Nhờ các chính sách hỗ trợ của Nhà nước, nhiều hợp tác xã (HTX) nông nghiệp trên địa bàn tỉnh đã vượt qua khó khăn, vươn lên phát triển. Một mùa xuân mới đang đến, mùa khởi đầu cho một năm mà các HTX nông nghiệp đặt niềm tin, kỳ vọng vào những thành công, thắng lợi mới.
Tính đến hết năm 2022, trên địa bàn tỉnh có 325 HTX nông nghiệp đăng ký hoạt động. So với những HTX ở các lĩnh vực khác, HTX hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp có quy mô nhỏ hơn, gặp nhiều khó khăn hơn như thiếu vốn, chất lượng nguồn nhân lực còn thấp, thị trường tiêu thụ nhỏ, hẹp… Đặc biệt, những năm gần đây, tình hình thiên tai, dịch bệnh trên địa bàn tỉnh diễn biến phức tạp khiến cho nhiều HTX nông nghiệp trên địa bàn tỉnh càng khó khăn hơn.
Trước bối cảnh đó, các cấp, ngành liên quan trên địa bàn tỉnh đã triển khai nhiều giải pháp để từng bước tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho các HTX. Điển hình như hỗ trợ các HTX nâng cao chất lượng nguồn nhân lực.
Kiểm tra sinh trưởng đàn thỏ tại HTX chăn nuôi thỏ Ngọc Thạch, huyện Chi Lăng
Trên thực tế, chất lượng nguồn nhân lực của HTX nông nghiệp còn nhiều hạn chế, số cán bộ có trình độ từ cao đẳng, đại học trở lên rất ít. Để nâng cao chất lượng nguồn nhân lực có trình độ cao cho HTX, năm 2022, UBND tỉnh tiếp tục hỗ trợ 9 trí thức trẻ về làm việc tại các HTX nông nghiệp. Lũy kế từ năm 2018 đến nay, trên địa bàn tỉnh có 30 lượt trí thức trẻ về làm việc tại 29 HTX nông nghiệp. Từ nguồn nhân lực có trình độ được bổ sung đã góp phần nâng cao hiệu quả hoạt động của nhiều HTX trên địa bàn.
Anh Vương Văn Ban, Giám đốc HTX Ngọc Lan, xã Kiên Mộc, huyện Đình Lập cho biết: HTX được thành lập năm 2018 với 8 thành viên hoạt động chủ yếu trong lĩnh vực chăn nuôi. Tháng 4/2022, HTX được hỗ trợ trí thức trẻ về làm việc. Từ khi có trí thức trẻ về làm việc đã hỗ trợ cho HTX công việc kế toán của đơn vị. Đồng thời, do có trình độ chuyên môn cũng như nhiệt huyết của sức trẻ nên trí thức trẻ đã hỗ trợ thêm cho HTX khâu chăm sóc, phòng, chống dịch bệnh hiệu quả cho đàn vật nuôi. Hiện nay, HTX duy trì 130 con bò gồm cả bò thịt và bò sinh sản; gần 1000 con gà, vịt. Hiện đàn bò đang sinh trưởng và phát triển tốt và dự kiến sẽ được bán vào năm sau.
Cùng với việc đưa trí thức trẻ về làm việc tại HTX, để nâng cao chất lượng nguồn nhân lực cho các HTX, công tác đào tạo, tập huấn được các cơ quan liên quan tập trung triển khai thực hiện. Ông Liễu Xuân Du, Chủ tịch Liên minh HTX tỉnh cho biết: Năm 2022, Liên minh HTX tỉnh đã tổ chức 9 lớp tập huấn, bồi dưỡng với 650 lượt người là cán bộ HTX tham dự. Bên cạnh đó, các cơ quan liên quan đã tổ chức 6 lớp tập huấn với các nội dung liên quan đến quản lý, điều hành HTX.
Không chỉ tập trung nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, năm 2022, các cấp, ngành liên quan trên địa bàn đã triển khai các chính sách hỗ trợ khác cho HTX như: hỗ trợ 23 HTX vay vốn tại các ngân hàng thương mại với dư nợ gần 90 tỷ đồng; 6 HTX được vay vốn hỗ trợ lãi suất tín dụng; hỗ trợ thành lập mới 22 HTX với kinh phí 440 triệu đồng; hỗ trợ phát triển thương hiệu, mở rộng thị trường cho 16 trường hợp với kinh phí gần 500 triệu đồng; hỗ trợ bao bì, nhãn mác, tổ chức sản xuất theo tiêu chuẩn an toàn, hỗ trợ trang thiết bị sản xuất, bảo quản, chế biến cho 6 HTX…
Từ các chính sách hỗ trợ nêu trên đã góp phần quan trọng giúp nhiều HTX nông nghiệp có cơ hội mở rộng sản xuất, kinh doanh. Bà Chu Thị Mai, Giám đốc HTX Văn Quan Xanh, thị trấn Văn Quan, huyện Văn Quan cho biết: HTX được thành lập năm 2016 với hoạt động chủ yếu trong lĩnh vực ươm cây giống. Khoảng 2 năm trở lại đây, HTX tìm hiểu và mở rộng thêm mô hình sản xuất dầu sở. Để hỗ trợ HTX phát triển sản phẩm mới này, năm 2022, các cơ quan liên quan đã hỗ trợ HTX gần 40 triệu đồng để xây dựng nhãn hiệu dầu sở của HTX (tháng 12/2022, sản phẩm của HTX đã được cấp nhãn hiệu). Đây là tiền đề quan trọng để HTX đầu tư mở rộng sản xuất, tiêu thụ sản phẩm trong thời gian tới.
