Từ một loại nông sản đặc trưng miền núi, đến nay, thương hiệu mật ong Tam Đảo Honeco đã định danh ở thị trường nước ngoài với thương hiệu của doanh nghiệp, thương hiệu Việt Nam.
Trang trại nuôi ong đạt chuẩn của Honeco.
Hành trình tạo nên mật ong chất lượng cao thương hiệu Việt
Chúng tôi đến với đất trời Tam Đảo vào một ngày cuối năm. Giữa đất trời mờ sương của buổi sáng đầu đông, giữa núi đồi và hoa trái, dưới ánh sáng vàng óng xuyên qua kẽ lá, trong tiếng vo ve đập cánh của từng đàn ong mật, mùi thơm và vị đặc sánh ngọt ngào của thứ mật ong tinh khiết khiến chúng tôi cảm nhận được rõ rệt hơn bao giờ hết sự thơm thảo từ thức quà tự nhiên của đất trời.
Chưa hết, sự tinh túy và quý giá của mật ong còn được nâng lên một bậc khi kết hợp với quất, nghệ, đông trùng hạ thảo, trở thành thứ đồ uống cao cấp và đặc biệt tốt cho sức khỏe.
Tại showroom rộng rãi, khang trang nằm ngay bên cạnh trụ sở công ty, trên trục đường chính sầm uất của Vĩnh Phúc, bà Lê Thị Nga, Tổng Giám đốc Công ty CP Ong Tam Đảo nhớ lại những ngày đầu đầy vất vả khi gắn bó với ngành ong.
Bà kể, từ khi về làm dâu, bà đã theo nghề nuôi ong của gia đình chồng như một cơ duyên. Tròn 20 năm trước, khi bước sang tuổi 31, bà quyết định từ bỏ công việc một nhà giáo sinh hóa, dồn hết tâm huyết và kinh nghiệm cùng chồng bắt tay gây dựng cơ sở sản xuất kinh doanh chế biến mật ong với cái tên Công ty TNHH Ong Tam Đảo (Honeco).
Ban đầu, quy mô công ty khá nhỏ, chỉ khoảng 100 - 200 đàn ong nội, các sản phẩm chủ yếu là dòng mật ong nguyên chất đơn thuần được khai thác tại địa phương, đóng chai đơn giản.
Quy mô nhỏ nhưng không có nghĩa là manh mún, ngay từ đầu, bà đã xác định thương hiệu Honeco nhất định phải là lời khẳng định cho sản phẩm chất lượng cao, chính vì đó, từ khâu nuôi ong đến chế biến, sản xuất đều phải đạt chuẩn.
“Nghề nuôi ong là nghề du mục, gần như di chuyển quanh năm, mỗi một nơi có thể chỉ nán lại khoảng từ 1-1,5 tháng cho một nguồn hoa. Việc quản lý các trang trại cũng là điều rất là khó khăn. Do đó, Honeco đã tập trung cho xây dựng quy trình, thường xuyên tập huấn cho các trang trại liên kết của mình để họ theo quy trình của nhà máy đưa ra”, bà Nga chia sẻ.
Theo đó, thứ nhất là thời gian khai thác phải đủ “chín” và thứ hai là nuôi ong theo phương pháp sinh học, không sử dụng đến kháng sinh trong quá trình chăn nuôi, không sử dụng đường sắt ca rô cho ong ăn trong quá trình khai thác. Trong các nhóm trang trại, Honeco sẽ lựa chọn những trang trại nào có kinh nghiệm và có uy tín nhất để kiểm soát một nhóm trang trại. Khi cán bộ kỹ thuật của Honeco không đến được, chính những người đó sẽ kiểm soát cho những trang trại chung quanh.
Bên cạnh đó, 100% nguyên liệu đầu vào nhà máy đều được công ty lấy mẫu và kiểm tra. Hiện nay, Honeco đang xây dựng phòng thí nghiệm đạt chuẩn để kiểm soát nguyên liệu đầu vào, đồng thời kiểm soát chất lượng sản phẩm trong quá trình chế biến.
