“Vua nha đam” và khát vọng nâng tầm nông sản Việt

Thứ 7, 28.01.2023 | 00:00:00
913 lượt xem

Chọn cây nha đam ngay từ ngày đầu khởi nghiệp, ông Nguyễn Văn Thứ đã trở thành “vua nha đam” Việt trong hành trình đưa sản phẩm đi khắp thế giới

Ông Nguyễn Văn Thứ hiện là Chủ tịch HĐQT Công ty CP thực phẩm G.C (mã chứng khoán GCF, mới lên sàn Upcom cuối năm 2022 với 26 triệu cổ phiếu). Ông Thứ đang nắm giữ 10,4 triệu cổ phiếu GCF, chiếm tỉ lệ 40% vốn điều lệ, trị giá hơn 162 tỉ đồng.

Khẳng định vị thế

GCF đang sở hữu nhà máy chế biến nha đam Vietfarm (Ninh Thuận) quy mô hàng đầu cả nước với công suất 35.000 tấn lá tươi/năm, tương đương 15.000 tấn thành phẩm. Vì vậy, ông Thứ còn biết đến với danh xưng "vua nha đam" Việt.

Các sản phẩm chế biến từ nha đam của GCF đã xuất khẩu sang 20 thị trường, trong đó có những nơi khó tính như Nhật Bản, Hàn Quốc, châu Âu, Mỹ…; cung cấp nguyên liệu cho nhiều nhà máy thực phẩm lớn trong nước để chế biến các món: sữa chua nha đam, nước nha đam… và đẩy mạnh bán lẻ qua nhiều hệ thống phân phối.

Trò chuyện với phóng viên, ông Thứ không giấu được niềm tự hào khi kể về những ngày đầu khởi nghiệp với cây nha đam.

Ông Thứ cho biết trước khi khởi nghiệp, ông đã có 10 năm công tác trong lĩnh vực ngân hàng và một thời gian ngắn làm trợ lý giám đốc ở một công ty Hàn Quốc tại Việt Nam chuyên về chế biến nông sản thực phẩm. Vì vậy, ông đã tích lũy được không ít kiến thức và kinh nghiệm.

Ông Thứ chính thức "ra riêng" vào năm 2011 khi thành lập Công ty TNHH Thực phẩm G.C (tại Đồng Nai, sau này là GCF). Chỉ một năm sau, G.C đã trở thành công ty chế biến và cung cấp nguyên liệu nha đam lớn tại thời điểm đó với sản lượng 2.000 tấn thành phẩm/năm.

“Vua nha đam” và khát vọng nâng tầm nông sản Việt - Ảnh 1.

Chế biến nha đam tại GCF

"Tôi chọn nha đam để khởi nghiệp bởi đây là một loài cây lành tính, tốt cho sức khỏe, có vùng trồng phù hợp (tỉnh Ninh Thuận), thị trường trong và ngoài nước đều có nhu cầu cao. Khi đó, cây nha đam đã được nông dân Ninh Thuận trồng và bán cho thương lái nhưng còn tự phát, thiếu ổn định. GCF là doanh nghiệp tiên phong trong việc sản xuất, kinh doanh nha đam một cách quy mô, bài bản, giúp hồi sinh vùng trồng nha đam nhờ việc nâng giá trị từ chế biến sâu và đưa sản phẩm xuất khẩu" - ông Thứ nhớ lại.

“Vua nha đam” và khát vọng nâng tầm nông sản Việt - Ảnh 2.

Sau 12 năm khởi nghiệp, "vua nha đam" đã tăng quy mô vốn của công ty lên 130 lần

Đến nay, tại vùng đất Ninh Thuận, nha đam vẫn là cây trồng hiệu quả với lợi nhuận bình quân 300 triệu đồng/ha. Thông thường, mỗi hộ nông dân có diện tích canh tác 2.000 – 5.000 m2, tương đương khoản lợi nhuận 60 – 150 triệu đồng/năm - mức thu nhập tốt tại địa phương.

Từ vị thế là doanh nghiệp hàng đầu về nha đam, GCF được khách hàng Nhật Bản tin tưởng đặt vấn đề mua sản phẩm thạch dừa, cử chuyên gia sang công ty tư vấn sản xuất ngay từ đầu. Năm 2016, GCF mở thêm nhà máy Vinacoco (Đồng Nai) chuyên chế biến thạch dừa chất lượng cao với công suất khoảng 12.000 tấn thành phẩm/năm – trở thành sản phẩm chủ lực thứ 2 của GCF. Thạch dừa của GCF đã có sản phẩm đóng gói ăn ngay bán trên các kệ hàng siêu thị nước ngoài.

Theo doanh nhân quê gốc Nam Định, bí quyết để duy trì vị thế trong ngành nha đam là nhờ công ty đã đầu tư bài bản vào vùng nguyên liệu từ cây giống cấy mô, quy trình chăm sóc, thu hoạch cũng như chế biến. Về thị trường, GCF luôn giữ uy tín với đối tác, khách hàng... nên luôn có nhiều đầu ra, đảm bảo cho việc ổn định đầu vào của vùng nguyên liệu.

