Chương trình tín dụng hộ cận nghèo được thực hiện từ ngày 16/4/2013 theo Quyết định số 15/2013/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ. Thời gian qua, chương trình do Ngân hàng Chính sách xã hội (NHCSXH) triển khai đã nhận được sự đồng thuận cao của người dân, tiếp sức kịp thời cho hộ cận nghèo trên địa bàn tỉnh vươn lên phát triển hiệu quả các mô hình kinh tế.
Gia đình ông Triệu Văn Thắng, phố Minh Sơn, thị trấn Văn Quan, huyện Văn Quan trước đây thuộc diện nghèo, năm 2018, gia đình ông đã thoát nghèo nhưng vẫn thuộc diện hộ cận nghèo, kinh tế khó khăn và thiếu vốn sản xuất. Được Hội Nông dân thị trấn tuyên truyền về chương trình cho vay ưu đãi hộ cận nghèo, năm 2019, gia đình ông đã vay 50 triệu đồng. Ông Thắng cho biết: “Gia đình tôi sử dụng vốn để trồng bổ sung 1 ha cây hồi, một phần vốn được gia đình đầu tư chăn nuôi bò. Từ chăn nuôi, năm 2022, gia đình đã có thu nhập 50 triệu đồng/năm. Hiện đàn bò sinh trưởng tốt, gia đình tôi mở rộng chuồng trại chăn nuôi gà, phát triển kinh tế hiệu quả”.
Cán bộ Phòng Giao dịch Ngân hàng Chính sách xã hội huyện Lộc Bình tuyên truyền đến người dân về các chương trình tín dụng ưu đãi tại điểm giao dịch xã Đông Quan
Không chỉ gia đình ông Thắng, những năm qua, từ nguồn vốn chương trình cho vay hộ cận nghèo, nhiều gia đình khác trên địa bàn huyện Văn Quan đã có điều kiện vay vốn ưu đãi để phát triển kinh tế. Ông Hoàng Tuấn Nghị, Phó Giám đốc Phòng Giao dịch NHCSXH huyện Văn Quan cho biết: Hiện tổng dư nợ chương trình triển khai tại huyện là 123 tỷ đồng, với 1.903 hộ còn dư nợ, tăng 5,8 tỷ đồng so với thời điểm 31/12/2022. Chương trình đã giúp các hộ vay vốn chăn nuôi, trồng rừng, qua đó góp phần quan trọng thực hiện công tác giảm nghèo bền vững của huyện. Đến hết năm 2022, tỷ lệ hộ cận nghèo của huyện còn 31%, giảm 2,42% so với năm 2021.
Cùng với huyện Văn Quan, hiện nay, nguồn vốn chương trình cho vay hộ cận nghèo đều phát huy hiệu quả tại tất cả các huyện, thành phố trên địa bàn tỉnh. Theo số liệu từ NHCSXH tỉnh, đến nay, tổng dư nợ chương trình cho vay hộ cận nghèo đạt trên 639 tỷ đồng, tăng 25 tỷ đồng so với 31/12/2022, tổng số hộ còn dư nợ là 10.267 hộ. Tính riêng từ đầu năm 2023 đến nay, đơn vị đã giải ngân được 14,8 tỷ đồng cho 515 hộ vay, đây là chương trình có dư nợ tăng trưởng cao nhất từ đầu năm 2023 đến nay.
Ông Phạm Mạnh Hà, Phó Giám đốc NHCSXH tỉnh cho biết: Để thực hiện hiệu quả chương trình vốn hộ cận nghèo, hằng năm, đơn vị chủ động tham mưu Ban đại diện Hội đồng quản trị NHCSXH tỉnh ban hành văn bản chỉ đạo, giao chỉ tiêu, kế hoạch cho các huyện, thành phố ngay từ đầu năm. Theo đó, chỉ đạo các phòng giao dịch huyện giao chỉ tiêu cho các xã, thị trấn; phối hợp với các tổ chức hội nhận ủy thác, UBND các xã, phường, thị trấn, các tổ tiết kiệm và vay vốn tổ chức triển khai thực hiện, đẩy nhanh giải ngân, đáp ứng nhu cầu vay của người dân. Nhờ thực hiện hiệu quả các giải pháp đó, trong những năm qua, chương trình cho vay hộ cận nghèo là một trong những chương trình có dư nợ tăng trưởng cao của tỉnh, đến cuối năm 2022, dư nợ chương trình tăng 117,5 tỷ đồng so với 31/12/2021, qua đó đáp ứng kịp thời nhu cầu vay vốn của hộ cận nghèo trên địa bàn tỉnh.
Người dân xã Trấn Yên, huyện Bắc Sơn sử dụng nguồn vốn chương trình cho vay hộ cận nghèo phát triển cây ăn quả
Qua kiểm tra hằng năm, hầu hết các hộ đều sử dụng vốn đúng mục đích, có hiệu quả để phát triển các mô hình kinh tế như: trồng hồi, thông, keo, bạch đàn; chăn nuôi gia súc, gia cầm; trồng cây ăn quả… Nhiều hộ cận nghèo đã vươn lên làm giàu.
Tiêu biểu như gia đình bà Bế Thị Kiên, thôn Tác Nàng, xã Trấn Yên, huyện Bắc Sơn trước đây thuộc diện hộ cận nghèo của xã. Năm 2017, được vay 50 triệu đồng từ chương trình này gia đình bà đầu tư trồng hơn 1 mẫu cây ăn quả và xây dựng chuồng trại chăn nuôi lợn. Bà Kiên cho biết: Nhờ vốn vay tiếp sức, gia đình tôi mở rộng quy mô trồng cây ăn quả, chuồng trại chăn nuôi, thu nhập đem lại trên 250 triệu đồng/năm, nhờ đó năm 2020, gia đình tôi đã thoát cận nghèo, vươn lên làm giàu.
Có thể khẳng định, nguồn vốn cho vay hộ cận nghèo là một trong những chương trình tín dụng ưu đãi có sức lan tỏa, nhận được sự đồng tình, hưởng ứng cao của cấp ủy, chính quyền địa phương và các hộ dân.
Nguồn vốn đã trở thành nguồn lực tiếp sức cho nhiều hộ cận nghèo có điều kiện vươn lên phát triển kinh tế, xây dựng cuộc sống ổn định và làm giàu chính đáng. Qua đó, góp phần thực hiện hiệu quả vào công tác giảm nghèo bền vững của tỉnh, hết năm 2022, tỷ lệ hộ nghèo của tỉnh còn 8,92% (giảm 3,28% so với năm 2021); tỷ lệ hộ cận nghèo còn 10,36% (giảm 1,71% so với năm 2021).
Với tổng dư nợ trên 639 tỷ đồng, chương trình cho vay hộ cận nghèo hiện nay là chương trình có dư nợ lớn thứ 3 trong 17 chương trình cho vay mà NHCSXH tỉnh đang triển khai (sau chương trình cho vay hộ sản xuất kinh doanh vùng khó khăn và chương trình cho vay hộ nghèo). |
HIỂU LAM
https://baolangson.vn/kinh-te/565971-tin-dung-uu-dai-tiep-suc-ho-can-ngheo-vuon-len.html