Tái đàn vật nuôi sau tết: Chú trọng công tác phòng, chống dịch bệnh

Thứ 6, 17.02.2023 | 10:34:49
1,037 lượt xem

Dịp Tết Nguyên đán Quý Mão 2023, các hộ chăn nuôi trên địa bàn tỉnh đã xuất bán một lượng lớn gia súc, gia cầm . Hiện nay, nhiều trang trại, hộ chăn nuôi đã đẩy mạnh tái đàn theo hướng có kiểm soát, quan tâm đến công tác phòng, chống dịch bệnh, bảo đảm nguồn cung đáp ứng nhu cầu của thị trường.

Là một trong những trang trại chăn nuôi với quy mô lớn trên địa bàn huyện Hữu Lũng, vừa qua, để phục vụ nhu cầu của người dân trong dịp Tết Nguyên đán, trang trại chăn nuôi lợn của gia đình anh Nguyễn Hồng Minh, thôn Cã Trong, xã Minh Sơn đã xuất bán ra thị trường 200 con lợn. Ngay sau khi xuất bán lợn, gia đình anh Minh đã vệ sinh hệ thống chuồng trại, phun thuốc sát trùng và quét vôi bột để khử khuẩn. Anh Minh cho biết: Việc tái đàn thường được tập trung vào khoảng thời gian từ tháng 1 đến tháng 3 hằng năm, đây là thời điểm giao mùa, vì vậy để tái đàn an toàn cần tăng cường phòng, chống dịch bệnh. Về con giống, gia đình tôi duy trì đàn giống bố mẹ để bảo đảm nguồn con giống có chất lượng, sau Tết Nguyên đán, gia đình tôi đã tái đàn với quy mô 300 con lợn, hiện tại đàn lợn phát triển tốt.

Người lao động tại Hợp tác xã Sản xuất và Dịch vụ nông nghiệp An Hồng, xã Quảng Lạc, thành phố Lạng Sơn tiêm phòng cho đàn lợn

Để đảm bảo an toàn trong chăn nuôi, cơ quan chức năng huyện Hữu Lũng đã tăng cường công tác kiểm tra, đôn đốc việc thực hiện tái đàn, phát triển chăn nuôi và công tác phòng, chống dịch bệnh. Đến nay, tổng đàn gia súc trên địa bàn huyện có trên 40.741 con, tăng 1,5% so với cùng kỳ năm 2022; tổng đàn gia cầm có trên 925.000 con, tăng 2% so với cùng kỳ năm 2022.

Bà Hoàng Thị Nhung, Giám đốc Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện Hữu Lũng cho biết: Để công tác tái đàn cho đàn vật nuôi đảm bảo an toàn, trung tâm đã chỉ đạo thú y viên các xã, thị trấn và viên chức trung tâm tăng cường công tác giám sát dịch bệnh trên đàn vật nuôi. Đồng thời tuyên truyền cho bà con chủ động tiêm phòng vắc xin cho đàn vật nuôi, áp dụng các biện pháp an toàn sinh học trong chăn nuôi; định kỳ phun tiêu độc khử trùng.

Không chỉ huyện Hữu Lũng, ngay sau Tết Nguyên đán, người dân tại các huyện trên địa bàn tỉnh đã và đang tập trung tái đàn để đáp ứng nhu cầu của thị trường. Tuy nhiên, đây cũng là thời điểm thời tiết chuyển mùa, khiến dịch bệnh trên đàn gia súc, gia cầm nguy cơ bùng phát và diễn biến phức tạp. Do đó, công tác phòng chống dịch bệnh như tiêu độc khử trùng chuồng trại, tiêm vắc xin… để nâng cao sức đề kháng cho đàn vật nuôi đã được người chăn nuôi chú trọng.

Với quy mô chuồng trại rộng hơn 2.000 m2, hiện gia đình bà Dương Thị Sáng, thôn Bắc Sơn, xã Bắc Quỳnh, huyện Bắc Sơn đã tái đàn với quy mô hơn 1.500 con gà. Theo bà Sáng, để chăn nuôi an toàn, hiệu quả, sau khi xuất bán lứa gà dịp tết, gia đình tôi để trống chuồng 15 – 20 ngày, thực hiện vệ sinh chuồng trại. Đối với con giống, gia đình tôi nhập từ những công ty, trang trại uy tín và được tiêm phòng vắc xin đầy đủ.