“Vua nha đam” và khát vọng nâng tầm nông sản Việt - Ảnh 3.

Khách hàng quốc tế tham quan gian hàng của GCF tại hội chợ thực phẩm quốc tế tại TP HCM cuối năm 2022

Ưu tiên hàng đầu là hiệu quả

Khởi đầu là một doanh nghiệp có vốn điều lệ chỉ 2 tỉ đồng với 50 nhân sự, sau 12 năm, GCF có vốn điều lệ 260 tỉ đồng với 1.000 người lao động.

Danh mục đầu tư của GCF hiện đã mở rộng từ trồng trọt (nha đam và các loại trái cây như dưa lưới, táo, nho, ổi…) đến chăn nuôi (cừu, bò, chim yến) và chế biến (nha đam, thạch dừa, yến sào…) nhờ lợi thế về quỹ đất rộng đến 150 ha để áp dụng mô hình kinh tế tuần hoàn. Nhờ vậy, công ty có thể hướng đến mục tiêu sản xuất được sản phẩm sạch – ngon – giá cạnh tranh nhờ việc tận dụng tối đa phụ phẩm của ngành này để làm nguyên liệu cho ngành kia, giúp hạ giá thành lại góp phần bảo vệ môi thường.

"Năm 2023, GCF không mở rộng đầu tư nữa mà ưu tiên đưa ra các sản phẩm mới có biên độ lợi nhuận tốt hơn và sử dụng nguồn lực hiện có hiệu quả hơn để tăng thu nhập cho người lao động, cải thiện đời sống của nông dân trong vùng nguyên liệu." – ông Thứ nhấn mạnh.

Theo báo cáo của Grand View Research (công ty tư vấn và nghiên cứu thị trường có trụ sở chính ở Mỹ), tốc độ tăng trưởng của thị trường nha đam trên thế giới giai đoạn 2019 – 2025 bình quân 7,6%/năm, đạt giá trị 2,67 tỉ USD vào năm 2025. Sự tăng trưởng này nhờ nha đam là loại cây tốt cho sức khỏe và ứng dụng trong nhiều ngành: thực phẩm, mỹ phẩm, thuốc…; được người tiêu dùng trên khắp thế giới biết đến.

“Vua nha đam” và khát vọng nâng tầm nông sản Việt - Ảnh 4.

Doanh nhân Nguyễn Văn Thứ tự tin với khả năng cạnh tranh của nha đam Việt Nam trên thị trường quốc tế

"Trên thị trường quốc tế, nha đam và thạch dừa Việt Nam chủ yếu cạnh tranh với Thái Lan. Tại thị trường truyền thống là Hàn Quốc và Nhật Bản, thị phần nhóm sản phẩm này của Việt Nam chỉ mới chiếm 10% nên cơ hội mở rộng còn rất lớn khi có lợi thế về giá thành nhờ chi phí nhân công rẻ và đặc biệt là lợi thế về thuế suất ưu đãi. Chất lượng không thua kém mà giá bán lại thấp hơn. Ngoài ra, GCF có định hướng mở rộng thêm thị trường: Trung Đông, Trung Quốc và châu Âu nên kỳ vọng tiếp tục có sự tăng trưởng vượt bậc về doanh thu và lợi nhuận" - ông Thứ tự tin.

Theo ông Thứ, trình độ sản xuất, chế biến nông sản thực phẩm của Việt Nam đã nâng cao đáng kể trong 10 năm qua. Nếu như trước đây, các nhà nhập khẩu chủ yếu tìm đến Việt Nam để mua nguyên liệu thì nay đã mua thành phẩm. Uy tín của nông sản Việt tăng lên, mở ra cơ hội rất lớn cho các doanh nghiệp như GCF.

“Vua nha đam” và khát vọng nâng tầm nông sản Việt - Ảnh 5.

Thạch dừa cũng là sản phẩm chủ lực của GCF

Dù là doanh nghiệp có doanh thu lớn, đầu tư bài bản nhưng GCF vẫn gặp phải những khó khăn chung của ngành nông nghiệp là phụ thuộc nhiều vào thiên nhiên.

"Nguyên liệu chiếm phần lớn trong chi phí sản xuất nhưng giá cả biến động do phụ thuộc vào thời tiết khô hạn hay nhiễm mặn. Những năm mất mùa, giá thu mua nguyên liệu tăng 50-60% trong khi không thể tăng giá bán thành phẩm khiến lợi nhuận bị giảm nhiều. Khi công ty tham gia trồng trọt vẫn gặp cảnh mất mùa do lỗi chủ quan. Thời gian tới, GCF vẫn tiếp tục hoàn thiện quy trình trồng trọt, chăn nuôi để có thể khai thác được hết lợi thế về quỹ đất hiện có" - ông Thứ cho hay.


Theo nld.com.vn

https://nld.com.vn/kinh-te/vua-nha-dam-va-khat-vong-nang-tam-nong-san-viet-20230128121651522.htm

  • Từ khóa