Cần tính toán mức giá điện hợp lý

Chủ nhật, 12.02.2023 | 15:27:09
1,224 lượt xem

Chi phí đầu vào cho sản xuất điện tăng mạnh trong suốt thời gian qua đã làm gia tăng giá thành sản xuất điện tại Việt Nam. Tuy nhiên, kể từ tháng 3-2019 tới nay, giá bán lẻ điện bình quân được giữ ổn định.

Do đó, Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) đề nghị cho phép điều chỉnh giá bán lẻ điện một cách kịp thời. Thực tế cho thấy, việc điều chỉnh tăng giá điện khó tiếp tục có thể trì hoãn. Song giá điện có tác động lớn đến kinh tế vĩ mô và đời sống người dân nên mức tăng cần được cân nhắc kỹ lưỡng, phù hợp với sức chịu đựng của người dân và doanh nghiệp.

Chi phí sản xuất điện tăng cao

Chính phủ vừa ban hành khung giá bán lẻ điện bình quân mới, từ mức 1.826,22 đồng/kWh đến 2.444,09 đồng/kWh. Như vậy, so với khung giá cũ, khung giá bán lẻ tối thiểu mới tăng 220 đồng/kWh, khung giá bán lẻ tối đa tăng 538 đồng/kWh. Khung giá bán lẻ điện bình quân là mức sàn và trần để Chính phủ quy định giá bán lẻ điện bình quân. Khung giá này cùng với kết quả kiểm tra chi phí sản xuất, kinh doanh (SXKD) điện năm 2022 sẽ là cơ sở để Bộ Công Thương ra quyết định về giá bán lẻ điện bình quân năm 2023. Theo ông Trần Việt Hòa, Cục trưởng Cục Điều tiết điện lực, Bộ Công Thương: Việc sửa đổi khung giá bán lẻ điện bình quân là cần thiết, phù hợp với bối cảnh hiện tại và phản ánh sự biến động của các thông số đầu vào tới chi phí SXKD điện, nhất là biến động của giá nhiên liệu.

Cần tính toán mức giá điện hợp lý
Công nhân Công ty Điện lực Sơn La bảo dưỡng hệ thống điện. 

Tình hình khủng hoảng năng lượng tại nhiều quốc gia chưa có dấu hiệu chấm dứt; áp lực của lạm phát, gia tăng chi phí SXKD trên toàn cầu tác động lớn đến việc tăng giá năng lượng tại nhiều nước trên thế giới, trong đó có Việt Nam. Đơn cử, giá than nhập khẩu cung cấp cho các nhà máy điện bắt đầu tăng từ cuối năm 2021, đến nay đã tăng gấp nhiều lần mức cũ. Cụ thể, giá than nhập khẩu bình quân các tháng năm 2020 đều dưới 54USD/tấn; năm 2021 đã đạt 138USD/tấn và trên thực tế 10 tháng đầu năm 2022, giá than khoảng 359USD/tấn và giữ ở mức cao cho đến thời điểm này. Đáng lo ngại, mặc dù giá than nhập khẩu tăng cao nhưng vẫn có khó khăn trong việc cung ứng than nhập khẩu cho phát điện. Trong khi đó, sản lượng điện từ nhiệt điện than chiếm tỷ trọng khoảng 40% sản lượng điện của Việt Nam nên chi phí SXKD điện của EVN tăng cao.

Giá than nhập khẩu tăng không chỉ làm tăng mạnh chi phí mua điện từ các nhà máy nhiệt điện sử dụng than nhập khẩu mà còn làm tăng chi phí mua điện từ các nhà máy nhiệt điện sử dụng than pha trộn (trộn giữa than trong nước và than nhập khẩu). Trong năm 2022 tính tới hết quý III, Tập đoàn Công nghiệp Than-Khoáng sản Việt Nam đã điều chỉnh tăng giá than trộn với tổng mức tăng từ khoảng 802.000 đồng/tấn tới 985.000 đồng/tấn tùy từng loại than, tương ứng với mức tăng chung so với đầu năm khoảng 52%. Tổng công ty Đông Bắc đã điều chỉnh tăng giá than trộn với tổng mức tăng từ 804.000 đồng/tấn tới 986.000 đồng/tấn tùy từng loại than, tương ứng với mức tăng chung so với đầu năm khoảng 52%. Ngoài ra, các khoản chênh lệch tỷ giá thực hiện trong hợp đồng mua bán điện của các năm 2019, 2020 cũng như của các năm 2021-2024 ước hơn 21.000 tỷ đồng cần được phân bổ, tính toán vào chi phí sản xuất điện hằng năm để tính toán khung giá.

