Tái cơ cấu ngành Công Thương: Loại bỏ độc quyền ngành năng lượng

Thứ 4, 01.03.2023 | 13:42:48
818 lượt xem

"Kiên quyết loại bỏ bao cấp, độc quyền, cạnh tranh không bình đẳng, thiếu minh bạch trong ngành năng lượng", đề án tái cơ cấu ngành Công Thương nêu rõ.

Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà vừa ký quyết định phê duyệt đề án tái cơ cấu ngành Công Thương giai đoạn đến năm 2030.

Đối với ngành năng lượng, Chính phủ nhấn mạnh nhiệm vụ khuyến khích kinh tế tư nhân và khu vực có vốn đầu tư nước ngoài tham gia phát triển.

Đề án cho biết sẽ cơ cấu lại các nguồn năng lượng theo hướng phát triển đồng bộ, hợp lý và đa dạng hóa các loại hình năng lượng. Trong đó, ưu tiên khai thác, sử dụng hiệu quả các nguồn năng lượng tái tạo, năng lượng mới, năng lượng sạch; đảm bảo tỷ trọng năng lượng tái tạo trong tổng cung năng lượng sơ cấp đạt khoảng 15-20% năm 2030.

Bên cạnh đó, đề án có nhắc đến việc hình thành hệ thống thị trường năng lượng đồng bộ, cạnh tranh, minh bạch, đa dạng hóa hình thức sở hữu và phương thức kinh doanh, có sự tham gia của các thành phần kinh tế, đặc biệt là kinh tế tư nhân với lộ trình phù hợp.

"Kiên quyết loại bỏ bao cấp, độc quyền, cạnh tranh không bình đẳng, thiếu minh bạch trong ngành năng lượng. Tiến tới áp dụng giá thị trường đối với mọi loại hình năng lượng", đề án nêu.

Trong khi đó, đối với ngành công nghiệp, đề án đặt mục tiêu tốc độ tăng năng suất lao động công nghiệp đạt bình quân 7,5%/năm, chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) tăng bình quân 8,5-9%/năm; tập trung phát triển hoàn chỉnh hệ thống sản xuất công nghiệp trong nước thông qua việc nâng cấp và phát triển chuỗi cung ứng, chuỗi giá trị của các ngành công nghiệp; chú trọng nội địa hóa chuỗi cung ứng các ngành công nghiệp để giảm phụ thuộc vào nhập khẩu…

Tái cơ cấu ngành Công Thương: Loại bỏ độc quyền ngành năng lượng - 1

Đề án đặt mục tiêu tốc độ tăng trưởng giá trị gia tăng công nghiệp đạt bình quân trên 8,5%/năm.

Bên cạnh đó là chuyển dịch cơ cấu nội ngành công nghiệp từ các ngành thâm dụng tài nguyên, lao động sang các ngành thâm dụng vốn và công nghệ, các ngành công nghiệp xanh; từ các công đoạn có giá trị gia tăng thấp lên các công đoạn có giá trị gia tăng cao trong chuỗi giá trị toàn cầu và khu vực; đến năm 2030, tỷ trọng công nghiệp chế biến, chế tạo trong GDP khoảng 30% với tốc độ tăng trưởng bình quân khoảng 9-10%/năm.

Đối với tái cơ cấu lĩnh vực xuất nhập khẩu, tập trung ưu tiên phát triển xuất khẩu các mặt hàng có quy mô xuất khẩu lớn, lợi thế cạnh tranh cao như điện tử, dệt may, da giày, nông sản, đồ gỗ... gắn với đa dạng hóa và nâng cao chất lượng sản phẩm xuất khẩu; gia tăng tỷ trọng xuất khẩu hàng hóa có hàm lượng chế biến sâu, công nghệ cao, có giá trị gia tăng cao, tỷ lệ nội địa hóa lớn, đáp ứng tiêu chuẩn cao về chất lượng và phát triển bền vững của các thị trường. 

Còn với nhóm hàng mới thì đề án đặt ra vấn đề rà soát các mặt hàng mới có kim ngạch còn thấp nhưng có tiềm năng tăng trưởng cao để có các chính sách phát triển, tạo sự đột phá trong xuất khẩu như các sản phẩm Halal sang các thị trường Hồi giáo, sản phẩm Kosher sang thị trường Do Thái, các loại quả tươi sang thị trường châu Âu và Mỹ…


Theo dantri.com.vn

https://dantri.com.vn/kinh-doanh/tai-co-cau-nganh-cong-thuong-loai-bo-doc-quyen-nganh-nang-luong-20230301120426717.htm

  • Từ khóa