Theo kết quả công bố chỉ số năng lực cạnh tranh cấp sở, ban, ngành và cấp địa phương (DDCI) của tỉnh năm 2022, huyện Cao Lộc đứng vị trí cuối cùng trong bảng xếp hạng các huyện, thành phố. Bước sang năm 2023, huyện Cao Lộc đã triển khai nhiều giải pháp cải thiện chỉ số DDCI.
Năm 2022, huyện Cao Lộc có số điểm chỉ số DDCI là 70,96 điểm, xếp ở vị trí thấp nhất toàn tỉnh. Trong đó, nhiều chỉ số thành phần đạt thấp so với điểm trung vị như: chỉ số tiếp cận đất đai và tính ổn định trong sử dụng đất đạt 4,69 điểm, thấp hơn 1,35 điểm; tính minh bạch và tiếp cận thông tin đạt 7,62 điểm, thấp hơn 0,33 điểm… Điều này cho thấy công tác hỗ trợ, giải quyết thủ tục hành chính và các vấn đề của doanh nghiệp khiến các doanh nghiệp chưa thực sự hài lòng, gây ảnh hưởng đến việc cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh trên địa bàn huyện.
Cán bộ tại bộ phận Một cửa huyện Cao Lộc hỗ trợ doanh nghiệp thực hiện các thủ tục hành chính
Theo đánh giá từ UBND huyện Cao Lộc, trong năm 2022, việc công khai các thông tin, văn bản hướng dẫn đôi khi còn chưa kịp thời, ảnh hưởng lớn đến việc tiếp cận thông tin của doanh nghiệp. Cùng đó, các khó khăn trong công tác giải phóng mặt bằng khiến việc triển khai một số dự án gặp vướng mắc, chậm tiến độ gây khó khăn cho nhà đầu tư… Do vậy, một số chỉ số thành phần như: tính minh bạch và tiếp cận thông tin; chỉ số tiếp cận đất đai và tỉnh ổn định trong sử dụng đất… còn đạt thấp.
Trước thực tế trên, để cải thiện chỉ số DDCI, ngay từ đầu năm 2023, UBND huyện Cao Lộc đã triển khai nhiều giải pháp như: ban hành các kế hoạch, văn bản chỉ đạo; cập nhật kịp thời hơn so với trước đây về các thông tin liên quan đến quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất đai và các danh mục dự án đầu tư trên địa bàn huyện tại trang thông tin điện tử của huyện; rà soát, cắt giảm các thủ tục hành chính để tạo điều kiện thuận lợi nhất cho người dân và doanh nghiệp.
Ông Nguyễn Duy Anh, Chủ tịch UBND huyện Cao Lộc cho biết: Trong năm 2023, UBND huyện Cao Lộc đã triển khai kế hoạch cải thiện các chỉ số thành phần chi tiết đối với từng lĩnh vực liên quan. Dựa trên mục tiêu đặt ra, các đơn vị liên quan đã triển khai các giải pháp để nâng cao chất lượng phục vụ người dân, doanh nghiệp trong thực hiện các thủ tục hành chính. Với việc cụ thể hoá nhiệm vụ cho từng lĩnh vực, các giải pháp cải thiện chỉ số DDCI năm 2023 sẽ trở nên sát với thực tiễn hơn. Từ đó, việc cải thiện các chỉ số thành phần được kỳ vọng sẽ đạt hiệu quả cao hơn.
Bám sát nhiệm vụ được giao, các phòng ban chuyên môn đã thực hiện nhiều giải pháp. Đơn cử Phòng Tài nguyên và Môi trường huyện đã tăng cường dịch vụ hỗ trợ doanh nghiệp, minh bạch hoá các thông tin liên quan đến lĩnh vực đất đai. Trong năm 2023, Phòng Tài nguyên và Môi trường huyện được giao cải thiện chỉ số tiếp cận đất đai và tính ổn định trong sử dụng đất đạt 6,04 điểm, cao hơn 1,35 điểm so với năm 2022.