Có được mật ong đạt chuẩn, bà lại tìm cách kết hợp với các thực phẩm cao cấp khác để cho ra mắt thị trường những sản phẩm tiện dụng nhất. Rồi mật ong quất gừng, mật ong nghệ, mật ong sữa ong chúa, mật ong đông trùng hạ thảo… được đóng chai hoặc đóng gói hiện đại ra đời, được chào đón tại các chuỗi cửa hàng thực phẩm sạch, siêu thị CoopMart… trên cả nước. Thời gian dịch Covid-19 bùng phát, các sản phẩm Honeco “cháy hàng” liên tục.
Quyết đưa sản phẩm ra thế giới
Nói về câu chuyện xuất khẩu, bà Nga chia sẻ, một lần tại lớp học quản trị kinh doanh cao cấp do các chuyên gia cao cấp của Nhật Bản giảng dạy, bà mang tới lớp một hũ mật ong Honeco nhờ chuyên gia cao cấp góp ý. Lúc ấy, thầy nói, mật ong Việt Nam không có tên trên bản đồ mật ong thế giới!
Câu nói ấy khiến bà ám ảnh, trăn trở rằng tại sao một đất nước nông nghiệp với số lượng người nuôi ong rất lớn, sản lượng mật ong Việt Nam xuất khẩu đi các nước cũng nằm trong tốp đầu thế giới, lại không hề có tên trên bản đồ mật ong thế giới?
Coi việc đưa mật ong Việt ra thế giới, ghi dấu trên “bản đồ” quốc tế là sứ mệnh, bà Nga quyết tâm bằng mọi cách xây dựng thương hiệu mật ong Việt Nam đủ mạnh trên thị trường. Và việc đó chỉ làm được nếu xuất khẩu đến được các thị trường khó tính hàng đầu thế giới.
Nghĩ là làm, Honeco quyết tâm chinh phục thị trường nước bạn bằng việc cải tiến quy trình để ra được những dòng sản phẩm tốt nhất. Đồng thời, làm truyền thông bằng những câu chuyện về quy trình, chất lượng sản phẩm để người tiêu dùng biết đến và quảng bá thông qua kênh xúc tiến thương mại của Bộ Công thương. Đích hướng đến là những thị trường rất khó tính như Mỹ, châu Âu, Hàn Quốc, Singapore và Dubai…
Honeco đầu tư công nghệ hiện đại để sản xuất sản phẩm. |
Không phụ công bao nhiêu cố gắng, đến năm 2019, Mật ong Tam Đảo Honeco có đơn hàng xuất khẩu đi Mỹ đầu tiên và sau đó là rất nhiều thị trường khác. Trong bối cảnh đa số mật ong Việt Nam xuất khẩu vẫn ở dưới dạng nguyên liệu thô thì những sản phẩm mật ong chế biến của Honeco mang thương hiệu Việt Nam đang từng bước được ghi nhận tại một số quốc gia như Đức, Singapore, Hàn Quốc, Dubai… Đó là một điều đáng được ghi nhận sau rất nhiều nỗ lực.
Khi những sản phẩm với màu vàng nâu đặc trưng của thương hiệu Honeco được đưa vào hộp, xếp lên thùng, theo những container rời bến, người phụ nữ trầm tính và điềm đạm ấy đã rơi nước mắt. Rồi đây, trên những kệ siêu thị nước ngoài, thương hiệu Honeco sẽ được đưa đến tận tay người tiêu dùng nước ngoài,định danh một cách hoàn hảo không chỉ thương hiệu của doanh nghiệp, mà còn là thương hiệu của mật ong từ núi đồi Tam Đảo, mang thương hiệu của Việt Nam. Đây cũng là mục tiêu mà hoạt động xuất nhập khẩu luôn hướng tới - đưa sản phẩm ra nước ngoài bằng chính thương hiệu Việt.
Đáng chú ý, hiện nay, toàn bộ các sản phẩm được Honeco sản xuất, chế biến và phân phối trên thị trường cũng như xuất khẩu… đều do bà Nga cùng đồng sự dày công nghiên cứu, dành nhiều tâm huyết để có được quy trình sản xuất, công thức tối ưu và giải pháp kỹ thuật hoàn hảo. Tựu chung lại, đây là một sản phẩm Tinh hoa hàng Việt Nam đúng nghĩa - kết tinh từ đất lành và hoàn thiện nhờ chính bàn tay, khối óc và tình yêu vô bờ của người Việt Nam với những tinh hoa từ đất mẹ.
Theo nhandan.vn