Sản xuất, chế biến gỗ ở Hữu Lũng: Tín hiệu phục hồi

Thứ 7, 11.02.2023 | 08:21:20
1,895 lượt xem

Năm 2022, các doanh nghiệp, cơ sở hoạt động sản xuất chế biến gỗ tại huyện Hữu Lũng gặp nhiều khó khăn do không tìm được đầu ra, do vậy, nhiều doanh nghiệp, cơ sở đã phải tạm dừng hoạt động. Tuy nhiên, ngay từ đầu tháng 1/2023, hoạt động sản xuất, chế biến gỗ trên địa bàn huyện Hữu Lũng đã phục hồi trở lại.

Gặp anh Nguyễn Viết Phường, chủ cơ sở sản xuất, chế biến ván bóc ở thôn Cã Ngoài, xã Minh Sơn vào đầu tháng 2/2023, anh Phường chia sẻ: Trong năm 2022, gần như xưởng của tôi tạm dừng hoạt động. Dây chuyền bóc gỗ công suất hàng chục mét khối trên ngày nằm “đắp chiếu”. Nhưng tại thời điểm này đã có 2 doanh nghiệp và một số tư thương đến đặt hàng. Ngay khi có đơn hàng, gia đình đã thuê công nhân bắt tay vào sản xuất. Đây là tín hiệu vui ngay từ đầu năm, hy vọng rằng năm 2023 thị trường tiêu thụ ổn định sẽ giúp các cơ sở sản xuất gỗ như chúng tôi phục hồi trở lại.

Công nhân Công ty TNHH Dịch vụ và Thương mại Thành An sản xuất ván gỗ ép

Thời điểm này, Công ty TNHH MTV Lâm sản Nguyệt Dương (thôn Na Hoa, xã Hồ Sơn) cũng đang tập trung thu mua nguyên liệu để sản xuất ván ép mỏng xuất khẩu. Bà Dương Thị Minh Nguyệt, Giám đốc công ty cho biết: Bạn hàng từ Trung Quốc đã đặt hàng số lượng lớn ván ép, do vậy, từ đầu tháng 1/2023 đến nay, công ty tập trung toàn bộ công nhân cho hoạt động sản xuất ván ép để xuất khẩu. Hơn 1 tháng đầu năm 2023, sản lượng sản xuất của công ty đã được hơn 350 m3.

Ngoài cơ sở của anh Phường và Công ty TNHH MTV Lâm sản Nguyệt Dương, 64 cơ sở sản xuất gỗ của tư nhân và 6 doanh nghiệp sản xuất, chế biến gỗ khác trên địa bàn huyện Hữu Lũng ngay từ thời điểm đầu năm 2023 đã có nhiều đơn đặt hàng và đang dồn lực cho hoạt động sản xuất, chế biến nhằm cung ứng nguồn sản phẩm cho các khách hàng. Theo đó, các doanh nghiệp và các cở sở sản xuất, chế biến gỗ trên địa bàn huyện Hữu Lũng đã có kế hoạch phục hồi sản xuất với việc kêu gọi lại công nhân cũ và tuyển công nhân mới. Đồng thời, tìm đặt mua nguyên liệu gỗ các loại để phục vụ cho sản xuất. Riêng các doanh nghiệp sản xuất, chế biến gỗ xuất khẩu còn chủ động triển khai các phương án nâng cấp hệ thống dây chuyền sản xuất nhằm nâng cao công suất.

Bà Trần Hoài Trang, Trưởng Phòng Kinh tế – Hạ tầng huyện Hữu Lũng cho biết: Từ thời điểm cuối năm 2022, do thị trường Trung Quốc đã bắt đầu nhập mặt hàng gỗ trở lại nên các doanh nghiệp bắt đầu tìm nguyên liệu ván bóc để sản xuất sản phẩm xuất khẩu. Chính điều này giúp hoạt động sản xuất, chế biến gỗ trên địa bàn phục hồi hoạt động trở lại. Thời điểm hiện tại, các doanh nghiệp và các cơ sở sản xuất, chế biến gỗ trên địa bàn đã quay trở lại hoạt động với hơn 70% công suất theo quy mô của từng doanh nghiệp và cơ sở.

Được biết, thực hiện chỉ đạo của UBND huyện Hữu Lũng, Phòng Kinh tế – Hạ tầng và các phòng, ban liên quan tiếp tục triển khai công tác xúc tiến thương mại nhằm hỗ trợ các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất, chế biến gỗ trên địa bàn có đầu ra ổn định. Song song với đó, huyện cũng sẽ đồng hành cùng với các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất trong việc tháo gỡ những khó khăn để hoạt động sản xuất, chế biến gỗ trên địa bàn huyện được thông suốt.

Ông Nguyễn Hữu Hậu, Giám đốc Công ty TNHH Dịch vụ và Thương mại Thành An (địa chỉ ở xã Minh Sơn, huyện Hữu Lũng) cho biết: Hoạt động sản xuất, chế biến gỗ phục hồi trở lại ngay từ đầu năm 2023 đã giúp các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất, chế biến gỗ trên địa bàn huyện sớm có phương án thu hút lao động trở lại làm việc, cũng như phương án huy động nguồn lực tài chính, chủ động về nguyên liệu để đảm bảo hoạt động sản xuất, chế biễn gỗ được ổn định trong thời gian dài.

Với việc hoạt động sản xuất, chế biến gỗ phục hồi trở lại ngay từ thời điểm đầu năm có thể kỳ vọng giá trị sản xuất, chế biến gỗ của huyện Hữu Lũng trong năm 2023 sẽ tăng trưởng và đạt mục tiêu của huyện đề ra là doanh thu lĩnh vực này đạt từ 120 tỷ đồng trở lên.


Lưu Vũ - Văn Phúc/baolangson.vn

https://baolangson.vn/kinh-te/560527-san-xuat-che-bien-go-o-huu-lung-tin-hieu-phuc-hoi.html

  • Từ khóa