Lãnh đạo Cục Điều tiết điện lực (Bộ Công Thương) giải thích lý do khung giá bán lẻ điện bình quân phải tăng tối thiểu lên 1.826,22 đồng/kWh, tối đa lên 2.444,09 đồng/kWh.
Sau khi Chính phủ ban hành khung giá bán lẻ điện bình quân mới, ông Trần Việt Hòa, Cục trưởng Cục Điều tiết điện lực (Bộ Công Thương), đã chia sẻ với báo chí về lý do điều chỉnh tăng.
Theo ông Hòa, khung giá bán lẻ điện bình quân hiện tại không còn phù hợp với bối cảnh và chưa phản ánh sự biến động của các thông số đầu vào tới chi phí sản xuất kinh doanh điện, đặc biệt là biến động của giá nhiên liệu. Do đó, khung giá bán lẻ điện bình quân tối thiểu được điều chỉnh tăng 13,7%, lên 1.826,22 đồng/kWh; mức tối đa tăng 28,2%, lên 2.444,09 đồng/kWh.
Thực tế, giá than nhập khẩu cung cấp cho các nhà máy điện đã bắt đầu tăng từ cuối năm 2021. Bất chấp giá than nhập khẩu tăng cao nhưng vẫn có khó khăn trong việc cung ứng than nhập khẩu cho phát điện. Trong khi đó, sản lượng điện từ nhiệt điện than chiếm tỷ trọng khoảng 40% sản lượng điện của Việt Nam nên chi phí sản xuất kinh doanh điện của Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) tăng cao.
"Giá than nhập khẩu tăng không chỉ làm tăng mạnh chi phí mua điện từ các nhà máy nhiệt điện sử dụng than nhập mà còn làm tăng chi phí mua điện từ các nhà máy nhiệt điện sử dụng than pha trộn (trộn giữa than trong nước và than nhập - PV)", ông Hòa nói.
Các biến động lớn trên thế giới đã tác động, ảnh hưởng lớn tới chi phí sản xuất điện (Ảnh: EVN).
Tính đến hết quý III/2022, Tập đoàn công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam, Tổng công ty Đông Bắc đã nhiều lần điều chỉnh tăng giá than trộn với tổng mức tăng từ 802.000 đồng/tấn đến 986.000 đồng/tấn tùy loại than, tương ứng với mức tăng chung so với đầu năm khoảng 52%.
Cũng theo lãnh đạo Cục Điều tiết điện lực, các khoản chênh lệch tỷ giá thực hiện trong hợp đồng mua bán điện của các năm 2019-2020 cũng như giai đoạn năm 2021-2024 ước khoảng hơn 21.000 tỷ đồng cần được phân bổ, tính toán vào chi phí sản xuất điện hàng năm để tính toán khung giá.
"Các bối cảnh nêu trên đã tạo nên biến động lớn về các thông số liên quan đến chi phí mua điện, chiếm trên 80% tổng chi phí sản xuất kinh doanh điện hàng năm của EVN", Cục trưởng Cục Điều tiết điện lực nhìn nhận.
Hồi cuối năm 2022, tại hội nghị tổng kết 2022 và triển khai nhiệm vụ 2023, ông Nguyễn Tài Anh, Phó tổng giám đốc EVN, cho biết tập đoàn ước tính lỗ 31.360 tỷ đồng. Trong các nguyên nhân, lãnh đạo EVN tiết lộ có lý do chi phí đầu vào tăng cao nhưng giá bán lẻ điện đã không được điều chỉnh gần 4 năm khiến doanh nghiệp gặp khó khăn "trăm bề".
EVN báo cáo Chính phủ, Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp và các Bộ, ngành cho phép điều chỉnh giá điện để giảm bớt khó khăn và có thể cân đối tài chính trong những năm tới.
Văn Hưng/dantri.com.vn