Đông Á-Thái Bình Dương trước thách thức già hóa dân số

Thứ 7, 08.04.2023 | 15:46:10
772 lượt xem

Chỉ trong khoảng thời gian chưa đầy 30 năm, Việt Nam và nhiều quốc gia khác tại khu vực Đông Á-Thái Bình Dương sẽ bước vào thời kỳ dân số già. Đây được xác định là 1 trong 3 thách thức lớn ảnh hưởng đến triển vọng tăng trưởng của khu vực vốn rất năng động này.


Theo báo cáo Cập nhật tình hình kinh tế Đông Á và Thái Bình Dương tháng 4/2023 vừa được Ngân hàng Thế giới (WB) công bố, hầu hết các nền kinh tế đang phát triển ở khu vực này đã phục hồi trở lại sau những cú sốc gần đây và đang tăng trưởng.

Tuy nhiên, trong bối cảnh tăng trưởng trên toàn cầu chững lại, giá cả thương phẩm leo thang và điều kiện huy động tài chính bị thắt chặt nhằm ứng phó lạm phát kéo dài, WB dự báo các yếu tố này sẽ ảnh hưởng đến các nền kinh tế của khu vực trong năm 2023, khiến đà tăng trưởng sẽ bị ghìm lại.

Đà tăng trưởng chững lại trong năm 2023

Theo báo cáo của WB, tăng trưởng của các quốc gia đang phát triển khu vực Đông Á và Thái Bình Dương được dự báo sẽ cao hơn trong năm 2023 khi nền kinh tế Trung Quốc mở cửa lại.

Theo đó, tăng trưởng ở khu vực Đông Á và Thái Bình Dương được dự báo sẽ tăng mạnh lên 5,1% trong năm 2023, so với mức 3,5% trong năm 2022. Việc Trung Quốc quyết định mở cửa lại cũng sẽ giúp nền kinh tế này quay lại tốc độ tăng trưởng 5,1% so với 3% năm ngoái.

Đông Á-Thái Bình Dương trước thách thức già hóa dân số ảnh 1

WB nhận định, hầu hết các quốc gia khu vực đã chứng kiến tăng trưởng cao và ổn định hơn so với các nền kinh tế ở những khu vực khác. Kết quả đem lại là tỷ lệ nghèo giảm ấn tượng, đồng thời bất bình đẳng cũng giảm trong thập kỷ qua.

Tuy nhiên, báo cáo cũng cho biết, ngoài Trung Quốc, tốc độ tăng trưởng ở hầu hết các nền kinh tế còn lại trong khu vực được dự báo sẽ chững lại sau khi phục hồi mạnh mẽ vào năm ngoái, ở mức 4,9% so với tốc độ phục hồi mạnh mẽ sau đại dịch Covid-19 ở mức 5,8% vào năm 2022, do lạm phát và nợ của hộ gia đình tăng tại một số quốc gia, gây ảnh hưởng đến tiêu dùng.

Phó Chủ tịch WB phụ trách khu vực Đông Á và Thái Bình Dương, bà Manuela V. Ferro cho biết: “Hầu hết các nền kinh tế lớn trong khu vực Đông Á và Thái Bình Dương đã vượt qua khó khăn của đại dịch nhưng đến nay lại phải chèo lái trong bối cảnh thay đổi trên toàn cầu. Để lấy lại đà tăng trưởng, hiện còn nhiều việc phải làm để thúc đẩy đổi mới sáng tạo, nâng cao năng suất và tạo nền tảng để phục hồi xanh hơn”.

Hầu hết các nền kinh tế lớn trong khu vực Đông Á và Thái Bình Dương đã vượt qua khó khăn của đại dịch nhưng đến nay lại phải chèo lái trong bối cảnh thay đổi trên toàn cầu. Để lấy lại đà tăng trưởng, hiện còn nhiều việc phải làm để thúc đẩy đổi mới sáng tạo, nâng cao năng suất và tạo nền tảng để phục hồi xanh hơn.

