Cựu chiến binh Văn Quan Vươn lên từ nguồn vốn vay ưu đãi

Thứ 7, 27.07.2024 | 08:51:18
480 lượt xem

Những năm qua, nhiều hội viên cựu chiến binh (CCB) trên địa bàn huyện Văn Quan đã mạnh dạn vay nguồn vốn vay ưu đãi của Ngân hàng Chính sách xã hội (NHCSXH) để đầu tư phát triển kinh tế, vươn lên thoát nghèo. Đến nay, Hội CCB huyện Văn Quan có dư nợ cho vay ủy thác với Phòng Giao dịch NHCSXH huyện đạt gần 100 tỷ đồng, đây là đơn vị có dư nợ cho vay ủy thác qua hội CCB cao thứ 3 so với các huyện, thành phố trong tỉnh.

 

Cựu chiến binh Hà Văn Dân, xã Yên Phúc sử dụng nguồn vốn vay ưu đãi để phát triển mô hình sản xuất cao khô

Trước đây, gia đình CCB Hà Văn Dân, thôn Chợ Bãi 1, xã Yên Phúc thuộc diện khó khăn, từ nguồn vốn vay của NHCSXH, gia đình ông đã đầu tư mở rộng xưởng sản xuất cao khô. Ông Hà Văn Dân chia sẻ: Gia đình tôi duy trì nghề làm cao khô truyền thống nhưng trước đây chỉ làm thủ công nên hiệu quả và năng suất không cao. Năm 2015, được sự hướng dẫn của cán bộ Hội CCB xã, tôi làm hồ sơ vay 50 triệu đồng của Phòng Giao dịch NHCSXH huyện để đầu tư máy móc và mở rộng sản xuất. Nhờ đó, trung bình mỗi ngày, gia đình tôi sản xuất được hơn 1.500 bó cao khô xuất bán ở trong và ngoài tỉnh, thu nhập đem lại 200 triệu đồng/năm. Mới đây, gia đình tôi đã tiếp tục vay 100 triệu đồng để mở rộng quy mô sản xuất cao khô.

Còn gia đình CCB Nông Văn Thìn, thôn Nà Me, xã Liên Hội cũng đã được tiếp sức kịp thời từ nguồn vốn vay ưu đãi để mở xưởng sản xuất gạch bê tông. Ông Thìn cho biết: Trước đây, gia đình tôi chủ yếu làm ruộng nên thu nhập bấp bênh, năm 2015, tôi vay 50 triệu đồng từ NHCSXH để đầu tư mở xưởng sản xuất gạch. Trong quá trình vay vốn, bản thân tôi luôn chủ động tìm hiểu kinh nghiệm sản xuất gạch chất lượng, nhờ đó, trung bình mỗi năm gia đình tôi có thu nhập trên 300 triệu đồng. Năm 2022, gia đình tôi tiếp tục vay 100 triệu đồng để mở cửa hàng kinh doanh vật liệu xây dựng, điện nước, tạp hóa, nhờ đó kinh tế gia đình tôi đã ổn định hơn trước.

Trên đây chỉ là 2 trong nhiều trường hợp CCB vươn lên phát triển kinh tế từ nguồn vốn vay ưu đãi của NHCSXH. Tính đến nay, dư nợ cho vay ủy thác của Hội CCB huyện với Phòng Giao dịch NHCSXH huyện là gần 100 tỷ đồng, tăng 4,2 tỷ đồng so với thời điểm 31/12/2023, với 1.397 lượt hộ vay. Doanh số cho vay từ đầu năm 2024 đến nay là 15,2 tỷ đồng với trên 200 hộ vay. Hội viên CCB trên địa bàn huyện chủ yếu sử dụng vốn để trồng, chăm sóc rừng (hồi, keo, sở); phát triển chăn nuôi (trâu, bò, lợn) và kinh doanh dịch vụ…

Ông Nguyễn Đình Dương, Chủ tịch Hội CCB huyện cho biết: Toàn huyện hiện có 18 hội cơ sở, 121 chi hội với trên 3.000 hội viên. Những năm qua, xác định nguồn vốn vay ưu đãi có vai trò quan trọng giúp các hội viên phát triển kinh tế, giảm nghèo bền vững, Hội CCB huyện đã phối hợp với NHCSXH huyện nhận ủy thác từ NHCSXH để hội viên vay vốn, xây dựng và mở rộng quy mô phát triển kinh tế. Cùng với đó, chỉ đạo các hội cơ sở tích cực tuyên truyền đến hội viên về các chương trình cho vay ưu đãi của Chính phủ, đặc biệt là các chương trình cho vay mới. Bên cạnh đó, các cấp hội chú trọng đến việc hướng dẫn các hộ đầu tư vốn để xây dựng các mô hình kinh tế phát huy thế mạnh, lợi thế của huyện.

Để phát huy hiệu quả nguồn vốn, các cấp hội CCB trên địa bàn huyện đã tuyên truyền, vận động hội viên tham gia các lớp dạy nghề, tập huấn, chuyển giao khoa học kỹ thuật. Hằng năm, huyện hội đã tích cực phối hợp với Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Hội Nông dân huyện tổ chức từ 3 đến 5 lớp tập huấn về kỹ thuật trồng và chăm sóc rừng, kỹ thuật chăn nuôi, phòng trừ dịch bệnh… cho trên 200 lượt hội viên. Qua đó, giúp hội viên CCB có kiến thức áp dụng vào sản xuất.

Bên cạnh đó, công tác kiểm tra, giám sát cũng được các cấp hội CCB huyện chú trọng. Theo đó, hằng năm, các hội cơ sở nhận ủy thác tiến hành kiểm tra 100% tổ TK&VV và hộ vay. Qua kiểm tra, các hộ vay vốn đều sử dụng vốn đúng mục đích, có hiệu quả. Nhờ phát huy hiệu quả nguồn vốn, đến nay, hội duy trì gần 30 mô hình kinh tế do hội viên CCB làm chủ có thu nhập bình quân từ 100 triệu đồng – 300 triệu đồng/năm trở lên, tạo việc làm ổn định cho hơn 1.000 lao động tại địa phương.

Nhờ nguồn vốn vay ưu đãi, đời sống của hội viên CCB trên địa bàn huyện từng bước được nâng cao, từ đó đóng góp vào sự phát triển kinh tế – xã hội của huyện. Đến hết năm 2023, tỷ lệ hộ CCB nghèo toàn huyện còn 9,47%, giảm 10,1% so với năm 2022; tỷ lệ hộ CCB khá và giàu đạt 66,7%, tăng 4% so với năm 2022.


Theo baolangson.vn

https://baolangson.vn/cuu-chien-binh-van-quan-vuon-len-tu-nguon-von-vay-uu-dai-5016244.html

  • Từ khóa