Nóng chuyện chỉnh giá điện, Bộ trưởng Công Thương họp với EVN

Thứ 5, 16.02.2023 | 09:58:11
642 lượt xem

Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên nhấn mạnh việc chỉnh giá điện cần phải được tính toán, đánh giá đầy đủ tác động đến lạm phát, đời sống người dân và điều hành kinh tế vĩ mô của Chính phủ.

Ngày 15/2, Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên đã làm việc với lãnh đạo Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) về dự án đầu tư xây dựng các dự án nguồn điện và lưới điện, tình hình cân đối tài chính của EVN năm 2022-2023 và xây dựng phương án giá bán lẻ điện bình quân năm nay.

Đối với việc xây dựng các phương án điều chỉnh giá bán lẻ điện bình quân, Bộ trưởng chỉ đạo EVN cần bám sát, tuân thủ quy trình thực hiện theo quy định tại Quyết định 24/2017 của Thủ tướng về cơ chế điều chỉnh giá bán lẻ điện bình quân. 

"Việc điều chỉnh giá điện cần phải được tính toán, đánh giá, cân nhắc đầy đủ tác động đến lạm phát, đời sống người dân và điều hành kinh tế vĩ mô của Chính phủ và đúng quy định", Bộ trưởng nhấn mạnh.

Nóng chuyện chỉnh giá điện, Bộ trưởng Công Thương họp với EVN - 1

Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên nhấn mạnh phải tính toán đầy đủ tác động khi điều chỉnh giá điện (Ảnh: Bộ Công Thương).

Bên cạnh đó, Bộ trưởng Bộ Công Thương chỉ đạo EVN tham gia đề xuất các nội dung sửa đổi, bổ sung các quy định hiện hành về cơ chế điều chỉnh giá bán lẻ điện, cơ cấu biểu giá bán lẻ điện tại các quyết định của Thủ tướng; cơ chế giá điện, thị trường điện tại Luật Điện lực; cơ chế mua bán điện trực tiếp DPPA.

Trước đó, Chính phủ ban hành khung giá bán lẻ điện bình quân mới, với mức tối thiểu (chưa bao gồm thuế giá trị gia tăng) là 1.826,22 đồng/kWh, tối đa là 2.444,09 đồng/kWh. So với khung cũ, giá tối thiểu tăng 220,03 đồng/kWh (tương đương tăng 13,7%); giá tối đa tăng 537,67 đồng/kWh (tương đương tăng 28,2%).

Về lý do điều chỉnh tăng, cơ quan quản lý cho rằng khung giá bán lẻ điện bình quân hiện tại không còn phù hợp với bối cảnh và chưa phản ánh sự biến động của các thông số đầu vào tới chi phí sản xuất kinh doanh điện, đặc biệt là biến động của giá nhiên liệu.

Cụ thể, giá than nhập khẩu cung cấp cho các nhà máy điện đã bắt đầu tăng từ cuối năm 2021. Bất chấp giá than nhập khẩu tăng cao nhưng vẫn có khó khăn trong việc cung ứng than nhập khẩu cho phát điện. Trong khi đó, sản lượng điện từ nhiệt điện than chiếm tỷ trọng khoảng 40% sản lượng điện của Việt Nam nên chi phí sản xuất kinh doanh điện của EVN tăng cao.

Ngoài ra, các khoản chênh lệch tỷ giá thực hiện trong hợp đồng mua bán điện của các năm 2019-2020, cũng như giai đoạn năm 2021-2024 ước khoảng hơn 21.000 tỷ đồng cần được phân bổ, tính toán vào chi phí sản xuất điện hàng năm để tính toán khung giá.


Văn Hưng/dantri.com.vn

https://dantri.com.vn/kinh-doanh/nong-chuyen-chinh-gia-dien-bo-truong-cong-thuong-hop-voi-evn-20230215171802138.htm

  • Từ khóa