Khai mở thị trường UAE

Chủ nhật, 23.04.2023 | 15:45:30
588 lượt xem

Năm 2022, kim ngạch xuất, nhập khẩu giữa Việt Nam và Các tiểu vương quốc Arab thống nhất (UAE) đạt hơn 4,4 tỷ USD, đưa UAE trở thành đối tác thương mại lớn nhất của Việt Nam tại khu vực Trung Đông-Bắc Phi. Tiềm năng hợp tác kinh tế, thương mại giữa Việt Nam và UAE còn rất lớn, bởi hai nền kinh tế có thế mạnh bổ sung cho nhau, đặc biệt khi Hiệp định Thương mại tự do giữa Việt Nam-UAE (CEPA) được đàm phán, ký kết tới đây.

Trong những năm gần đây, quan hệ hợp tác kinh tế, thương mại giữa Việt Nam và UAE có xu hướng tăng trưởng tốt. Nhiều nhóm mặt hàng xuất khẩu mà Việt Nam có thế mạnh như nông sản, thủy sản, thực phẩm chế biến, dệt may, da giày, sản phẩm điện tử, máy móc, thiết bị... tiếp tục có xu hướng tăng trưởng cả về khối lượng và giá trị xuất khẩu.

Năm 2006, kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang UAE chỉ đạt 140 triệu USD; đến năm 2022, kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang UAE đã đạt 3,85 tỷ USD, trong đó Việt Nam đã đạt mức thặng dư thương mại 3,27 tỷ USD. Riêng trong 3 tháng đầu năm 2023, tổng kim ngạch thương mại song phương giữa Việt Nam và UAE ước đạt hơn 1,12 tỷ USD, tăng 22,14% so với cùng kỳ năm 2022.

Doanh nghiệp Việt Nam ký kết hợp tác với doanh nghiệp UAE. Ảnh: VĂN THƯƠNG 

Doanh nghiệp Việt Nam ký kết hợp tác với doanh nghiệp UAE. Ảnh: VĂN THƯƠNG 

Vừa qua, Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên và Tiến sĩ Thani bin Ahmed Al Zeyoudi, Quốc vụ khanh phụ trách thương mại quốc tế, Bộ Ngoại thương UAE đã ký Tuyên bố cấp Bộ trưởng về việc khởi động đàm phán CEPA ngay sau khi Việt Nam hoàn tất thủ tục trong nước. Sự kiện này có ý nghĩa to lớn, mở ra giai đoạn mới về hợp tác chiến lược chung trong nhiều lĩnh vực giữa Việt Nam và UAE. Đặc biệt, UAE được coi là trung tâm tài chính, thương mại của Trung Đông, là cửa ngõ quan trọng để đưa hàng hóa Việt Nam vào Trung Đông, châu Phi và châu Âu. Hơn nữa, UAE có vị trí địa lý chiến lược, có hệ thống logistics hiện đại sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho hàng hóa của Việt Nam tiếp cận và mở rộng ra thị trường toàn cầu.

Theo các chuyên gia, trong cơ cấu kinh tế của UAE, lĩnh vực nông nghiệp chỉ chiếm 0,9% (chủ yếu là chăn nuôi và trồng chà là), lĩnh vực công nghiệp chiếm 49,8% (chủ yếu là khai thác và chế biến dầu thô). Vì vậy, UAE hầu như phụ thuộc hoàn toàn vào nhập khẩu các sản phẩm nông sản, thủy sản, thực phẩm chế biến, dệt may, da giày, máy móc, thiết bị, dụng cụ, phụ tùng, điện thoại, sản phẩm điện tử... để đáp ứng nhu cầu trong nước. Tuy nhiên, UAE lại là thị trường có tính cạnh tranh rất khốc liệt. Hàng hóa Việt Nam sẽ phải cạnh tranh với hàng hóa từ một số quốc gia đã ký hiệp định thương mại tự do với UAE như Ấn Độ, Indonesia, Israel và Thổ Nhĩ Kỳ...

Để có thể thúc đẩy hơn nữa xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam vào UAE, nhiều ý kiến cho rằng, các doanh nghiệp Việt Nam cần phải áp dụng khoa học, công nghệ tiên tiến trong sản xuất, thay đổi phương thức quản lý, giảm các chi phí trung gian, từ đó giảm giá thành sản phẩm, tăng tính cạnh tranh của hàng hóa. Ngoài ra, do UAE là quốc gia Hồi giáo, các doanh nghiệp Việt Nam cũng cần phải tìm hiểu về văn hóa và nhu cầu tiêu dùng của người Hồi giáo, xây dựng hệ thống chứng nhận tiêu chuẩn Halal cho các sản phẩm thực phẩm, đồ uống, mỹ phẩm, thời trang Hồi giáo....

Ở chiều ngược lại, trong lĩnh vực thế mạnh của UAE là năng lượng, Việt Nam luôn coi UAE là một trong những đối tác quan trọng nhất tại khu vực Trung Đông. UAE có trữ lượng dầu, khí lớn, có ngành công nghiệp khai thác và chế biến dầu, khí phát triển và có vị trí, vai trò quan trọng trong ngành năng lượng của thế giới. Việc CEPA được ký kết sẽ là cơ sở pháp lý để hai nước tăng cường hợp tác trong lĩnh vực thăm dò khai thác dầu khí, trao đổi về chuyên môn kỹ thuật, đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao trong lĩnh vực quan trọng này...


Khánh An/qdnd.vn

https://www.qdnd.vn/kinh-te/cac-van-de/khai-mo-thi-truong-uae-725933

  • Từ khóa