Theo Tiến sĩ Trần Quý, Viện trưởng Viện Phát triển kinh tế số Việt Nam, sử dụng trí tuệ nhân tạo (AI) có thể giúp nông dân tối ưu hóa quy trình sản xuất, tăng cường năng suất và giảm thiểu chi phí, đồng thời giảm thiểu tác động tiêu cực đến môi trường, qua đó góp phần thúc đẩy phát triển nền nông nghiệp hiện đại và bền vững.
Ứng dụng trí tuệ nhân tạo trong sản xuất nông nghiệp giúp nâng cao năng suất và giảm thiểu chi phí. (Ảnh minh họa) |
Nâng cao hiệu quả sản xuất nông nghiệp và giảm chi phí
Ứng dụng AI trong nâng cao năng suất nông nghiệp là một chủ đề vẫn còn khá mới mẻ nhưng đang thu hút được sự quan tâm lớn của Chính phủ và các doanh nghiệp sản xuất vì những ưu thế mà nó mang lại so với nông nghiệp truyền thống.
Ngày 26/1/2021, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 127/QÐ-TTg về việc ban hành Chiến lược quốc gia về nghiên cứu, phát triển và ứng dụng trí tuệ nhân tạo đến năm 2030, trong đó có nội dung: “Thúc đẩy và phát triển các ứng dụng trí tuệ nhân tạo trong lĩnh vực sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, nhằm cải tiến thông minh hóa, tự động hóa quy trình sản xuất, nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm nông nghiệp, bảo đảm quy trình sản xuất, xuất xứ minh bạch, cung cấp thực phẩm sạch cho người tiêu dùng”.
Trí tuệ nhân tạo giúp năng suất cây trồng được tăng lên, cây trồng được khỏe mạnh hơn, kiểm soát sâu bệnh và các điều kiện trồng trọt; tổ chức dữ liệu cho nông dân, giúp giải quyết khối lượng công việc và cải thiện một loạt các nhiệm vụ liên quan đến nông nghiệp trong toàn bộ chuỗi cung ứng thực phẩm.
Trao đổi với báo chí bên lề hội thảo về ứng dụng AI trong nông nghiệp do Tổng hội Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam chủ trì tổ chức mới đây, Tiến sĩ Trần Quý, Viện trưởng Viện Phát triển kinh tế số Việt Nam nhấn mạnh tầm quan trọng của AI trong phát triển nông nghiệp hiện đại là không thể phủ nhận.
Tiến sĩ Trần Quý, Viện trưởng Viện Phát triển kinh tế số Việt Nam thuyết trình tại hội thảo Ứng dụng trí tuệ nhân tạo trong nâng cao năng suất nông nghiệp mới đây tại Hà Nội. (Ảnh: VĂN TOẢN) |
Ông Quý cho biết, nhu cầu và triển vọng ứng dụng AI trong nông nghiệp tại Việt Nam là rất lớn bởi nó giúp ngành này giải quyết được rất nhiều vấn đề vướng mắc đang đặt ra hiện nay liên quan đến quy trình quản lý, sản xuất và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp…
Cụ thể, áp dụng AI trong sản xuất nông nghiệp có thể giúp tăng cường hiệu quả sản xuất, giảm chi phí và nhân công một cách đáng kể thông qua dự báo thời tiết chính xác hơn; tối ưu hóa nước, phân bón và thuốc trừ sâu; theo dõi sức khỏe động vật; sử dụng robot tự động hóa trong gieo trồng, tưới tiêu, thu hoạch.
“Khi tưới nước cho cây, chúng ta không biết được trong nước có dư, thiếu thành phần gì, và trong cây hiện tại cần lượng nước bao nhiêu. Ứng dụng AI vào tác vụ này giúp can thiệp đúng, biết được nên bỏ chất gì và giữ chất gì trong nguồn nước, qua đó giúp tiết kiệm tài nguyên, đồng thời mang lại hiệu quả cao”, Tiến sĩ Trần Quý cho hay.
Cũng theo Viện trưởng Viện Phát triển kinh tế số Việt Nam, các công nghệ AI như học máy và khai phá dữ liệu cho phép nông dân quản lý tốt hơn các hoạt động sản xuất. Theo đó, AI có thể dự đoán kết quả mùa vụ dựa trên thông tin về thời tiết, loại cây trồng, độ ẩm đất, lượng nước được sử dụng và các yếu tố khác. Điều này giúp nông dân lên kế hoạch sản xuất tốt hơn và quản lý tài nguyên một cách thông minh hơn…
Ngoài ra, AI còn giúp tăng cường độ chính xác và tốc độ trong quá trình sản xuất. Với khả năng thu thập và xử lý dữ liệu nhanh chóng và chính xác, các hệ thống AI có thể giúp phát hiện các vấn đề trong sản xuất sớm hơn và đưa ra các giải pháp nhanh chóng.
