Ngành karaoke được định giá khoảng trên dưới 6 tỷ USD và là ngành "hái ra tiền" tại nhiều quốc gia. Tuy nhiên, mức lợi nhuận có xứng đáng với những bất cập mà karaoke mang lại?
Karaoke có nguồn gốc từ tiếng Nhật "Kara" có nghĩa là "trống rỗng" và "Oke" có nghĩa là "dàn nhạc". Karaoke có nguồn gốc từ Nhật Bản vào những năm 1970. Máy karaoke đầu tiên được phát minh vào năm 1971 bởi Daisuke Inoue - một doanh nhân người Nhật.
Hình thức giải trí này phát triển mạnh mẽ và dần được yêu thích trên toàn thế giới. Khi có thu nhập cao, người dân tại các nước phát triển chi tiêu nhiều hơn cho các hoạt động giải trí. Ngoài ra, căng thẳng trong cuộc sống, công việc ngày càng nhiều tạo ra nhiều cơ hội cho kinh doanh karaoke phát triển. Thị trường karaoke vì thế mà cũng nở rộ với doanh thu khá hấp dẫn.
"Miếng bánh" 6 tỷ USD
Quy mô thị trường karaoke toàn cầu được định giá khoảng 6 tỷ USD vào năm 2021. Dự đoán, vào năm 2030, con số này sẽ có thể đạt khoảng 6,33 tỷ USD. Tốc độ tăng trưởng từ năm 2022 đến 2030 được dự báo sẽ tăng khoảng 2,5%, do nhu cầu ngày càng tăng đối với karaoke như một hình thức giải trí với giới trẻ toàn cầu.
Karaoke có nguồn gốc từ Nhật Bản và phát triển mạnh ở thị trường này (Ảnh: Tokyocheapo).
Thị trường ở châu Á - Thái Bình Dương ước tính ghi nhận tốc độ tăng trưởng cao do việc sử dụng karaoke trong các câu lạc bộ, nhà hàng, địa điểm tiệc tùng trong khu vực ngày càng tăng. Các nhà phân tích của Technavio dự báo sẽ chiếm khoảng 43% thị phần vào năm 2027. Nhật Bản nắm giữ thị phần lớn nhất về doanh thu thị trường karaoke nhờ vào việc áp dụng nhiều các sự kiện âm nhạc như vậy tại các quán bar, nhà hàng và quán rượu trong nước.
Thị trường ở châu Âu được dự đoán sẽ mở rộng trong những năm tới do nhận thức ngày càng tăng về hệ thống karaoke trong khu vực. Tăng cường áp dụng internet tốc độ cao và tiến bộ công nghệ là một trong những yếu tố chính thúc đẩy thị trường ở Bắc Mỹ phát triển.
Thị trường karaoke thương mại cũng được ước tính sẽ mở rộng với tốc độ nhanh chóng do ngày càng có nhiều nhà hàng, quán cà phê và quán rượu cung cấp dàn karaoke cho người dùng. Phân khúc cá nhân được dự đoán sẽ mở rộng trong những năm tới, do số lượng sử dụng karaoke trong nhà hoặc các bữa tiệc riêng ngày càng tăng.
Một số nhà sản xuất đầu tư phát triển các hệ thống karaoke di động và công nghệ tiên tiến để đáp ứng nhu cầu ngày càng tăng đối với các hệ thống karaoke. Những yếu tố này được dự đoán sẽ thúc đẩy phân khúc cá nhân phát triển trong giai đoạn tới.
Đặc biệt là sau khi dịch Covid-19 kết thúc, nhu cầu giải trí của người dân ngày càng tăng cao và tương lai ngành này được dự báo là sẽ còn tiếp tục rất phát triển. Số lượng các cuộc thi karaoke trên toàn cầu đã tăng lên, là yếu tố đóng góp quan trọng nhất cho sự tăng trưởng doanh thu của thị trường karaoke toàn cầu. Hơn nữa, số lượng quán rượu và nhà hàng ngày càng tăng đáp ứng nhu cầu về nhiều dàn karaoke hơn và thúc đẩy sự tăng trưởng của thị trường.
Lợi nhuận khổng lồ có xứng đáng để đánh đổi?
Dù thế, chính sự phát triển nhanh trên toàn thế giới của karaoke lại gây ra ô nhiễm tiếng ồn - một vấn nạn tại các đô thị. Tiếng ồn gây ảnh hưởng tiêu cực đến sức khỏe, năng suất lao động và học tập, chất lượng cuộc sống của người dân và ảnh hưởng xấu đến các mối quan hệ cộng đồng. Vấn nạn tiếng ồn đặc biệt là tiếng ồn từ các hoạt động sinh hoạt và hoạt động kinh doanh dịch vụ hát karaoke ngày càng gia tăng và gây nhiều bức xúc cho nhiều người dân sống tại các thành phố lớn trên thế giới.
Những tiếng ồn này chủ yếu đến từ việc sử dụng thiết bị âm thanh cường độ lớn mà không có biện pháp cách âm, kiểm soát tiếng ồn phù hợp như các cơ sở kinh doanh dịch vụ karaoke, vũ trường, quán bar; các cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống hay đến từ các hoạt động sinh hoạt trong hộ gia đình.
Tổ chức Y tế Thế giới đánh giá ô nhiễm tiếng ồn là một trong những vấn đề môi trường hàng đầu ảnh hưởng đến sức khỏe thể chất và tinh thần, chất lượng cuộc sống của cư dân các thành phố lớn.
Tùy theo cường độ ồn, tần suất và thời gian tiếp xúc, ô nhiễm tiếng ồn có thể gây ra các ảnh hưởng tức thời và lâu dài đến sức khỏe như giảm thính lực, ảnh hưởng đến sức khỏe thể chất, tinh thần và tâm lý cũng như ảnh hưởng đến khả năng học tập và năng suất lao động của mỗi cá nhân.
Không chỉ vậy, hình thức kinh doanh karaoke còn tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn về phòng cháy chữa cháy nếu như không đảm bảo được về hệ thống chữa cháy cũng như các quy định về cứu nạn, thoát nạn.
Tại Việt Nam, thời gian gần đây, câu chuyện các quán karaoke tạm đóng cửa vì chưa đảm bảo phòng cháy chữa cháy được dư luận quan tâm. Cụ thể, Hà Nội có 1.538 cơ sở kinh doanh karaoke, quán bar, vũ trường. Qua quá trình kiểm tra, lực lượng chức năng ra quyết định tạm đình chỉ và đình chỉ hoạt động hơn 1.100 quán karaoke, bar, vũ trường do không đảm bảo phòng cháy chữa cháy, cứu hộ cứu nạn.
Gần đây, cộng đồng chủ quán karaoke tại Hà Nội có đơn kiến nghị gửi Thủ tướng, Thanh tra Chính phủ, Bộ Công an và các đơn vị liên quan về tháo gỡ, khó khăn vướng mắc cho các cơ sở kinh doanh karaoke trên địa bàn. Trong không ít ý kiến, quan điểm gửi về Dân trí, độc giả đều bày tỏ sự ủng hộ đối với việc đóng cửa các quán karaoke. Những lý do được đưa ra gồm có việc karaoke gây ô nhiễm tiếng ồn, không đảm bảo an toàn phòng cháy chữa cháy...
Phương Liên/dantri.com.vn