Ngân hàng các nước bán bảo hiểm ra sao, có tai tiếng?

Chủ nhật, 23.04.2023 | 08:37:13
520 lượt xem

Bảo hiểm nhân thọ được bán chéo trong ngân hàng cũng phổ biến trên toàn cầu. Vậy việc bán chéo bảo hiểm tại các ngân hàng trên thế giới ra sao?

Hiểu về bancassurance

Bancassurance là thỏa thuận giữa ngân hàng và công ty bảo hiểm, cho phép công ty bảo hiểm bán sản phẩm của mình cho khách hàng của ngân hàng.

Châu Âu là nơi hoạt động bancassurance có lịch sử lâu đời. Các ngân hàng châu Âu như Crédit Agricole (Pháp), ABN AMRO (Hà Lan), BNP Paribas (Pháp) và ING (Hà Lan) đã thống trị thị trường bancassurance toàn cầu trong nhiều năm qua.

Tuy nhiên, vẫn có sự khác biệt lớn giữa các quốc gia. Báo cáo năm 2013 cho thấy mặc dù bancassurance chiếm 83,6% doanh số bán bảo hiểm nhân thọ ở Italy, 66,2% ở Tây Ban Nha, 64,2% ở Pháp và 62,6% ở Áo, nhưng thị phần lại thấp hơn hẳn ở khu vực Đông Âu.

Trong khi đó, Mỹ dường như đã chậm chân hơn nhiều quốc gia, một phần là do câu hỏi gây tranh cãi trong nhiều năm rằng liệu các ngân hàng tại đây có được phép bán bảo hiểm hay không. Nổi cộm nhất là những vấn đề như cạnh tranh không lành mạnh đối với các đại lý bảo hiểm, rủi ro có thể xảy ra đối với lĩnh vực ngân hàng và khả năng ngân hàng gây áp lực buộc khách hàng phải mua bảo hiểm để đủ điều kiện vay tiền.

Ngân hàng các nước bán bảo hiểm ra sao, có tai tiếng? - 1

Không ít ngân hàng gây áp lực buộc khách hàng phải mua bảo hiểm để đủ điều kiện vay tiền (Ảnh: US News).

Mặt khác, những người ủng hộ bancassurance cho rằng cả ngân hàng và công ty bảo hiểm đều sẽ thu được lợi nhuận từ thỏa thuận này. Đồng thời, loại hình này sẽ đem lại sự thuận tiện cho người tiêu dùng và thậm chí sự cạnh tranh gia tăng có thể dẫn tới giảm giá sản phẩm bảo hiểm.

Đạo luật Bank Holding Company năm 1956 của Mỹ đã cấm nhiều ngân hàng quốc gia lớn bán các sản phẩm bảo hiểm. Tuy nhiên, việc một ngân hàng có thể bán bảo hiểm hay không phụ thuộc phần lớn vào loại hình ngân hàng và cơ quan nào quản lý đơn vị đó. 

Năm 1999, Đạo luật Gramm-Leach-Bliley đã loại bỏ hầu hết hạn chế còn lại đối với các ngân hàng Mỹ trong việc bán sản phẩm bảo hiểm và tiếp tục cho phép các bang điều chỉnh các khía cạnh khác của lĩnh vực này.

Ưu và nhược điểm của bancassurance, các vấn đề bất cập 

Bancassurance được đánh giá là mang lại lợi ích cho cả 2 bên khi ngân hàng có thêm doanh thu từ việc bán sản phẩm bảo hiểm và các công ty bảo hiểm có thể mở rộng cơ sở khách hàng mà không cần tăng cường lực lượng bán hàng hay đầu tư cho chiến dịch marketing.

Theo Investopedia, từ quan điểm của người tiêu dùng, bancassurance có cả ưu điểm và nhược điểm. Một mặt, việc mua bảo hiểm tại ngân hàng rất thuận tiện. Điều đó đặc biệt đúng ở các địa phương nhỏ, nơi có thể khan hiếm đại lý bảo hiểm. Dù hiện tại, bảo hiểm bán trực tuyến đã trở nên phổ biến hơn nhưng nhiều người vẫn muốn được tư vấn và ký hợp đồng trực tiếp.

Mặt khác, việc dễ dàng mua bảo hiểm tại ngân hàng có thể khiến người tiêu dùng không nhận được mức giá cạnh tranh. Bên cạnh đó là câu hỏi về trình độ của nhân viên ngân hàng so với nhân viên của công ty bảo hiểm trong việc tư vấn cho khách hàng.

Một vấn đề khác, một số nhân viên ngân hàng cho biết họ chịu áp lực lớn trong việc cung cấp đồng thời dịch vụ của ngân hàng và tư vấn, bán bảo hiểm. Việc bán hai hoặc nhiều sản phẩm cùng lúc có thể khiến khách hàng nhầm lẫn hoặc cảm thấy không thoải mái.

Ngân hàng các nước bán bảo hiểm ra sao, có tai tiếng? - 2

Nhiều nhân viên ngân hàng cho biết họ gặp khó trong quá trình tư vấn sản phẩm của ngân hàng và bảo hiểm cùng lúc (Ảnh minh họa: Freepik).

Đối với ngân hàng, một trong những rủi ro là nếu sản phẩm bảo hiểm không phù hợp hoặc nhân viên tư vấn chưa chính xác, điều đó có thể ảnh hưởng đến danh tiếng của họ.

Sự thống trị của bảo hiểm nhân thọ

Tùy thuộc vào quốc gia và ngân hàng cụ thể, người tiêu dùng có thể mua nhiều loại bảo hiểm khác nhau tại các ngân hàng địa phương, bao gồm bảo hiểm nhân thọ, sức khỏe, tài sản và thương vong.

Dựa trên loại hình bảo hiểm, phân khúc bảo hiểm nhân thọ đạt mức tăng trưởng cao nhất trong năm 2021. Bảo hiểm nhân thọ là sản phẩm thống trị ở Mỹ và hầu hết thế giới. Ví dụ, năm 2018, khoảng 29% bảo hiểm nhân thọ trên toàn cầu được bán thông qua bancassurance, trong khi chỉ có khoảng 2% bảo hiểm tài sản và thương vong, theo McKinsey & Company.

Dựa trên khu vực, châu Âu đạt mức tăng trưởng cao nhất vào năm 2021. Điều này được cho là nhờ các lĩnh vực tài chính, ngân hàng và bảo hiểm đang phát triển trên toàn khu vực.

Tại Đức, kênh bancassurance chiếm khoảng 19% doanh số phí bảo hiểm nhân thọ và khoảng 7% doanh số phí bảo hiểm phi nhân thọ vào năm 2021. Bảo hiểm phi nhân thọ được dự báo là sẽ tăng trưởng với tốc độ đáng kể trong giai đoạn tới.


Hạnh Vũ/dantri.com.vn

https://dantri.com.vn/kinh-doanh/ngan-hang-cac-nuoc-ban-bao-hiem-ra-sao-co-tai-tieng-20230422105953156.htm

  • Từ khóa