Hơn 13.000 hecta vườn cây sầu riêng ở các xã ven sông Tiền, vùng cù lao (huyện Cai Lậy, Tiền Giang) đang bị nước mặn bủa vây, có nguy cơ thiệt hại nặng
Hiện nay, nước mặn từ biển Đông xâm nhập sâu vào sông Tiền (tỉnh Tiền Giang). Nước mặn 3 phần nghìn đã lấn sâu cách cửa sông hơn 70km, đe dọa 79.000 hecta vườn cây ăn trái tại địa phương. Đặc biệt, hơn 13.000 hecta vườn cây sầu riêng ở các xã ven sông Tiền, vùng cù lao thuộc huyện Cai Lậy đang bị nước mặn bủa vây, có nguy cơ thiệt hại nặng.
Khoảng một tuần nay, khu vườn 2 hecta cây sầu riêng của gia đình ông Dương Văn Đây, cũng như hàng trăm hộ dân khác ở cù lao xã Ngũ Hiệp, huyện Cai Lậy đều hết nước ngọt để tưới cho cây. Nước dưới sông Tiền có độ mặn từ 1- 3 phần nghìn bao trùm toàn bộ cù lao; trong khi đó, cây sầu riêng không thể chịu được nước mặn 1 phần nghìn.
Nhiều vườn cây sầu riêng ở huyện Cai Lậy đã hết nguồn nước ngọt để phun tưới |
“So với năm 2016, hiện nay nước mặn cao hơn gấp 3 lần. Đối với vườn sầu riêng ở đây rất nguy hiểm, một số vườn sầu riêng đang mang trái thì đang xuống sức. Nước trong mương vườn hiện nay đã cạn hết. Một số con mương nếu còn dự trữ được thì thối rất nhiều, tưới rất nguy hiểm. Hiện nay, bà con nông dân đang tìm giải pháp: một là dùng sà lan chở nước đem về bơm lên vũng. Thứ hai, những cây đang mang trái thì phải tuốt bỏ, nếu không bỏ thì kéo dài 2 tháng nữa không thể cứu cây được. Hiện nay, một số vườn đang bị ảnh hưởng của nước mặn”, ông Dương Văn Đây lo lắng.
Nhà vườn Dương Văn Đây xã Ngũ Hiệp, huyện Cai Lậy chăm chút từ giọt nước từ hệ thống ống bơm nước cho gốc sầu riêng |
Toàn cù lao Ngũ Hiệp có hơn 1.600 hecta vườn cây sầu riêng chuyên canh. Do hệ thống kênh rạch nơi đây chằng chịt, chưa có cống đập khép kín, nên nước mặn đã tràn ngập hết các khu vực. Đặc biệt, nhiều khu vườn sầu riêng ven sông, rạch nước mặn đã thẩm thấu vào mương vườn từ 0,4-0,9 phần nghìn. Một số vườn sầu riêng không còn nước tưới có biểu hiện bị cháy lá, vàng lá.
Cán bộ xã giúp người dân kiểm tra độ mặn trước khi phun tưới cho vườn sầu riêng |
Theo nhà vườn, nếu khoảng nửa tháng sau mà không có nguồn nước ngọt thì nhiều vườn sầu riêng sẽ chết trắng. Ở thời điểm này, để cứu vườn cây, nhiều nhà vườn đã thuê sà lan chở nước ngọt từ nơi khác đến “cứu khát “ với giá từ 5 -10 triệu đồng/phương tiện (trên 150 m3 nước). Đây là biện pháp tình thế hữu hiệu nhất trong giai đoạn cao điểm hạn mặn.
Nhiều vườn cây sầu riêng đã vàng lá do thiếu nước ngọt |
“Xã Ngũ Hiệp tập trung vận động người dân một số diện tích đang cho trái thì thuê sà lan chở nước ngọt về trữ mũ bạc. Trên địa bàn xã đã vận động được 20 hộ làm rồi, một số hộ nữa đang tiếp tục liên hệ làm, đây là giải pháp tình thế thôi. Giải pháp nữa là theo dõi đo độ mặn duy trì hàng ngày và xem xét con nước từ 20 âm lịch đến 25 âm lịch nếu nước mặn dưới 1 phần nghìn thì lấy tiếp tục trữ nước”, ông Đỗ Quốc Khánh, Chủ tịch UBND xã Ngũ Hiệp cho biết.
Toàn hệ thống kênh mương vùng cù lao Ngũ Hiệp đều nhiễm mặn |
Tại các xã có diện tích cây sầu riêng lớn nhất của huyện Cai Lậy như: Tam Bình, Long Trung, Hội Xuân, Phú An, Long Tiên… cũng khan hiếm nguồn nước ngọt. Đối với các vườn sầu riêng mà chủ vườn có biện pháp dự trữ nguồn nước ngọt phun tưới thì cây còn xanh tốt. Còn những vườn cây xa nguồn nước, xa sông rạch, sà lan không thể tiếp tế nước ngọt thì có nguy cơ chết trắng trong vài ngày tới.
Ông Ngô Tấn Lâm xã Tam Bình sáng kiến hồ " điều tiết" bơm, trữ nước ngọt chống hạn bảo vệ an toàn 1ha cây sầu riêng |
Ông Ngô Tấn Lâm, nhà vườn trồng 1 hecta cây sầu riêng (ở ấp Bình Thanh, xã Tam Bình, huyện Cai Lậy) cho biết, nhờ chủ động xây dựng hồ “ iều tiết” nước ngọt từ sông Tiền vào chứa trong mương vườn nên mùa khô này không sợ thiếu nước. Mô hình này có thể nhân rộng trong điều kiện hạn mặn tấn công.
Nhờ tích nước nên vườn cây này đủ nước ngọt trong mùa khô hạn |
Trước tình hình nước mặn xâm nhập sâu đe dọa vườn cây sầu riêng, lãnh đạo tỉnh và các ngành chức năng tỉnh Tiền Giang, huyện Cai Lậy đã tổ chức nhiều chuyến đi khảo sát, kiểm tra, tìm giải pháp ứng phó. Tuy nhiên, do nước mặn từ sông Hàm Luông(tỉnh Bến Tre) đạp mạnh qua khu vực này kết hợp với triều cường từ biển Đông làm cho độ mặn trên sông Tiền khu vực huyện Cai Lậy luôn ở mức cao. Do đó, các phương án để bảo vệ vườn sầu riêng tại thời điểm này rất khó khăn. Huyện Cai Lậy đầu tư khẩn cấp 7,6 tỷ đồng hỗ trợ cho các xã sửa chữa cống đập, nạo vét kênh mương trử nước để mong “cứu khát” cho vườn cây sầu riêng. Giải pháp lâu dài được đặt ra là phải hoàn thiện hệ thống cống đập, đê bao theo vùng khép kín để trữ ngọt, ngăn mặn mới cứu vãn được vườn cây sầu riêng và chống chịu với hạn mặn./.
Nhật Trường/VOV.VN
https://vov.vn/kinh-te/tien-giang-nuoc-man-bua-vay-vuon-sau-rieng-dac-san-dieu-dung-1010664.vov