Chuyển khoản 90 triệu đồng để tham gia đầu tư, chị Thủy được thông báo đã có lãi hơn 4 tỷ đồng nhưng hóa ra chỉ là chiêu lừa và cuối cùng mất hơn 650 triệu đồng.
Cam kết lợi nhuận 24 lần, bảo hiểm vốn 100%
Thường xuyên theo dõi các chương trình trên truyền hình về đầu tư tài chính, chị Thủy (ngụ Lào Cai) hiểu chứng chỉ quỹ mở là hình thức đầu tư phù hợp với những người không có kiến thức về chứng khoán như mình.
Theo đường dẫn của các quảng cáo trên mạng xã hội, chị Thủy được đưa đến một trang web được giới thiệu của "quỹ đầu tư VinaCapital". Tìm kiếm thông tin trên Google, chị thấy logo thương hiệu trùng khớp, nghĩ đây là kênh đầu tư uy tín có thể tin tưởng được.
Tuy nhiên, chị không biết mình đã bị dẫn đến một website giả mạo, khiến số tiền hơn 650 triệu đồng của gia đình bị "bốc hơi". "Bây giờ tôi đã phải trả giá bằng tất cả những đồng tiền tiết kiệm của hai vợ chồng", chị Thủy kể lại câu chuyện của mình với Dân trí.
Theo lời chị Thủy, chị được nhân viên tư vấn giới thiệu hình thức là chuyên gia của quỹ mở sẽ nghiên cứu, đầu tư giúp khách hàng. Để làm quen, nhân viên hướng dẫn chị chỉ cần nộp vào 200.000 đồng để tạo tài khoản, đặt lệnh đầu tiên. Chị Thủy cho biết trong lần giao dịch đầu tiên, tài khoản của ai cũng có từ 900.000 đồng đến 1,2 triệu đồng, còn được hướng dẫn cách rút tiền về tài khoản ngân hàng của cá nhân.
Trang web giả mạo VinaCapital chị Thủy sử dụng giao dịch (Ảnh: NVCC).
Sau bước làm quen, chị được mời vào một nhóm chat có gần 200 người. Tại đây, nhân viên liên tục gửi thông tin liên quan đến những "gói đầu tư quỹ mở do chuyên gia hướng dẫn" với số tiền khác nhau.
Chị Thủy kể sau 3 ngày theo dõi nhóm chat, thấy 3 người tham gia các gói với giá trị 30 triệu đồng, 50 triệu đồng và 120 triệu đồng. "Mình và chồng thấy vậy cũng yên tâm rồi, vì thấy VinaCapital thì cứ nghĩ họ cực kỳ uy tín rồi", chị Thủy kể lại.
Chị nói ban đầu định chọn gói 30 triệu đồng nhưng nhân viên liên tục chào mời gói 90 triệu đồng đang khuyến mãi nhân đôi. Theo đó, chị chuyển khoản 90 triệu đồng, tài khoản sẽ có 180 triệu đồng, lợi nhuận đạt được gấp 24 lần vốn là 4,3 tỷ đồng, tiền vốn được bảo hiểm 100%.
Đóng phí thanh tra gần 200 triệu đồng
Sau khi chuyển khoản 90 triệu đồng vào một tài khoản cá nhân hôm 12/2, chị Thủy được "chuyên gia" hướng dẫn cách đặt lệnh và làm theo. Chị thấy tài khoản của mình tăng lên hơn 4 tỷ đồng, đúng số tiền lợi nhuận cam kết và nhận được thông báo "chúc mừng bạn đã giao dịch thành công". Sau đó, chị được báo gửi thêm thông tin cá nhân để có thể rút lợi nhuận về tài khoản ngân hàng.
"Lúc ấy, mình cứ nghĩ những đồng tiền ấy sắp về đến tài khoản của mình rồi nhưng không", chị Thủy lúc này mới bắt đầu lún sâu vào bẫy của nhóm lừa đảo. Nhân viên chăm sóc khách hàng gửi cho chị một lệnh chuyển tiền đến tài khoản của chị với số tiền hơn 4,6 tỷ đồng.
Một trong những tài liệu giả mạo mà chị Thủy nhận được (Ảnh: NVCC).
Lúc này, kẻ gian giới thiệu với chị có 2 hình thức gồm giải ngân nhanh và giải ngân chậm. Phí giải ngân nhanh là 3%, sau 10-15 phút, chị sẽ nhận được tiền. Còn giải ngân chậm thì mức phí là 2%, phải mất 7-15 ngày tiền mới về tài khoản. Thấy vậy, chị Thủy không do dự, chọn ngay giải ngân nhanh và chuyển khoản 138 triệu đồng vào ngày 13/2.
Kế đó, chị lại được thông báo lợi nhuận vượt mức lãi suất cam kết ban đầu nên chưa lấy được tiền. Bắt đầu nóng ruột, chị hỏi phải làm thế nào thì được hướng dẫn phải chịu một khoản phạt vượt lãi suất cam kết và chuyển khoản 2 lần, mỗi lần hơn 73 triệu đồng.
