Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên nhấn mạnh đến việc thực hiện phương châm giữ vững thị trường truyền thống song song với phát triển các thị trường mới, mặt hàng mới để hàng Việt Nam có thể vươn xa hơn đến người tiêu dùng trong phạm vi toàn thế giới.
Ngày 31-1, Bộ Công Thương chủ trì, phối hợp tổ chức “Hội nghị giao ban xúc tiến thương mại với hệ thống Thương vụ Việt Nam ở nước ngoài tháng 1-2023”.
Đây là hội nghị đầu tiên trong năm 2023 thuộc chuỗi chương trình “Hội nghị giao ban xúc tiến thương mại với hệ thống Thương vụ Việt Nam ở nước ngoài” được Bộ Công Thương thực hiện định kỳ hằng tháng kể từ tháng 7-2022. Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên chủ trì hội nghị.
Hội nghị có sự tham gia của đại diện Thương vụ Việt Nam tại nước ngoài ở một số thị trường, đại diện các hiệp hội ngành hàng trong nước.
Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên chủ trì hội nghị. |
Xuất khẩu năm 2022 của Việt Nam tiếp tục vượt khó khăn, duy trì tăng trưởng cao
Phát biểu tại hội nghị, ông Vũ Bá Phú, Cục trưởng Cục Xúc tiến thương mại (Bộ Công Thương) cho biết: Trong bối cảnh kinh tế thế giới suy giảm, tăng trưởng xuất khẩu của nhiều nền kinh tế sụt giảm, thì xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam tiếp tục vượt qua khó khăn và duy trì được mức tăng trưởng cao.
Sau hơn 2 năm đầy khó khăn bởi dịch Covid-19, tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu hàng hóa cả năm 2022 về đích với con số kỷ lục khoảng 732 tỷ USD, tăng khoảng 10% so với năm 2021.
Cơ cấu hàng hóa xuất khẩu trong năm 2022 tiếp tục cải thiện theo chiều hướng tích cực, giảm hàm lượng xuất khẩu thô, tăng xuất khẩu sản phẩm chế biến, sản phẩm công nghiệp, tạo điều kiện cho hàng hóa Việt Nam tham gia sâu hơn vào chuỗi sản xuất và cung ứng toàn cầu.
Cán cân thương mại tiếp tục ghi nhận xuất siêu năm thứ 7 liên tiếp với thặng dư gần 11 tỷ USD, góp phần tích cực cho cán cân thanh toán, giúp nâng cao dự trữ ngoại hối, ổn định tỷ giá và các chỉ số kinh tế vĩ mô khác của nền kinh tế...
Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên phát biểu tại hội nghị. |
Để hàng Việt vươn xa hơn
Phát biểu tại hội nghị, Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên nhấn mạnh, để vượt qua những khó khăn, thách thức và phát huy được những thành tựu, kinh nghiệm đã đạt được trong những năm qua, năm 2023, các cơ quan chức năng, các thương vụ Việt Nam tại nước ngoài cũng như các hiệp hội ngành hàng, các doanh nghiệp xuất nhập khẩu lớn cần có chương trình hành động cụ thể, phù hợp cho từng nhiệm vụ, mục tiêu đã đề ra.
Quang cảnh hội nghị. |
Theo đó, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên đặc biệt nhấn mạnh đến việc thực hiện phương châm giữ vững thị trường truyền thống song song với phát triển các thị trường mới, nhất là thị trường tiềm năng, như Tây Á, Nam Á, châu Phi và Mỹ La tinh. Song song với đó là phát triển nhiều mặt hàng mới để hàng Việt Nam có thể vươn xa hơn đến người tiêu dùng trong phạm vi toàn thế giới.
Cùng với đó, cần chủ động nắm bắt các chủ trương, chính sách mới của các nước sở tại, nhất là những rào cản kỹ thuật mới, để kịp thời tham mưu những chính sách hợp lý, bảo đảm lợi ích của quốc gia, dân tộc, lợi ích của các doanh nghiệp.
Đồng thời, cũng cần chú ý phổ biến, lan tỏa các chủ trương, chính sách cởi mở của Đảng và Nhà nước ta trong đầu tư và thu hút đầu tư, nhất là những ngành, lĩnh vực có tính chất nền tảng như công nghiệp vật liệu, công nghiệp hỗ trợ, công nghiệp chế tạo, chế biến điện tử, hóa chất và năng lượng.
Đặc biệt, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên lưu ý đến việc tiếp tục làm tốt công tác thu thập thông tin, kết nối thị trường, kết nối cung cầu hàng hóa giữa ta và các châu lục, các quốc gia, giữa các doanh nghiệp, từ đó giúp doanh nghiệp trong nước có những điều chỉnh kịp thời chiến lược cũng như các kế hoạch sản xuất kinh doanh cho phù hợp với nhu cầu của thị trường.
"Một số ý kiến trong hội nghị hôm nay nhắc nhở chúng ta một điều rằng, chúng ta có rất nhiều sản phẩm được làm ra, nhưng những sản phẩm ấy có được thị trường trong nước hoặc nước ngoài đón nhận hay không? Rõ ràng, đã đến lúc chúng ta phải thay đổi phương thức, quan điểm, chủ trương tổ chức sản xuất phải theo tín hiệu thị trường. Tất cả những sản phẩm chúng ta làm ra đều phải có địa chỉ, đều phải đáp ứng được các tiêu chuẩn, tiêu chí và điều kiện của thị trường nhất định nào đó. Việc sản xuất theo tập quán, thói quen để sau đó kêu gọi "giải cứu" không còn phù hợp trong điều kiện thực tế hiện nay nữa", Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên nhấn mạnh.
THẢO NGUYÊN