Phó Chủ tịch WB phụ trách Đông Á và Thái Bình Dương, bà Manuela V. Ferro

Quá trình thu hẹp khoảng cách về mức thu nhập theo đầu người ở các nền kinh tế phát triển đã chững lại trong những năm qua, do tăng trưởng năng suất và nhịp độ cải cách cơ cấu giảm tốc.

Do đó, theo WB, nếu xử lý được "khoảng cách cải cách", đặc biệt trong các lĩnh vực dịch vụ, tác động của cuộc cách mạng công nghệ số sẽ được nâng cao đáng kể, đồng thời năng suất sẽ được nâng cao trong các lĩnh vực từ bán lẻ và tài chính cho đến giáo dục và y tế.

Giải quyết 3 thách thức lớn

Bên cạnh đó, báo cáo của WB cũng nhận định, các nền kinh tế Đông Á-Thái Bình Dương còn phải đối mặt với 3 thách thức lớn về đảo ngược toàn cầu hóa, dân số già hóa, và biến đổi khí hậu.

Căng thẳng gia tăng giữa các đối tác thương mại lớn sẽ ảnh hưởng đến thương mại, đầu tư và lan tỏa công nghệ trong toàn khu vực. Theo WB, thách thức cấp thiết nhất của khu vực là sự phân tách ngày càng mạnh mẽ giữa 2 thị trường lớn nhất - Mỹ và Trung Quốc.

Những hạn chế về thương mại song phương của Mỹ và Trung Quốc có thể chuyển hướng thương mại sang các đối thủ cạnh tranh nước thứ ba.

Đông Á-Thái Bình Dương trước thách thức già hóa dân số ảnh 2

Chủ nghĩa bảo hộ song phương gia tăng đang ảnh hưởng đến các nền kinh tế khác thông qua chuyển hướng thương mại sang các quốc gia sản xuất các sản phẩm thay thế, hoặc thông qua kết nối sản xuất với các quốc gia cung ứng đầu vào và sản phẩm bổ sung.

Để ứng phó với những diễn biến trên, WB khuyến nghị các quốc gia thứ ba nêu trên nên đặt ưu tiên vào tập trung cải cách chính sách, qua đó nhằm nâng cao thu nhập với tất cả các trạng thái của thế giới.

Thêm vào đó, các quốc gia này cũng cần tận dụng các hiệp định thương mại quốc tế qua việc trở thành “đầu mối” hơn là “nhánh” hoặc là thành viên của khối thương mại riêng.

Khu vực Đông Á-Thái Bình Dương cũng đang phải đối mặt với thách thức kinh tế của việc dân số già hóa nhanh hơn tại mức thu nhập thấp hơn so với các quốc gia châu Âu, Trung Á và Tổ chức Hợp tác và phát triển kinh tế (OECD) vốn hiện đang già hơn nhưng giàu hơn.

Vấn đề này cũng báo trước những thách thức và rủi ro mới, gây ảnh hưởng đến tăng trưởng kinh tế, cân đối tài khóa và sức khỏe.

Đông Á-Thái Bình Dương trước thách thức già hóa dân số ảnh 3

Giai đoạn chuyển đổi từ xã hội dân số già hóa sang dân số già (nghĩa là dân số trong nhóm tuổi 65+ tăng từ 7% lên 14% tổng dân số) ở hầu hết các quốc gia Đông Á và Thái Bình Dương chỉ diễn ra trong 20-25 năm, so với 50-100+ năm tại các quốc gia khác nêu trên.

Các quốc gia trong khu vực đang trở thành xã hội dân số già có mức thu nhập thấp hơn nhiều so với các quốc gia OECD, trong đó GDP theo đầu người tính ngang giá sức mua của nhóm dân số ở độ tuổi lao động đạt đỉnh chỉ bằng từ 10 đến 40% so với Mỹ ở cùng thời điểm chuyển dịch cơ cấu dân số.

Dân số già hóa có thể tác động đến tăng trưởng kinh tế do tỷ trọng dân số trong độ tuổi lao động (thường là nhóm dân số ở độ tuổi 15-64) giảm xuống. Tuy nhiên, theo WB, các biện pháp khuyến khích và hỗ trợ người cao tuổi làm việc có thể làm giảm tác động bất lợi.