Áp lực gia tăng chi phí cho sản xuất điện đã được EVN nêu ra từ năm 2022. Ngoài nguyên nhân giá nguyên liệu đầu vào tăng cao (giá than, giá dầu, giá khí đều ở mức cao) thì tỷ giá tăng cao cũng là nguyên nhân khiến chi phí của các nhà máy sản xuất điện tăng mạnh, làm tăng chi phí mua điện trên thị trường điện của EVN... Trong báo cáo mới nhất, EVN cho biết, năm 2022 toàn Tập đoàn ước tính lỗ 31.360 tỷ đồng.     

Tính toán, cân nhắc tác động đến lạm phát và đời sống người dân

Các chuyên gia, nhà quản lý, người dân, doanh nghiệp đều có chung nhận định, việc tăng giá điện cần phải được tính toán hợp lý, minh bạch để phù hợp thực tế. Ông Nguyễn Tiến Thỏa, Chủ tịch Hội Thẩm định giá Việt Nam cho rằng, để thực hiện mục tiêu kiểm soát và kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, an sinh xã hội, Việt Nam đã giữ ổn định giá bán điện từ tháng 3-2019 đến nay trong điều kiện giá bán điện thấp hơn chi phí sản xuất, gây lỗ cho doanh nghiệp. Chính vì vậy, đã đến lúc giá điện cần được điều chỉnh cho phù hợp, giúp SXKD điện hoạt động bình thường. Song ông Nguyễn Tiến Thỏa cũng cho rằng, điều chỉnh ở mức nào là câu hỏi khó cần phải được tính toán rất kỹ. Ngoài ra, việc điều chỉnh này có thể chia thành hai đợt và cơ quan quản lý cũng phải có ngay những biện pháp quyết liệt để hạn chế tác động lan tỏa của việc này. Theo chuyên gia kinh tế Ngô Trí Long, từ góc độ người tiêu dùng, không ai muốn tăng giá hàng hóa, nhất là những hàng hóa thiết yếu như điện, xăng dầu. Nhưng, giá điện đã bị nén quá lâu, trong khi các chi phí đầu vào tăng mạnh. Do đó, Chính phủ và Bộ Công Thương cần rà soát lại chi phí giá điện để có giải pháp phù hợp.

Liên quan tới giá điện, mới đây, tại Hội nghị thúc đẩy sản xuất, tiêu dùng trong nước và mở rộng thị trường xuất khẩu năm 2023 do Bộ Công Thương tổ chức, về giá điện, Thủ tướng Chính phủ cho biết, giá điện của nước ta không thể giống nước phát triển, giá quá cao thì người dân, doanh nghiệp và nền kinh tế không chịu được. Cần lợi ích hài hòa, khó khăn và rủi ro chia sẻ giữa Nhà nước, doanh nghiệp và người dân; cân bằng, hài hòa, hợp lý giữa lạm phát và tăng trưởng.

Mới đây, Bộ Công Thương đã có văn bản yêu cầu EVN phối hợp với các cơ quan liên quan đánh giá kỹ các tác động đến tình hình kinh tế vĩ mô và các nhóm khách hàng sử dụng điện đề xuất lộ trình điều chỉnh giá bán lẻ điện năm 2023 và mức độ điều chỉnh phù hợp, bảo đảm ổn định chính trị. Việc điều chỉnh giá điện, cơ chế điều chỉnh giá bán lẻ điện bình quân hiện nay được thực hiện theo quy định tại Quyết định số 24/2017/QĐ-TTg ngày 30-6-2017 của Thủ tướng Chính phủ quy định về cơ chế điều chỉnh mức giá bán lẻ điện bình quân. Theo đó, nếu thông số đầu vào thay đổi làm giá bán lẻ điện bình quân tính toán tăng từ 3% trở lên và trong khung giá của mức giá bán lẻ điện bình quân thì giá điện được phép điều chỉnh tăng, nếu giảm thì giá điện được điều chỉnh giảm. “Việc điều chỉnh giá điện sẽ được tính toán, đánh giá, cân nhắc đầy đủ tác động đến lạm phát, đời sống người dân và điều hành kinh tế vĩ mô của Chính phủ. Mức điều chỉnh và thời điểm điều chỉnh sẽ được quyết định trong khung giá của mức bán lẻ điện bình quân do Thủ tướng Chính phủ phê duyệt và phải phù hợp theo thẩm quyền của Thủ tướng Chính phủ, Bộ Công Thương và EVN, trên cơ sở ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ”, Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải cho biết.


VŨ DUNG

https://www.qdnd.vn/kinh-te/cac-van-de/can-tinh-toan-muc-gia-dien-hop-ly-718727

  • Từ khóa