Ngày 31/3, tại Hà Nội, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tổ chức họp báo thường kỳ Quý I và triển khai một số nhiệm vụ trọng tâm Quý II/2023. Thứ trưởng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Phùng Đức Tiến chủ trì cuộc họp.
Các đại biểu tại buổi họp báo.
Ba tháng đầu năm 2023, ngành nông nghiệp đã chủ động phối hợp các bộ, ngành, địa phương tập trung triển khai các giải pháp nhằm ổn định sản xuất, ứng phó biến động thị trường, thời tiết, dịch bệnh; tăng cường đàm phán mở cửa thị trường nhằm đẩy mạnh tiêu thụ nông sản. Nhờ vậy, nông nghiệp vẫn đạt tăng trưởng khá (tốc độ tăng trưởng giá trị gia tăng ước đạt 2,52%), bảo đảm đủ nguồn cung lương thực, thực phẩm, hàng hóa thiết yếu, góp phần ổn định xã hội và an sinh xã hội. Kim ngạch xuất khẩu nông lâm thủy sản Quý I ước đạt 11,19 tỷ USD, giảm 14,4% so với cùng kỳ năm 2022.
Tuy nhiên, vẫn có một số mặt hàng đạt giá trị xuất khẩu cao hơn so cùng kỳ năm trước, như: Gạo đạt 952 triệu USD (tăng 30,2%); nhóm rau quả đạt 935 triệu USD (tăng 10,6%); hạt điều đạt 708 triệu USD (tăng 14,2%); sữa và sản phẩm sữa đạt 33,3 triệu USD (tăng 22,2%)... Trong đó, Trung Quốc là thị trường xuất khẩu lớn nhất, giá trị xuất khẩu đạt 2,4 tỷ USD (chiếm 21,5% thị phần); đứng thứ 2 là Hoa Kỳ, đạt 2,04 tỷ USD (chiếm 18,2%); thứ 3 là Nhật Bản, đạt 936 triệu USD (chiếm 8,4%); thứ 4 là Hàn Quốc, đạt 528 triệu USD (chiếm 4,7%).
Để thúc đẩy nông nghiệp tiếp tục phát triển, với mục tiêu tăng trưởng giá trị gia tăng toàn ngành trong Quý II/2023 đạt từ 2,9 đến 3,0%; tổng kim ngạch xuất khẩu nông lâm thủy sản đạt khoảng 14 tỷ USD, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã có kế hoạch tập trung vào các nhiệm vụ, giải pháp trong thời gian tới, như: Đối với lĩnh vực Trồng trọt, Bảo vệ thực vật: Cần theo dõi sát tình hình thời tiết khí tượng, thủy văn để chỉ đạo thời vụ, cơ cấu cây trồng phù hợp. Nắm bắt tình hình sản lượng các loại cây ăn quả chủ lực phục vụ xuất khẩu như thanh long, nhãn, xoài, sầu riêng, cây có múi đề xuất chỉ đạo rải vụ cây trồng phù hợp với thị trường tiêu thụ, có giá bán tốt và hiệu quả kinh tế cao.
Đối với lĩnh vực Chăn nuôi, Thú y, kiểm soát tốt tình hình dịch bệnh; theo dõi sát diễn biến thị trường nguyên liệu, nguồn cung và giá nguyên liệu thức ăn chăn nuôi, giống vật nuôi, có biện pháp chỉ đạo kịp thời tránh tình trạng tăng đột biến về giá cả. Nghiên cứu, đề xuất kế hoạch xây dựng vùng sản xuất nguyên liệu thức ăn chăn nuôi (ngô, sắn), tập trung vào một số khu vực có tiềm năng như Tây Nguyên, miền núi phía bắc.
Đối với lĩnh vực Lâm nghiệp, theo dõi, đôn đốc các địa phương chuẩn bị đủ cây giống, hiện trường để trồng rừng theo kế hoạch, chủ động kiểm soát chất lượng giống cây trồng lâm nghiệp; thông tin, cảnh báo nguy cơ cháy rừng; chỉ đạo, đôn đốc hệ thống kiểm lâm cả nước thực hiện các biện pháp phòng, chống chữa cháy rừng, bố trí lực lượng thường trực tại các vùng rừng có nguy cơ cháy cao.
Đối với lĩnh vực Hợp tác quốc tế, phát triển thị trường thúc đẩy tiêu thụ nông sản, cần đẩy mạnh phát triển thị trường, tháo gỡ rào cản, tạo thuận lợi cho tiêu thụ trong nước và xuất khẩu; hỗ trợ doanh nghiệp ký kết đơn hàng xuất khẩu mới...
Theo nhandan.vn