Tưởng vậy là lấy được tiền, chị lại tiếp tục nhận tin căn cước công dân khi tải lên bị mờ một mặt nên phía quỹ đầu tư chưa cho rút tiền. Hỏi nhân viên, chị được hướng dẫn phải mua một phần mềm với số tiền 94 triệu đồng và tiếp tục làm theo.
Sau đó, chị Thủy nhận "tin dữ" số tiền thắng quá lớn nên bị thanh tra nguồn tiền. "Chị phải nộp phí thanh tra, nếu không có thể sau 91 ngày họ mới giải quyết cho chị. Chị quyết định để em trả lời họ", kẻ gian hối thúc chị Thủy. Lúc này, chị được thông báo phí thanh tra là 188 triệu đồng.
Chị Thủy hỏi có thể trừ thẳng số tiền này vào phần lãi hơn 4,6 tỷ đồng của mình được không thì được trả lời thẳng thừng là không được. Để khiến chị Thủy tin tưởng, nhân viên gửi cho chị một văn bản cam kết của "Tổng công ty Tập đoàn Chứng khoán Vinacapital TPHCM" sẽ giải ngân tiền lãi trong vòng 15 phút sau khi chị Thủy chuyển khoản 188 triệu đồng. Văn bản này còn kèm thông tin căn cước công dân của một cá nhân được giới thiệu là trưởng phòng công ty.
"Hai vợ chồng bảo đến nước này rồi, đã mất bao nhiêu rồi, cố xoay cho xong để nộp nốt cái tiền phí thanh tra nữa", chị Thủy kể. Cuối cùng, chị chuyển thêm 188 triệu đồng vào lúc 22h ngày 13/2.
Tỉnh ngộ vì yêu cầu đóng thuế thu nhập cá nhân
"Một lúc sau, bên đó lại bảo là muốn xuất tiền thì phải có hóa đơn thuế thu nhập cá nhân. Tôi hỏi thì họ bảo thuế nhiều mức, cao nhất là 20% nhưng chỉ lấy của tôi 5% theo mức được công ty bảo lãnh. Đến lúc đấy, vợ chồng tôi mới bừng tỉnh, dừng lại luôn, không chuyển thêm cái khoản gì nữa", chị chia sẻ.
Chị nói với người tư vấn một tập đoàn lớn như thế nếu chuyển tiền cần khấu trừ thuế thu nhập cá nhân thì phải tự khấu trừ luôn chứ làm sao bắt khách hàng chuyển khoản được. Lúc này phía bên kia trả lời chị Thủy nếu không hợp tác sẽ không được nhận tiền và còn phải nộp phạt thêm phần lãi suất trên số tiền lãi muốn nhận.
Khi chị đề nghị chuyển trả tiền, nếu không sẽ trình báo công an thì nhận được câu trả lời: "Chị cứ làm việc với bên công an, khi nào họ bó tay chị nhờ em nhé".
Tối hôm đó, chị Thủy tổng kết đã chuyển tổng cộng hơn 650 triệu đồng cho nhóm lừa đảo nói trên. Đến sáng 14/12, chị gọi cho tổng đài của VinaCapital thì được cho biết nhiều khách hàng cũng đã bị lừa cũng với chiêu giả mạo thương hiệu tương tự.
Các trang web giả mạo thường gặp được VinaCapital liệt kê (Ảnh: NVCC).
"Tôi đã báo cho ngân hàng rồi để họ tìm thông tin tài khoản nhận tiền. Tuy nhiên, tôi cũng không hy vọng nhiều, chỉ muốn kể lại để mọi người biết, không ai bị như tôi nữa", chị Thủy rầu rĩ kể.
Trao đổi với Dân trí, đại diện VinaCapital xác nhận gần đây có các đối tượng mạo danh quỹ đầu tư này mời gọi khách hàng tham gia đầu tư qua các trang mạng xã hội với mức lãi suất hàng ngày rất cao. Kẻ gian lập ra nhiều website, các group chat trong Zalo, Telegram, Facebook mạo danh VinaCapital và sao chép hình ảnh và nội dung từ website và đăng tải lại các video do quỹ đầu tư này thực hiện nhằm mục đích quảng cáo các hình thức đầu tư bất hợp pháp.
Đặc biệt, các đối tượng lừa đảo dùng tài khoản cá nhân để giao dịch với người bị hại. Công ty ngoài việc đăng tải nội dung cảnh báo cũng đã báo cáo việc này với Ủy ban Chứng khoán Nhà nước, Cục An ninh mạng và Phòng chống tội phạm sử dụng công nghệ cao (Bộ Công An) cũng như các cơ quan ban ngành chức năng và truyền thông để tuyên truyền, nâng cao cảnh giác và tìm giải pháp bảo vệ khách hàng không bị gạt mất tiền bởi những đối tượng mạo danh các quỹ đầu tư uy tín.
Việt Đức/dantri.com.vn