố mà các DN Việt Nam phải tận dụng để phát triển và nâng cao năng lực cạnh tranh. Còn theo chuyên gia kinh tế Nguyễn Minh Phong, cần có chính sách khai thác hiệu quả yếu tố đặc trưng văn hóa, dân tộc, đặc sản vùng miền, tinh hoa sản phẩm của mỗi địa phương. Đây là yếu tố cốt lõi để đưa các sản phẩm, nhất là các sản phẩm miền núi, vùng sâu, vùng xa, hải đảo vào hệ thống phân phối trong và ngoài nước.
Về các giải pháp nhằm hỗ trợ DN tăng sức cạnh tranh tại thị trường nội địa, bà Lê Việt Nga cho biết, Thủ tướng Chính phủ đã ký Quyết định số 386/QĐ-TTg về việc phê duyệt Đề án phát triển thị trường trong nước gắn với Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” giai đoạn 2021-2025. Mục tiêu của đề án là giữ thị phần hàng Việt Nam có thế mạnh với tỷ lệ hơn 85% tại các kênh phân phối hiện đại và hơn 80% ở các kênh phân phối truyền thống. Thời gian tới, Bộ Công Thương tiếp tục triển khai các chương trình, đề án đang được thực hiện hiệu quả trong khuôn khổ Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” để hỗ trợ hàng Việt Nam, DN Việt Nam, như: Các chương trình phát triển thương mại miền núi, vùng sâu, vùng xa và hải đảo; chương trình xúc tiến thương mại trong nước; thúc đẩy DN Việt Nam tham gia trực tiếp các mạng phân phối nước ngoài; các hoạt động khuyến công; phát triển thương mại điện tử; tăng cường cải tiến, ứng dụng khoa học kỹ thuật, nâng cao sức cạnh tranh của hàng Việt Nam; kiểm tra, kiểm soát thị trường và bảo vệ người tiêu dùng.
VŨ DUNG/qdnd.vn
https://www.qdnd.vn/kinh-te/cac-van-de/hang-viet-nam-cung-co-vi-the-tai-san-nha-716726