Cùng với chính sách hỗ trợ HTX được tập trung triển khai thực hiện, năm 2022, các cấp, ngành liên quan còn triển khai nhiều giải pháp để hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn cho HTX. Bà Phùng Thị Thanh Nga, Phó Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư cho biết: Năm 2022 là năm đầu tiên, đơn vị tham mưu cho UBND tỉnh tổ chức gặp mặt các doanh nghiệp, HTX, hộ kinh doanh trực tiếp tại địa bàn các huyện, thành phố (bình quân 150 đơn vị/cuộc). Thông qua hình thức gặp mặt như vậy giúp nhiều HTX, trong đó đa số là các HTX nông nghiệp nêu lên các khó khăn, vướng mắc và được trực tiếp lãnh đạo UBND tỉnh cùng các sở, ngành liên quan giải đáp, gợi mở hướng giải quyết phù hợp, hiệu quả.
Sự quan tâm sát sao của các cấp, ngành, những chính sách hỗ trợ của Nhà nước phù hợp cộng với sự nỗ lực vượt khó vươn lên của các HTX đã giúp nhiều HTX nông nghiệp trên địa bàn tỉnh vẫn vượt khó vươn lên phát triển. Theo đó hết năm 2022, trên địa bàn tỉnh có 36 HTX nông nghiệp hoạt động khá, tốt, tăng 8 HTX so với năm 2021; 169 HTX hoạt động trung bình, tăng 35 HTX so với năm 2021, còn lại là các HTX hoạt động yếu và chưa đủ điều kiện xếp loại. Doanh thu bình quân của 1 HTX nông nghiệp trung bình đạt khoảng 500 triệu đồng/năm; thu nhập bình quân người lao động đạt 3,5-4 triệu đồng/người/tháng.
Mặc dù phải đối diện với nhiều khó khăn, thách thức, song năm 2022, từ những chính sách hỗ trợ HTX của Nhà nước đã tạo động lực, đòn bẩy để thúc đẩy các HTX nông nghiệp vượt khó vươn lên.
Hy vọng những kết quả đạt được trong năm 2022 sẽ trở thành tiền đề quan trọng để các HTX nông nghiệp có những bước tiến mạnh mẽ hơn nữa trong những năm tiếp theo.
Ông Lý Việt Hưng, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn
“Bên cạnh một số HTX nông nghiệp hoạt động khá, tốt thì nhiều HTX nông nghiệp trên địa bàn tỉnh có quy mô nhỏ, lẻ, thiếu phương án sản xuất kinh doanh phù hợp, khả năng liên kết còn hạn chế, thiếu vốn… dẫn tới tỷ lệ HTX hoạt động trung bình, yếu kém còn cao. Trước thực tế đó, năm 2022, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã chỉ đạo các cơ quan chuyên môn trực thuộc sở phối hợp với các cơ quan liên quan đẩy mạnh công tác tuyên truyền, đào tạo, tập huấn nâng cao trình độ, khả năng quản trị, điều hành cho cán bộ, lãnh đạo HTX (năm 2022 tổ chức 3 lớp tập huấn, bồi dưỡng kỹ năng quản trị cho đại diện các HTX; 1 lớp tập huấn cho 30 cán bộ làm công tác quản lý nhà nước về kinh tế tập thể). Cùng với đó, đơn vị cũng phối hợp với các cơ quan liên quan đưa các chính sách hỗ trợ đến với các HTX nông nghiệp như đưa trí thức trẻ về làm việc tại HTX; hỗ trợ xúc tiến thương mại; hỗ trợ chủ thể sản phẩm OCOP… Đặc biệt năm 2022, đơn vị tổ chức hội nghị đối thoại với các doanh nghiệp, HTX trong lĩnh vực nông nghiệp. Từ đó, kịp thời nắm bắt khó khăn, vướng mắc của doanh nghiệp, HTX để phối hợp đưa ra các giải pháp tháo gỡ hiệu quả”.
Ông Phùng Văn Nghĩa, Phó Chủ tịch UBND huyện Chi Lăng
“Tính đến hết năm 2022, trên địa bàn huyện có 39 HTX nông nghiệp với 533 thành viên, tổng vốn điều lệ gần 82 tỷ đồng. Để các chính sách hỗ trợ đến được với các HTX, UBND huyện đã chỉ đạo các phòng, ban chuyên môn phối hợp chặt chẽ với UBND các xã, thị trấn trong việc tuyên truyền chính sách, hướng dẫn trình tự, thủ tục. Qua đó, nhiều HTX nông nghiệp trên địa bàn huyện đã tiếp cận được các chính sách hỗ trợ. Cụ thể năm 2022, huyện đã triển khai hỗ trợ 19 lượt HTX với tổng kinh phí 405 triệu đồng. Trong đó, hỗ trợ 5 HTX thành lập mới với kinh phí 100 triệu đồng; hỗ trợ 2 trí thức trẻ về làm việc tại HTX với kinh phí 110 triệu đồng; hỗ trợ 4 HTX trưng bày sản phẩm tại hội chợ với kinh phí 80 triệu đồng… Từ các chính sách hỗ trợ của Nhà nước đã giúp các HTX nông nghiệp có điều kiện nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, phát triển thương hiệu, mở rộng thị trường, phát triển các sản phẩm OCOP. Ngoài ra, UBND huyện còn hỗ trợ triển khai thực hiện đề án lựa chọn, hoàn thiện, nhân rộng mô hình HTX kiểu mới hiệu quả trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2021-2025. Hiện nay, trên địa bàn huyện có một số HTX nông nghiệp hoạt động khá, tốt như: HTX Nông sản Chi Lăng; HTX Chăn nuôi thỏ Ngọc Thạch; HTX Thương mại dịch vụ nông lâm nghiệp Quang Huy; HTX Chế biến nông sản Lụa Vy…”
TÂN AN