Trường hợp khách hàng phát sinh nợ xấu và nợ xấu của thẻ tín dụng, phía ngân hàng sẽ cố gắng thu hồi nợ càng sớm càng tốt. Sự việc với thẻ tín dụng Eximbank, theo chuyên gia, là hy hữu.
Vụ việc ông P.H.A (Quảng Ninh), một khách hàng của Eximbank không thanh toán thẻ tín dụng và sau 11 năm, nợ xấu từ 8,5 triệu lên thành 8,8 tỷ đồng diễn ra gần đây khiến nhiều khách hàng băn khoăn về việc các ngân hàng thường xử lý ra sao với thẻ tín dụng có nợ xấu.
Trả lời phóng viên Dân trí, thạc sĩ ngân hàng, tài chính và công nghệ tài chính Lê Duy Diện cho biết ngoài việc cung cấp đa kênh để phục vụ khách hàng, cập nhật liên tục thông tin liên quan đến các dịch vụ cung cấp cho mỗi khách hàng, ngân hàng cũng luôn có các phương án và quy trình xử lý tuân thủ theo quy định của pháp luật và theo thỏa thuận hợp đồng với khách hàng.
Trong trường hợp khách hàng phát sinh nợ xấu nói chung và nợ xấu của thẻ tín dụng nói riêng, phương án xử lý của ngân hàng thông thường sẽ là thu hồi nợ càng sớm càng tốt.
Vị này cho biết, mỗi ngân hàng sẽ dựa trên dư nợ phát sinh, hợp đồng tín dụng đã ký với khách hàng và một số căn cứ pháp luật như Thông tư số 11/2021 quy định về phân loại tài sản có, mức trích, phương pháp trích lập dự phòng rủi ro và việc sử dụng dự phòng để xử lý rủi ro trong hoạt động của tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài…, từ đó phân loại nhóm nợ của khách hàng, có phương án xử lý phù hợp.
Phía ngân hàng sẽ cố gắng thu hồi nợ càng sớm càng tốt với các khách hàng nợ thẻ tín dụng quá hạn (Ảnh: Mỹ Tâm).
Thông thường, khi khách hàng sử dụng thẻ tín dụng bị nợ xấu, ngân hàng sẽ liên hệ với chủ thẻ qua các kênh mà khách hàng đã cung cấp trước đó khi làm hợp đồng mở thẻ, như gửi SMS nhắc, gửi email, gửi thư đến địa chỉ thường trú/địa chỉ hiện tại/địa chỉ công ty… về khoản nợ quá hạn và các loại phí/lãi nếu có để khách hàng thanh toán càng sớm càng tốt.
Trong trường hợp mọi nỗ lực liên hệ với khách hàng không được và không giải quyết được khoản nợ thẻ tín dụng, ngân hàng cũng có thể xem xét cơ cấu lại khoản nợ thẻ, hoặc xử lý tài khoản đảm bảo (đối với một số loại thẻ tín dụng nhưng có gán với tài sản thế chấp như sổ tiết kiệm…), đẩy thông tin nợ xấu lên hệ thống Trung tâm Thông tin tín dụng Quốc gia Việt Nam (CIC) để lưu lại lịch sử nợ xấu của khách hàng, từ đó ngăn chặn khách hàng tiếp cận quan hệ tín dụng về sau.
"Bước cuối cùng, trong trường hợp mọi nỗ lực thu hồi nợ không được, ngân hàng sẽ khởi kiện khách hàng ra tòa án", vị chuyên gia có nhiều năm làm việc trong lĩnh vực ngân hàng thông tin.
Tuy nhiên, nếu các khoản nợ xấu của thẻ tín dụng chỉ ở mức tương đối thấp, vài trăm nghìn đến vài chục triệu đồng, việc xử lý nợ xấu ở bước kiện ra tòa án sẽ tốn công sức, chi phí. Chưa kể , việc này làm mất uy tín của cả ngân hàng và khách hàng nên hầu hết 2 phía ngân hàng và khách hàng đều cố gắng, nỗ lực để thanh toán và hoàn tất khoản nợ này sớm nhất.
"Đây là một trong những cách thức để ngân hàng bảo vệ khách hàng, giúp họ yên tâm, sử dụng dịch vụ thẻ tín dụng nhiều hơn", ông Diện cho biết và nhận định sự việc xảy ra tại Eximbank thời gian gần đây là hy hữu.
Theo dantri.com.vn