Cùng với sự tích cực, chủ động của người dân, cơ quan chuyên môn cũng đã có nhiều giải pháp để đảm bảo việc tái đàn vật nuôi an toàn. Bà Đinh Thị Thu, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho biết: Sở đã chỉ đạo cơ quan chuyên môn tập trung vào công tác tuyên truyền, tập huấn kỹ thuật cho bà con chăn nuôi về công tác tái đàn đảm bảo an toàn dịch bệnh, chú trọng phát triển chăn nuôi theo hướng an toàn sinh học, đưa vào chăn nuôi các giống bản địa, đặc sản có giá trị kinh tế cao.

Người dân xã Tú Xuyên, huyện Văn Quan chăm sóc đàn bò

Bên cạnh đó, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh cũng chỉ đạo Chi cục Chăn nuôi và Thú y chuẩn bị triển khai kế hoạch phòng, chống dịch bệnh năm 2023. Đồng thời chuẩn bị vắc xin, tiêm phòng các bệnh nguy hiểm trên đàn vật nuôi dự kiến tiêm vào tháng 3 và tháng 4; chuẩn bị hóa chất để triển khai tháng vệ sinh tiêu độc khử trùng trên địa bàn toàn tỉnh dự kiến thực hiện vào tháng 2 và tháng 3; tăng cường công tác giám sát, phát hiển sớm những ổ dịch phát sinh để kịp thời phòng, chống dịch, không để dịch lây lan ra diện rộng.

Đến nay, đàn vật nuôi trên địa bàn tỉnh phát triển ổn định, không có dịch bệnh lớn xảy ra. Tổng đàn trâu hiện có 67.835 con, giảm 7,65% so với cùng kỳ năm 2022; đàn bò có 28.063 con, tăng 2,25% so với cùng kỳ; đàn lợn có 179.600 con, tăng 6,1% so với cùng kỳ; đàn gia cầm có trên 4,4 triệu con.

Theo dự báo của ngành chức năng, trong năm 2023, tình hình chăn nuôi sẽ còn gặp nhiều khó khăn do ảnh hưởng của thời tiết, dịch bệnh, giá thức ăn tăng cao. Do đó, trước khi thực hiện tái đàn, tăng quy mô chăn nuôi, người chăn nuôi trên địa bàn tỉnh cần tìm hiểu thông tin về dự báo và diễn biến thị trường, lượng cung cầu, nơi tiêu thụ sản phẩm để đầu tư số lượng đàn phù hợp với điều kiện, tránh tình trạng tái đàn ồ ạt, nhất là tại các cơ sở chăn nuôi và vùng đã xảy ra dịch bệnh trong thời gian trước đó.

Ông Nguyễn Nam Hùng, Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh

“Để  tái đàn đạt hiệu quả, người chăn nuôi cần chủ động tiêm phòng cho đàn vật nuôi. Đặc biệt các hộ nên chăn nuôi theo hướng an toàn sinh học. Đối với hệ thống chuồng trại, cần chuẩn bị chuồng trại đảm bảo vệ sinh, phù hợp với vật nuôi. Về con giống, nên duy trì đàn giống bố mẹ để bảo đảm nguồn con giống có chất lượng; đối với những cơ sở, hộ chăn nuôi nhập con giống bên ngoài, cần tìm hiểu các cơ sở có uy tín, có giấy chứng nhận kiểm dịch. Sau khi mua con giống, cần chủ động tiêm phòng đầy đủ các loại vắc xin phòng bệnh và áp dụng các quy trình chăn nuôi theo hướng an toàn sinh học để hạn chế dịch bệnh. Trong quá trình nuôi, cần thường xuyên theo dõi, giám sát sức khỏe đàn vật nuôi để chủ động các biện pháp phòng và trị bệnh”.

Tiêm phòng cho đàn gia súc, gia cầm tăng 3%

Tính từ đầu năm 2023 đến giữa tháng 2/2023, toàn tỉnh đã tổ chức tiêm phòng được 189.806 lượt con gia súc, gia cầm, tăng 3% so với cùng kỳ năm 2022. Trong đó, tiêm phòng một số đàn vật nuôi đạt kết quả cao như: đàn trâu, bò được 1.535 lượt con; đàn lợn được 3.349 lượt con; đàn gia cầm được 174.351 lượt con…

Thông qua công tác tiêm phòng góp phần đảm bảo an toàn phòng chống dịch bệnh trên đàn gia súc, gia cầm. Từ đó giảm thiểu thiệt hại do ảnh hưởng của dịch bệnh và nâng cao hiệu quả kinh tế từ chăn nuôi cho người dân.


Tân An - Hiểu Lam/baolangson.vn

https://baolangson.vn/kinh-te/562014-tai-dan-vat-nuoi-sau-tet-chu-trong-cong-tac-phong-chong-dich-benh.html

  • Từ khóa