Đông Á-Thái Bình Dương trước thách thức già hóa dân số ảnh 4

Tuy già hóa chưa phải là yếu tố quan trọng nhất làm tăng chi phí chăm sóc y tế, nhưng dân số già hóa đồng nghĩa với tỷ lệ bệnh không truyền nhiễm cao hơn và tỷ lệ nhiễm nhiều bệnh cùng lúc hơn, khiến cho quá trình chuyển đổi bệnh tật bị đẩy nhanh hơn.

Theo khuyến nghị của WB, cải cách cơ cấu trong lĩnh vực y tế là cần thiết để phòng, chống, kiểm soát và quản lý bệnh không truyền nhiễm trong trọn vòng đời.

Cuối cùng, khu vực đặc biệt có nguy cơ với rủi ro khí hậu, một phần do mật độ dân số và hoạt động kinh tế cao dọc các vùng duyên hải. Nếu không có những nỗ lực thích ứng lớn, chỉ riêng ngập lụt vùng ven biển, ven sông và ngập lụt thường xuyên dự kiến sẽ gây phí tổn lên đến 5-10% GDP mỗi năm vào năm 2100 tại Indonesia, Việt Nam, Philippines và Trung Quốc.

Đông Á-Thái Bình Dương trước thách thức già hóa dân số ảnh 5

Tác động khí hậu được thể hiện rõ nhất ở các quốc đảo Thái Bình Dương, nơi thiên tai ước tính gây phí tổn cho khu vực này ở mức 2% GDP mỗi năm, đồng thời mực nước biển dâng cao có thể đe dọa sự tồn tại của toàn bộ các quốc đảo san hô có cao độ thấp.

Theo Chuyên gia kinh tế trưởng phụ trách khu vực Đông Á và Thái Bình Dương của WB, ông Aaditya Mattoo, vấn đề toàn cầu hóa bị đảo ngược, dân số già hóa và biến đổi khí hậu đang phủ bóng đen lên viễn cảnh tăng trưởng của 1 khu vực từng phát triển nhanh nhờ thương mại nhưng đang già hóa nhanh chóng.

Tuy nhiên, cũng theo chuyên gia này, xúc tiến thương mại, giải quyết những thách thức về cơ cấu dân số, và nâng cao khả năng chống chịu khí hậu sẽ vực dậy tăng trưởng.

Mặc dù có sự khác biệt nhưng già hóa và biến đổi khí hậu có thể làm giảm tăng trưởng tiềm năng, các biện pháp cải cách cơ cấu và thích ứng khí hậu có thể bù lại cho tác động bất lợi đó.

Các chính sách nhằm hỗ trợ cạnh tranh và tạo điều kiện cho lao động và vốn được dịch chuyển giữa các ngành, lĩnh vực sẽ đem lại thành quả về năng suất.

Đông Á-Thái Bình Dương trước thách thức già hóa dân số ảnh 6

Tương tự, các chính sách nhằm giảm chi phí thương mại và cải thiện hiệu quả của thị trường vốn và tài chính có thể kích thích đầu tư và hình thành tài sản.

Theo đánh giá của WB, nếu những chính sách như vậy được triển khai, tăng trưởng GDP tiềm năng có thể tăng thêm 0,15 điểm phần trăm mỗi năm. Tăng tỷ lệ tham gia lực lượng lao động có thể giúp tốc độ tăng trưởng tiềm năng tăng thêm 0,28 điểm phần trăm mỗi năm.

Bên cạnh đó, thích ứng với biến đổi khí hậu có thể giảm nhẹ tác động bất lợi của biến đổi khí hậu đối với tăng trưởng năng suất tổng các yếu tố, và làm cho tăng trưởng GDP tiềm năng tăng thêm 0,1 điểm phần trăm nữa trong thập kỷ tới.


TRUNG HƯNG

https://nhandan.vn/dong-a-thai-binh-duong-truoc-thach-thuc-gia-hoa-dan-so-post746797.html

  • Từ khóa