Những năm qua, kinh tế tập thể, kinh tế hợp tác (KTTT, KTHT) đã có bước phát triển, đóng góp tích cực cho nền kinh tế đất nước. Tuy nhiên, KTTT, nòng cốt là các hợp tác xã (HTX) vẫn chưa phát triển tương xứng với tiềm năng, kỳ vọng. Nghị quyết số 20-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII về tiếp tục đổi mới, phát triển và nâng cao hiệu quả KTTT trong giai đoạn mới (Nghị quyết 20) đã đặt ra những mục tiêu, phương hướng, nhiệm vụ phát triển KTTT, KTHT. Ông Nguyễn Ngọc Bảo, Chủ tịch Liên
Phóng viên (PV): Để đạt được mục tiêu của Nghị quyết số 20-NQ/TW về tiếp tục đổi mới, phát triển và nâng cao hiệu quả KTTT trong giai đoạn mới, theo ông, chúng ta cần thực hiện những nhiệm vụ, giải pháp gì?
Ông Nguyễn Ngọc Bảo, Chủ tịch Liên minh Hợp tác xã Việt Nam. Ảnh: NGUYỄN KIỂM |
Ông Nguyễn Ngọc Bảo: Nghị quyết 20 đề ra 5 nhóm nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu gồm: Nhận thức đúng, đầy đủ về bản chất, vị trí, vai trò và tầm quan trọng của KTTT trong nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa; Tiếp tục đổi mới, hoàn thiện cơ chế, chính sách khuyến khích, hỗ trợ phát triển KTTT; Ðổi mới, nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của các tổ chức KTTT; Nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước đối với KTTT; Tăng cường sự lãnh đạo của Ðảng, phát huy vai trò của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các tổ chức chính trị-xã hội, xã hội-nghề nghiệp và Liên minh HTX Việt Nam đối với phát triển KTTT. Nghị quyết này có nhiều điểm mới nhưng để đưa nghị quyết vào cuộc sống thì giải pháp lớn nhất và hàng đầu hiện nay chính là công tác tuyên truyền để nâng cao nhận thức của xã hội, của cả hệ thống chính trị về bản chất, vai trò của KTTT, KTHT. Hai lĩnh vực này đã được khẳng định trong nghị quyết là cùng với kinh tế nhà nước dần trở thành nền tảng của nền kinh tế quốc dân và làm phương thức góp phần khắc phục mặt trái của nền kinh tế thị trường, góp phần thực hiện mục tiêu dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh, đưa đất nước ta phát triển trong giai đoạn tới. Bên cạnh đó, những chính sách hỗ trợ của Nhà nước, nâng cao năng lực quản trị của HTX để huy động các nguồn lực phát triển, trong đó có nguồn lực của thị trường. Và vai trò của hệ thống Liên minh HTX Việt Nam trong thực hiện chức năng đại diện, bảo vệ quyền lợi của thành viên cũng như thực hiện các nhiệm vụ ủy thác được Đảng, Nhà nước giao.
PV: Luật HTX đang được lấy ý kiến rộng rãi trong nhân dân để trình Quốc hội sửa đổi trong thời gian tới. Việc sửa đổi Luật HTX có ý nghĩa như thế nào trong việc phát triển các HTX, thưa ông?
Ông Nguyễn Ngọc Bảo: Luật HTX năm 2012 đã làm tròn nhiệm vụ lịch sử của mình. Trong vòng 10 năm qua đã tạo cơ sở pháp lý cho việc phát triển các HTX. Đã có gần 12.000 HTX, 30.000 tổ hợp tác và khoảng 70 liên minh HTX được thành lập trong vòng 10 năm qua. Phần lớn là các HTX chuyên ngành, hoạt động hiệu quả, thu hút nguồn lực lớn, nhất là lao động trẻ có trình độ chuyên môn. Nhiều chủ tịch, giám đốc HTX hiện nay là người trẻ, rất năng động, đáp ứng được tốt yêu cầu của thị trường, chuyển đổi số, ứng dụng khoa học-công nghệ cao, tham gia tích cực vào việc phát triển kinh tế-xã hội của các địa phương.
