Năm 2022, biến động giá nhiên liệu (than, dầu, khí) thế giới làm cho chi phí sản xuất điện và mua điện của Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) tăng rất cao, trong lúc đó thì nhu cầu điện cũng tăng trưởng cao.
Tuy nhiên, do chủ động thực hiện nhiều giải pháp, EVN vẫn bảo đảm cung cấp điện ổn định, an toàn cho sản xuất, kinh doanh, sinh hoạt của nhân dân. Bước sang năm 2023, EVN cam kết sẽ tiếp tục cung ứng đủ điện.
Triệt để tiết giảm chi phí
Năm 2022 là một năm hết sức khó khăn đối với EVN do giá nhiên liệu đầu vào sản xuất điện và tỷ giá tăng cao. Ngay từ đầu năm, EVN đã triển khai quyết liệt các biện pháp quản trị, tiết giảm chi phí. Theo đó, EVN tiết kiệm 10% chi phí thường xuyên, cắt giảm 20-30% chi phí sửa chữa lớn, thực hiện chi lương cho cán bộ, công nhân viên với 80-90% mức lương bình quân năm 2020... nhờ đó đã tiết giảm chi phí hơn 9.700 tỷ đồng. EVN cũng thực hiện các giải pháp vận hành tối ưu hệ thống điện, phát huy tối đa các nhà máy điện có chi phí thấp, giúp giảm chi phí mua điện gần 15.845 tỷ đồng.
Nhờ chủ động thực hiện các giải pháp, năm 2022, EVN đã thực hiện tốt nhiệm vụ điều phối, bảo đảm cung ứng đủ điện cho phát triển kinh tế-xã hội và đời sống nhân dân; tích cực tham gia các hoạt động hỗ trợ, an sinh xã hội. Đến cuối năm 2022, tổng công suất đặt nguồn điện toàn hệ thống đạt gần 77.800MW, tăng gần 1.400MW so với năm 2021, trong đó tổng công suất các nguồn điện năng lượng tái tạo là 20.165MW chiếm tỷ trọng 26,4%. Quy mô hệ thống điện Việt Nam đứng đầu khu vực ASEAN về công suất nguồn điện.
Công nhân Công ty Điện lực Nam Định bảo dưỡng hệ thống điện. Ảnh: PHƯƠNG ANH |
Công tác dịch vụ khách hàng tiếp tục có sự đổi mới mạnh mẽ. EVN đã ứng dụng mạnh mẽ công nghệ thông tin chuyển đổi số, đa dạng hóa các dịch vụ điện, nâng cao chất lượng phục vụ khách hàng. Đến nay, 100% dịch vụ điện được cung cấp trực tuyến ở mức độ 4; hơn 92% khách hàng thanh toán tiền điện không dùng tiền mặt; 99,91% các yêu cầu dịch vụ điện được tiếp nhận trực tuyến, tỷ lệ giao dịch ký hợp đồng mua bán điện theo phương thức điện tử đạt 99,37%.
Bên cạnh đó, dù gặp nhiều khó khăn song công tác đầu tư xây dựng của EVN cũng đã đạt được những thành tích ấn tượng. Năm 2022, EVN đã khởi công 191 công trình, hoàn thành 183 công trình lưới điện 110-500kV. Trong công tác cấp điện nông thôn miền núi, hải đảo, tính đến cuối năm 2022, số xã có điện trên cả nước đạt 100% và số hộ dân được sử dụng điện đạt 99,7%, trong đó số hộ dân nông thôn có điện đạt 99,53%.
Xem xét về giá bán lẻ điện bình quân
Những dự báo mới nhất của các tổ chức quốc tế cho thấy, khả năng giá nhiên liệu thế giới năm 2023 chưa có xu hướng giảm xuống ở mức bình quân năm 2021, do đó dự kiến năm 2023, EVN vẫn tiếp tục gặp rất nhiều khó khăn về sản xuất, kinh doanh và cân bằng tài chính. Thực tế cho thấy, năm 2022, EVN đã nỗ lực, cố gắng để cắt giảm chi phí nhưng vẫn không thể bù đắp được chi phí mua điện đầu vào do giá nhiên liệu tăng cao đột biến.
Chia sẻ rõ về điều này, ông Nguyễn Tài Anh, Phó tổng giám đốc EVN cho biết, mặc dù chi phí đầu vào tăng cao, nhưng giá bán lẻ điện không được điều chỉnh gần 4 năm và hiện thấp hơn nhiều so với chi phí giá thành sản xuất. Năm 2022, toàn Tập đoàn ước lỗ 31.360 tỷ đồng do giá nhiên liệu cho sản xuất điện, tỷ giá tăng cao. Cũng theo bà Đỗ Nguyệt Ánh, Chủ tịch Hội đồng thành viên Tổng công ty Điện lực miền Bắc (EVNNPC), ngay từ đầu năm 2022, đơn vị đã lường trước những khó khăn của năm nay, nhưng thực tế đã vượt xa dự tính, nhất là giá mua điện tăng cao. So với đơn giá trong kế hoạch EVN giao, giá mua điện đã tăng 685 đồng/kWh, tổng chi phí đơn vị phải bỏ ra để mua điện tăng thêm là 3.700 tỷ đồng.
Năm 2023 là năm có ý nghĩa quan trọng, tạo nền tảng thực hiện mục tiêu của Kế hoạch 5 năm 2021-2025, nhiệm vụ đặt ra trong năm 2023 của EVN hết sức nặng nề trong cả hai khía cạnh bảo đảm cung ứng điện và cân đối tài chính.
Năm 2023, EVN đặt ra mục tiêu tập trung mọi nỗ lực bảo đảm cung ứng điện cho phát triển kinh tế-xã hội của đất nước và đời sống nhân dân; bảo đảm tiến độ đầu tư các dự án nguồn điện và các dự án lưới điện theo đúng tiến độ được duyệt; thực hiện các nhiệm vụ được giao về xây dựng thị trường điện theo lộ trình đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt; nâng cao hiệu quả sản xuất, kinh doanh và năng suất lao động; tiếp tục đẩy nhanh chuyển đổi số trong các lĩnh vực hoạt động của tập đoàn.
Tuy nhiên, để giúp EVN vượt qua khó khăn, EVN kiến nghị Thủ tướng Chính phủ sớm xem xét, phê duyệt Quy hoạch phát triển điện lực quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2045 (Quy hoạch điện VIII); kiến nghị Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo các bộ, ngành, địa phương hỗ trợ EVN và các đơn vị giải quyết vướng mắc liên quan đến chuyển đổi mục đích sử dụng rừng và bồi thường giải phóng mặt bằng các dự án điện để thúc đẩy tiến độ các công trình điện.
Tập đoàn cũng kiến nghị Bộ Công Thương chấp thuận và điều chỉnh giá bán lẻ điện bình quân theo quy định tại Quyết định số 24/2017/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ quy định về cơ chế điều chỉnh mức giá bán lẻ điện bình quân để giảm bớt khó khăn, bảo đảm cân bằng tài chính năm 2023 và những năm tiếp theo.
Liên quan tới việc điều chỉnh giá bán lẻ điện bình quân, Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải cho hay, Chính phủ đã giao Bộ Công Thương phối hợp với các bộ, ngành liên quan nghiên cứu, xử lý phương án đề xuất của EVN theo đúng quy định tại Quyết định số 24/2017/QĐ-TTg. Song, việc này cần cân nhắc kỹ lưỡng và báo cáo các cấp có thẩm quyền theo đúng quy định.
Vũ Dung/qdnd.vn