Ngày 3/12/1998, Thủ tướng Chính phủ có Quyết định số 1083/QĐ-TTg về việc đầu tư Nhà máy Nhiệt điện Na Dương gồm 2 tổ máy. Để đáp ứng yêu cầu vận hành nhà máy và quản lý dự án đầu tư xây dựng cơ bản, ngày 24/10/2003, Bộ Công nghiệp (nay là Bộ Công Thương) ra Quyết định số 172/QĐ-BCN thành lập Công ty Nhiệt điện Na Dương. Kể từ đó đến nay, cán bộ, công nhân viên, lao động của Công ty luôn nỗ lực, phấn đấu lao động sản xuất và khẳng định vai trò quan trọng trong việc mang “nguồn sáng” đến các địa bàn
Nhân viên trực vận hành hệ thống điều khiển phân tán (DCS) tại Phòng điều khiển trung tâm của Công ty Nhiệt điện Na Dương – TKV
Hơn 20 năm trước, xuất phát từ mục đích nâng cao sản lượng điện đủ để đáp ứng nhu cầu tiêu thụ điện trong giai đoạn 1999 – 2010, đồng thời tạo điều kiện khôi phục sản xuất cho mỏ than Na Dương nói riêng, thúc đẩy phát triển sản xuất khu vực Lạng Sơn nói riêng, vùng núi phía Bắc nói chung, Tổng công ty Than Việt Nam (nay là Tập đoàn Công nghiệp Than – Khoáng sản Việt Nam) đã trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt đầu tư một nhà máy nhiệt điện đốt than ngay tại mỏ than Na Dương, huyện Lộc Bình, tỉnh Lạng Sơn. Theo đó, tập đoàn đã tiên phong lựa chọn sử dụng công nghệ lò tầng sôi tuần hoàn (CFB) tại Nhà máy Nhiệt điện Na Dương. Đây cũng là công nghệ đầu tiên áp dụng tại Việt Nam để sử dụng, tận dụng nguồn than chất lượng thấp để phát điện với quy mô công suất lớn.
Từng bước khẳng định vai trò
Từ khi được đầu tư xây dựng và chính thức nghiệm thu, đưa vào vận hành thương mại đến nay, nhà máy luôn hoạt động ổn định. Sản lượng điện hằng năm luôn hoàn thành vượt mức kế hoạch mà Tập đoàn, Tổng Công ty điện lực – TKV đề ra, đáp ứng yêu cầu huy động lên hệ thống lưới điện quốc gia. Hơn 20 năm qua, tổng sản lượng điện mà Công ty Nhiệt điện Na Dương – TKV phát ra là trên 12.622.894 MWh. Trong đó, sản lượng điện bình quân hằng năm đạt 736.155 MWh; sản lượng điện đạt cao nhất vào năm 2019 với 838.042 MWh. Cùng với việc cung cấp sản lượng điện lớn cho hệ thống điện quốc gia, công ty tạo ra doanh thu gần 1.000 tỷ đồng/năm.
Các công nhân Phân xưởng sửa chữa thay băng tải hệ thống cấp than tại nhà máy của Công ty Nhiệt điện Na Dương – TKV
Trong 20 năm qua, không chỉ hoàn thành vượt mức các chỉ tiêu kinh tế – kỹ thuật được Tổng Công ty giao, Công ty Nhiệt điện Na Dương – TKV luôn đảm bảo an toàn lao động, không để xảy ra tai nạn lao động đối với con người và sự cố thiết bị (sự cố từ nặng đến nghiêm trọng); thực hiện có hiệu quả nguồn vốn đầu tư xây dựng cơ bản được Tổng công ty, Tập đoàn giao, đảm bảo chất lượng và yêu cầu tiến độ.
Ông Phạm Xuân Phong, Phó Tổng Giám đốc, Tổng Công ty Nhiệt điện – TKV cho biết: Kể từ khi thành lập cho đến nay, Công ty Nhiệt điện Na Dương – TKV đã khẳng định vai trò khi góp phần bù đắp sự thiếu hụt điện năng cấp thiết trong giai đoạn 1999 – 2010 và đặc biệt là giải quyết cung cấp điện cho khu vực Lạng Sơn, Cao Bằng và các vùng lân cận xa nguồn điện; tận dụng tài nguyên than, tận dụng cơ sở vật chất mà Nhà nước đã đầu tư vào mỏ than Na Dương và khu vực. Qua đó, góp phần tạo dựng một khu công nghiệp có hiệu quả kinh tế cao, thúc đẩy sự phát triển kinh tế – xã hội ở vùng miền núi tỉnh Lạng Sơn…
Hơn 20 năm qua, tổng sản lượng điện mà Công ty Nhiệt điện Na Dương – TKV phát ra là trên 12.622.894 MWh; doanh thu đạt gần 1.000 tỷ đồng/năm. |
Quan tâm đến người lao động
Hiện nay, công ty có tổng số 265 cán bộ, công nhân viên, trong đó có 181 cán bộ, công nhân viên là người địa phương (chiếm 68%). Với sự nỗ lực, năng động, sáng tạo, đội ngũ cán bộ, kỹ sư công nhân nhà máy đã làm chủ công nghệ, sản xuất an toàn. Đời sống, thu nhập và điều kiện làm việc của cán bộ, công nhân ngày càng được cải thiện tốt hơn, năm sau cao hơn năm trước. Cụ thể năm 2022, thu nhập bình quân của cán bộ, công nhân đạt 18,3 triệu đồng/người/tháng.