PV: Bên cạnh những thuận lợi, hiện nay việc phát triển các HTX và KTTT vẫn còn những khó khăn. Với vai trò là cơ quan, tổ chức đại diện, ông có những kiến nghị gì về vấn đề này?
Ông Nguyễn Ngọc Bảo: Trước hết, trên cơ sở căn cứ của Nghị quyết 20 đề nghị Quốc hội sớm ban hành được Luật HTX phù hợp nhu cầu phát triển KTTT, KTHT. Thứ hai, thực hiện chính sách hỗ trợ để góp phần nâng cao năng lực quản trị, chất lượng nguồn nhân lực, mô hình các HTX hoạt động ngày càng hiệu quả hơn; tự chủ, tự chịu trách nhiệm, tự lo đời sống của mình; cùng với các thành phần kinh tế khác đóng góp, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế đất nước. Đây đều là những vấn đề hết sức cần thiết.
Đan lát ở Hợp tác xã Mây Tre đan Bao La (xã Quảng Phú, huyện Quảng Điền, tỉnh Thừa Thiên Huế. Ảnh: NGUYỄN NGHINH XUÂN |
PV: Trên thực tế, số lượng thành viên các HTX so với năm 2013 đang có xu hướng giảm. Ông có suy nghĩ thế nào về điều này?
Ông Nguyễn Ngọc Bảo: Vừa qua, số thành viên các HTX theo kiểu cũ có giảm, nhưng đến nay, theo thống kê, số thành viên HTX, thành viên tổ hợp tác đã phát triển lên gần 9 triệu hộ. Nghiên cứu xu hướng ở các nước cũng như ở Việt Nam cho thấy sự phát triển KTTT, KTHT là tất yếu. Vì thế, thời gian tới, xu hướng các thành viên của các tổ hợp tác, HTX sẽ tăng lên rất nhanh. Các thành viên này gồm doanh nghiệp, các tổ chức kinh tế-xã hội. Ở một số nước, ví dụ như Nhật Bản, kể cả công chức nhà nước đều có thể là thành viên HTX.
PV: Đội ngũ quản trị của các HTX lâu nay có bước phát triển nhưng vẫn chưa đáp ứng được yêu cầu về quản lý và tạo điều kiện cho HTX kinh doanh hiệu quả. Thời gian tới, Liên minh HTX có những giải pháp như thế nào để giải quyết vấn đề này, thưa ông?
Ông Nguyễn Ngọc Bảo: Để bảo đảm cho các HTX phát triển dài hạn, trước hết trong Luật HTX sửa đổi tới đây, khi thành lập HTX cần phải quy định rõ về tiêu chuẩn đối với các chức danh như: Chủ tịch, giám đốc... để bảo đảm cho bộ máy hoạt động hiệu quả hơn. Thứ hai là phải đào tạo họ ngay từ đầu. Chẳng hạn như mở lớp sơ cấp quản trị HTX và cấp chứng chỉ tốt nghiệp cho chủ tịch, giám đốc HTX để bảo đảm đối với yêu cầu phát triển của KTTT, KTHT trong thời kỳ mới. Cái này hoàn toàn nằm trong tầm tay của Liên minh HTX Việt Nam. Chúng tôi hiện có 6 trường đào tạo cán bộ HTX trong cả nước, đáp ứng được yêu cầu đào tạo, cung ứng nhân lực quản trị của các HTX trong thời gian tới.
PV: Trân trọng cảm ơn ông!
Nguyễn Kiểm/qdnd.vn
https://www.qdnd.vn/kinh-te/cac-van-de/phat-trien-kinh-te-tap-the-kinh-te-hop-tac-la-tat-yeu-718080