Ứng dụng công nghệ trí tuệ nhân tạo vào nông nghiệp vẫn còn khá mới mẻ nhưng đang thu hút sự quan tâm lớn của Chính phủ cũng như các doanh nghiệp sản xuất. (Ảnh minh họa) |
Cần thay đổi tư duy làm nông nghiệp của người nông dân
Chia sẻ về những thách thức trong ứng dụng AI vào nông nghiệp tại Việt Nam, Tiến sĩ Trần Quý cho biết do các vấn đề về tư duy, thể chế, tiếp cận công nghệ, khả năng tài chính cho nên việc ứng dụng AI tại Việt Nam, đặc biệt trong mảng nông nghiệp chưa được nhiều.
“Tư duy của người nông dân vẫn là tư duy cũ, sản xuất theo phương thức truyền thống. Mặt khác, nguồn nhân lực ở Việt Nam dồi dào giá rẻ nên ứng dụng AI trong nông nghiệp chưa mạnh” - ông Quý cho hay.
Theo Viện trưởng Viện Phát triển kinh tế số Việt Nam, muốn đưa AI vào nông nghiệp, trước hết cần phải thay đổi tư duy làm nông nghiệp của người nông dân, chuyển từ tư duy truyền thống sang tư duy ứng dụng công nghệ vào sản xuất.
Cụ thể, phải tuyên truyền, nâng cao nhận thức, giúp người dân hiểu rằng, để cạnh tranh được với sản phẩm, hàng hóa từ các nước khác, sản phẩm mình làm ra cần có chất lượng tốt chứ không chỉ là vấn đề năng suất. Cần phải có tư duy cạnh tranh thay vì tư duy “giải cứu sản phẩm”.
“Muốn cạnh tranh được, sản phẩm phải sạch, tốt, giá rẻ. Muốn vậy thì phải ứng dụng công nghệ vào quá trình sản xuất, kèm theo đó là chính sách hỗ trợ đồng bộ của Nhà nước về đào tạo, hành lang pháp lý…” - ông Quý nói.
Có chung quan điểm, Chủ tịch Tổng hội Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam Hồ Xuân Hùng cũng cho rằng cần phải đẩy mạnh truyền thông để người nông dân nhận thức rõ hơn về vai trò, tầm quan trọng của chuyển đổi số, ứng dụng công nghệ vào sản xuất nông nghiệp, từ đó dần hình thành tư duy mới.
Tạo điều kiện để người nông dân tiếp cận các công nghệ mới
Nhấn mạnh tiếp cận công nghệ là một trong những thách lớn đối với người nông dân trong việc đưa AI vào nông nghiệp, ông Hùng cho rằng để tăng cường khả năng tiếp cận công nghệ của người nông dân, cần phải trở về với khẩu hiệu từ những năm 80 của thế kỷ trước: “điện, đường, trường, trạm”.
Chủ tịch Tổng hội Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam Hồ Xuân Hùng trao đổi với phóng viên bên lề hội thảo. (Ảnh: VĂN TOẢN) |
Theo đó, “điện” không còn là chiếu sáng đơn thuần mà điện phải ra đến ruộng, trang trại để phục vụ trực tiếp cho cây trồng, vật nuôi, đáp ứng tất cả yêu cầu để ứng dụng được trí tuệ nhân tạo. “Đường” không phải là đường đi mà là đường truyền dữ liệu. “Trường” là trường đào tạo công nghệ, nâng cao tri thức, trình độ cho nông dân, giúp người nông dân tiếp cận, làm chủ được công nghệ. “Trạm” không phải trạm biến thế mà là trạm lưu trữ dữ liệu, nguồn vốn, công nghệ.
“Có như vậy, người nông dân mới tiếp cận được công nghệ mới, làm chủ được công nghệ và nâng cao kỹ năng sản xuất” - ông Hùng nói.
Một vấn đề khác được Chủ tịch Tổng hội Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam đề cập đó là đầu tư vào công nghệ mới luôn có sự rủi ro cao; trong quá trình tiếp cận công nghệ, người nông dân cần có sự hỗ trợ, bảo hiểm từ phía các doanh nghiệp.
Ông cho biết, tính kết nối, tính chiếm lĩnh thị trường của người nông dân không cao, muốn dẫn dắt nông dân vào cuộc chơi này cần có sự đồng hành của các doanh nghiệp lớn trong việc cung cấp ứng dụng trí tuệ nhân tạo, dẫn dắt tiếp cận với cả thị trường và công nghệ.
Theo ông Hùng, để có doanh nghiệp dẫn dắt, kết nối được với các hợp tác xã và người nông dân, nhất định phải có sự hỗ trợ của Nhà nước. Nhà nước phải tạo được môi trường để các doanh nghiệp sẵn sàng vào cuộc, thông qua các chính sách khuyến khích, bảo hộ.
Đồng thời, phải khẳng định vai trò cụ thể, lâu dài của người nông dân, phải đào tạo người nông dân trở thành chủ doanh nghiệp, chủ trang trại hoặc cổ đông của các doanh nghiệp. Tất cả các yếu tố đó sẽ giúp cải thiện việc tiếp cận công nghệ trí tuệ nhân tạo trong ngành nông nghiệp Việt Nam.
Văn Toản/nhandan.vn