Anh Lê Đức Thắng, cán bộ Phòng Kỹ thuật – An toàn, Công ty Nhiệt điện Na Dương – TKV cho biết: Tôi sinh ra và lớn lên ở thị trấn Na Dương, huyện Lộc Bình. Năm 2003, tôi làm công nhân phân xưởng hóa tại công ty. Trong quá trình làm việc, với sự nỗ lực của bản thân và được công ty tạo điều kiện nâng cao năng lực và trình độ, năm 2012 tôi được phân công là cán bộ Phòng Kỹ thuật – An toàn. Theo đó, thu nhập của tôi cũng được tăng lên theo vị trí việc làm.
Bên cạnh đó, công ty cũng quan tâm đầu tư xây dựng sân bãi tập thể dục thể thao và tích cực đẩy mạnh các phong trào văn hóa, văn nghệ, thể thao. Hiện nay, công ty có nhà rèn luyện thể chất (tập luyện các môn bóng chuyền, cầu lông, bóng bàn…), sân bóng đá và sắp tới sẽ có thêm sân quần vợt để cán bộ, công nhân có nơi vui chơi, giải trí sau giờ làm việc. Hằng năm, công ty tổ chức từ 2 giải thể thao trở lên, tổ chức cho cán bộ, công nhân đi tham quan, du lịch… Với sự phát triển mạnh mẽ của phong trào thể dục thể thao, công ty thường xuyên được Tổng Công ty Nhiệt điện – TKV lựa chọn là nơi tổ chức các giải thể thao cấp tổng công ty.
Làm chủ thiết bị, công nghệ hiện đại
Nhằm hiện đại hóa hoạt động từ quản trị đến vận hành, Công ty Nhiệt điện Na Dương -TKV luôn ứng dụng các hệ thống phần mềm công nghệ thông tin, máy móc hiện đại và là một trong những đơn vị tiên phong cải tiến kĩ thuật và đổi mới công nghệ. Cụ thể, từ khi bắt đầu đi vào hoạt động cho đến nay, hệ thống điều khiển phân tán (DCS) đã được Tổng Công ty Điện lực -TKV triển khai tại Công ty Nhiệt điện Na Dương – TKV. Hệ thống được vận hành, hoạt động ổn định tại phòng điều kiển trung tâm của nhà máy và luôn kịp thời được nâng cấp phiên bản mới nhất. Hệ thống vận hành theo đúng các thông số thiết kế nhà máy, giảm thiểu sự cố và tiết giảm các chi phí vận hành, sửa chữa.
Ông Hà Quang Thứ, Phó Giám đốc Công ty Nhiệt điện Na Dương – TKV cho biết: Hiện nay, cán bộ, công nhân, lao động của công ty đã hoàn toàn làm chủ công nghệ, thiết bị ở từng công đoạn vận hành nhà máy từ cấp than, nước đến đốt lò, xả thải… trong nhà máy, đảm bảo khép kín, vận hành an toàn và bảo vệ môi trường sinh thái. Đối với công tác điều hành và xử lý công việc của công ty, chúng tôi luôn chú trọng nâng cấp các chức năng mới của phần mềm văn phòng điện tử PortalOffice để phục vụ hiệu quả cho công tác quản lý.
Công nhân Phân xưởng sửa chữa thay khớp giãn nở đường gió tại nhà máy của Công ty Nhiệt điện Na Dương – TKV
Ngoài ra, xuất phát từ chương trình nâng cao ứng dụng tự động hóa trong dây chuyền sản xuất, bộ phận kỹ thuật của công ty đã nghiên cứu, triển khai áp dụng chương trình tự động hóa cho hệ thống băng tải thải xỉ ra ngoài hàng rào nhà máy. Nhờ đó, từ việc cần công nhân vận hành giám sát tại chỗ, đến nay việc giám sát vận hành được thực hiện từ phòng trực thông qua hệ thống điều khiển, camera giám sát, giúp công ty tiết kiệm được chi phí và nhân công.
Để giám sát các thông số phát thải ra môi trường theo quy định, công ty đã lắp đặt hệ thống quan trắc khí thải tự động 24/24 giờ. Đồng thời, hệ thống được kết nối và truyền số liệu về Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Lạng Sơn theo quy định để giám sát. Ngoài ra, công ty còn lắp bảng điện tử công khai số liệu phát thải khí thải, nước thải tại vị trí cổng vào của đơn vị để thực hiện giám sát cộng đồng. Nhờ áp dụng công nghệ tiên tiến, lượng khí thải, nước thải phát sinh hằng năm của Nhà máy Nhiệt điện Na Dương luôn được xử lý đảm bảo quy định của pháp luật.
Với những nỗ lực, cố gắng của tập thể cán bộ, công nhân viên trong 20 năm qua, công ty đã đạt được nhiều thành tích. Tiêu biểu là Huân chương Lao động hạng Nhì (2007 – 2011) của Chủ tịch nước, bằng khen của Thủ tướng Chính phủ và nhiều bằng khen của Ủy ban quản lý vốn, Bộ Công Thương, Tập đoàn Công nghiệp Than – Khoáng sản Việt Nam, UBND tỉnh Lạng Sơn, của các sở, ban, ngành trên địa bàn tỉnh và của Tổng Công ty Điện lực – TKV.
Những kết quả đáng ghi nhận trên không chỉ minh chứng cho sự nỗ lực của Công ty Nhiệt điện Na Dương – TKV trong quá trình tiếp cận, làm chủ thiết bị công nghệ hiện đại mà còn tạo động lực thúc đẩy sự phát triển ngành công nghiệp điện của Tập đoàn Công nghiệp Than – Khoáng sản nói riêng và Việt Nam nói chung.
Theo baolangson.vn