Huyện Bắc Sơn có 12 chợ truyền thống, nhiều nhất trong 11 huyện, thành phố của tỉnh. Để nâng cao hiệu quả hoạt động của các chợ, thời gian qua, các cấp chính quyền huyện đã triển khai nhiều giải pháp, thu hút nguồn lực đầu tư, tháo gỡ những khó khăn, từng bước chuyển đổi mô hình quản lý chợ.
Ban Quản lý chợ Trung tâm thị trấn Bắc Sơn kiểm tra việc thực hiện nội quy chợ tại các gian hàng
Thực hiện chủ trương của tỉnh về việc thu hút đầu tư, nâng cấp hạ tầng và chuyển đổi mô hình quản lý chợ truyền thống, năm 2017, UBND huyện Bắc Sơn đã tạo điều kiện để nhà đầu tư đến khảo sát, thực hiện dự án xây mới chợ Trung tâm thị trấn Bắc Sơn với tổng mức đầu tư 46 tỷ đồng. Đến tháng 6/2019, chợ đã hoàn thiện và đưa vào khai thác hiệu quả.
Từ thành công trong việc đầu tư, chuyển đổi mô hình của chợ Trung tâm thị trấn Bắc Sơn, năm 2020, UBND huyện đã thành lập Ban chuyển đổi mô hình quản lý chợ trên địa bàn (Ban chuyển đổi) để tập trung các giải pháp thu hút đầu tư, nâng cấp, chuyển đổi toàn diện 11 chợ xã còn lại. Sau 3 năm nỗ lực thực hiện, Ban chuyển đổi đã thu hút đầu tư và giao 11/11 chợ xã cho 3 doanh nghiệp, 3 hợp tác xã (HTX) xây dựng, quản lý và khai thác. Hiện các xã như: Tân Tri, Chiến Thắng, Vũ Sơn, Vũ Lăng, Đồng Ý cơ bản đã hoàn thành xong việc đầu tư xây dựng chợ và đưa vào khai thác; các chợ còn lại đều đã có phương án đầu tư.
Theo đánh giá của Ban chuyển đổi, mặc dù số chợ đã được đầu tư nâng cấp hoàn thiện khá lớn, nhưng do nhiều nguyên nhân, hoạt động kinh doanh, buôn bán trong khu vực các chợ vẫn còn vướng mắc như: công tác quản lý chợ của các đơn vị sau khi nhận chuyển giao còn có hạn chế, chưa thực hiện đầy đủ các quy định hiện hành; việc xây dựng nội quy chợ, phương án bố trí, sắp xếp ngành hàng, địa điểm cho các hộ kinh doanh chưa được cụ thể, phù hợp… Đặc biệt, vẫn còn tình trạng các tiểu thương không vào trong khuôn viên chợ kinh doanh mà bán hàng hóa ở quanh khu vực chợ, ven đường…
Ông Hoàng Thanh Bình, Trưởng Phòng Kinh tế - Hạ tầng huyện Bắc Sơn cho biết: Từ năm 2023, phòng đã tham mưu Ban chuyển đổi rà soát, chỉ ra những nút thắt để chủ động phối hợp với các ngành, cơ quan, doanh nghiệp, HTX triển khai các biện pháp tháo gỡ. Theo đó, đối với những vướng mắc trong công tác quản lý chợ, ban đã làm việc cụ thể với các doanh nghiệp, HTX đầu tư, quản lý chợ và yêu cầu các đơn vị tập trung triển khai thực hiện việc quản lý theo đúng phương án, bố trí, sắp xếp ngành hàng hợp lý, khai thác hiệu quả các điểm kinh doanh; xây dựng hoàn thiện nội quy chợ và phương án giá cho thuê điểm kinh doanh theo quy định.
Nhờ đó, ban quản lý các chợ đã từng bước khắc phục, tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động kinh doanh của tiểu thương. Ông Nguyễn Văn Khánh, tiểu thương kinh doanh cố định tại chợ Trung tâm thị trấn Bắc Sơn cho biết: Thời gian qua, chúng tôi đã được ban quản lý chợ tuyên truyền, giải thích rõ ràng về nội quy chợ, qua đó tạo điều kiện thuận lợi để chúng tôi kinh doanh, buôn bán. Đặc biệt là công tác vệ sinh môi trường, thu gom rác thải, phòng cháy chữa cháy… ngày càng được quan tâm, giúp tiểu thương và người dân an tâm hơn khi đến kinh doanh, mua sắm tại chợ.
Đối với vấn đề đưa tiểu thương vào chợ kinh doanh, cuối năm 2023, UBND huyện yêu cầu chính quyền các xã, thị trấn có chợ phối hợp với phòng chuyên môn của huyện, các đội trật tự đẩy mạnh tuyên truyền trên các phương tiện thông tin đại chúng, tuyên truyền trực tiếp tại các chợ phiên về chuyển đổi mô hình quản lý chợ; vận động và tổ chức cho các tiểu thương ký cam kết chuyển vào khu vực chợ kinh doanh theo đúng quy định; đồng hành, hỗ trợ doanh nghiệp trong việc bố trí, sắp xếp ngành hàng tại chợ.
Bà Phạm Thị Hợi, Giám đốc Công ty TNHH MTV Xây dựng Thương mại Phạm Trung Kiên, Trưởng Ban Quản lý chợ Nhất Hòa cho biết: Chợ Nhất Hòa được công ty đầu tư, đưa vào khai thác từ năm 2023. Là đơn vị mới tham gia vào lĩnh vực đầu tư, khai thác chợ nên chúng tôi chưa có kinh nghiệm xây dựng phương án bố trí, sắp xếp ngành hàng… đặc biệt là việc đưa các tiểu thương vào kinh doanh tại chợ. Sau khi được các cấp chính quyền huyện, xã phối hợp với ban quản lý chợ tuyên truyền, vận động các tiểu thương kinh doanh ngoài hành lang chợ, ven tuyến đường vào trong chợ mà hiện nay, trung bình mỗi phiên chợ thu hút trên 200 tiểu thương, trong đó có gần 100 hộ kinh doanh cố định.
Với việc triển khai đồng bộ các giải pháp, đến nay, các chợ của huyện Bắc Sơn đã có khoảng 850 tiểu thương kinh doanh cố định (tỉ lệ lắp đầy các ki ốt đạt 100%); việc đóng nộp ngân sách nhà nước được thực hiện đầy đủ theo đúng quy định.
Hiện tại, Ban chuyển đổi tiếp tục yêu cầu các doanh nghiệp, HTX đã đầu tư xong hạ tầng chợ hoàn chỉnh hồ sơ, trình cơ quan có thẩm quyền xem xét, thẩm định để thực hiện chính sách hỗ trợ đầu tư xây dựng chợ nông thôn theo quy định tại Nghị quyết số 16 ngày 7/7/2022 của HĐND tỉnh về một số chính sách hỗ trợ đầu tư trên địa bàn tỉnh Lạng Sơn. Đồng thời, hoàn hiện các thủ tục còn thiếu để ngành công thương tỉnh phê duyệt các phương án quản lý chợ, từ đó nhanh chóng đưa chợ vào hoạt động bài bản, hiệu quả, từng bước hoàn thiện mục tiêu đầu tư, chuyển đổi mô hình quản lý chợ huyện đã đề ra.
Theo baolangson.vn
https://baolangson.vn/bac-son-nang-cao-hieu-qua-hoat-dong-cua-cho-truyen-thong-5001621.html