Bà Đỗ Thị Hiền, Trưởng Phòng Tài nguyên và Môi trường huyện cho biết: Đơn vị đã phân công cán bộ phụ trách công tác phối hợp thực hiện việc cập nhật các thông tin, văn bản mới liên quan đến lĩnh vực đất đai, quy hoạch tại trang thông tin điện tử của huyện. Đồng thời, thành lập tổ giải đáp qua điện thoại, Zalo trực tiếp hỗ trợ các doanh nghiệp thực hiện các thủ tục hành chính, giải đáp thắc mắc của doanh nghiệp. Cùng đó, quán triệt đội ngũ cán bộ nêu cao tinh thần trách nhiệm, hướng dẫn doanh nghiệp hoàn thiện các thủ tục nhanh chóng theo quy định.
Tính từ đầu năm 2023 đến nay, Phòng Tài nguyên và Môi trường huyện đã tiếp nhận 69 hồ sơ của người dân và doanh nghiệp liên quan đến thủ tục hành chính trong lĩnh vực đất đai, cơ bản, các hồ sơ đều được xử lý nhanh chóng, trước hạn hoặc đúng hạn.
Tương tự, Văn phòng HĐND&UBND huyện phụ trách cải thiện chỉ số như: minh bạch và tiếp cận thông tin; chi phí thời gian; chi phí không chính thức; vai trò người đứng đầu với mức cao hơn 0,13 – 1,46 điểm. Từ đầu năm 2023 đến nay, đơn vị đã phối hợp các phòng, ban triển khai đăng tải hàng trăm bản tin, văn bản liên quan đến quy định pháp luật, thủ tục hành chính, chính sách mới trên trang thông tin điện tử của huyện để các doanh nghiệp kịp thời nắm bắt. Đồng thời, chủ động liên hệ, lắng nghe và giải đáp các thắc mắc của doanh nghiệp trong lĩnh vực sản xuất, kinh doanh… So với năm 2022, các thông tin được cập nhật thường xuyên, kịp thời hơn.
Ngoài ra, Phòng Tài chính – Kế hoạch và Phòng Tư pháp huyện cũng đang tích cực triển khai nhiều giải pháp để phấn đấu các chỉ số về cạnh tranh bình đẳng, hỗ trợ doanh nghiệp… cao hơn từ 0,5 – 1,2 điểm.
Bước sang năm 2023, Huyện ủy, UBND huyện đã tổ chức các cuộc gặp mặt, đối thoại về một số lĩnh vực đất đai, thuế, ngân hàng, an ninh trật tự với doanh nghiệp trên địa bàn để lắng nghe, tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp (đã tổ chức 3 cuộc, tăng 2 cuộc so với cùng kỳ). Đồng thời, huyện đang vận động các doanh nghiệp thành lập Hội Doanh nghiệp huyện để phát huy vai trò cầu nối giữa doanh nghiệp và chính quyền.
Ông Huỳnh Văn Long, Giám đốc Công ty TNHH Bảo Long, huyện Cao Lộc cho biết: Đầu năm 2023, đơn vị đã phát sinh một số vướng mắc về mặt bằng kinh doanh và trực tiếp được lãnh đạo huyện Cao Lộc giải đáp bằng đối thoại trực tiếp. Đối với việc thực hiện các thủ tục hành chính, cũng đã giải quyết nhanh chóng, tận tình.
Theo số liệu của UBND huyện Cao Lộc, từ đầu năm đến hết tháng 3/2023, bộ phận một cửa UBND huyện đã tiếp nhận 1.039 hồ sơ thủ tục hành chính của người dân, doanh nghiệp. So với cùng kỳ năm 2022, số lượng hồ sơ tăng gấp gần 3 lần, vì vậy, khối lượng công việc rất lớn. Mặc dù vậy, với các giải pháp huyện Cao Lộc đã và đang thực hiện cũng như sự nỗ lực của đội ngũ cán bộ, công chức và các đơn vị liên quan, tỷ lệ hồ sơ được giải quyết trước hạn, đúng hạn đạt vẫn đạt 99%.
Với mục tiêu và giải pháp cụ thể, tin rằng năm 2023, chỉ số DDCI của huyện Cao Lộc sẽ có chuyển biến tích cực. Qua đó, góp phần cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh.
Theo baolangson.vn
https://baolangson.vn/kinh-te/579005-cao-loc-dong-bo-giai-phap-cai-thien-chi-so-ddci.html