Cần tái cấu trúc lại thị trường để không phụ thuộc quá vào một thị trường, tái cấu trúc lại nguồn nguyên liệu để sản xuất trong nước ổn định.
Trước tình hình diễn biến phức tạp của dịch bệnh Covid-19, nhiều chuyên gia kinh tế nhận định dịch bệnh sẽ tác động trực tiếp hoặc gián tiếp tới toàn bộ các ngành, lĩnh vực của nền kinh tế và lan tỏa lâu dài. Do đó, khả năng hoàn thành các mục tiêu, chỉ tiêu về kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2020 được Quốc hội giao là rất khó khăn, đặc biệt là mục tiêu tăng trưởng kinh tế, thương mại, xuất nhập khẩu các quý và cả năm 2020. Trong bối cảnh này việc đa dạng hóa thị trường xuất khẩu được xem là giải pháp cấp bách cho kinh tế Việt Nam.
Dịch bệnh Covid-19 đã và đang làm cho kinh tế nước ta bị tác động nhiều mặt. Dịch bệnh không chỉ gây tác động trực tiếp đến việc xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc mà nhiều ngành nghề khác như: cơ khí, chế biến, chế tạo, dệt may... cũng đang gặp khó khăn bởi ảnh hưởng phải nhập khẩu nguyên liệu đầu vào, phụ tùng, linh kiện… để sản xuất.
Nhiều ngành nghề như cơ khí, chế biến, chế tạo, dệt may ... đang gặp khó khăn bởi ảnh hưởng của dịch bệnh Covid 19. |
“Kinh tế Việt Nam sẽ bị tác động rất nhiều mặt vì dịch bệnh Covid-19, đó là ảnh hưởng về du lịch, xuất khẩu sang Trung Quốc sẽ gặp khó khăn, nhập khẩu đang gặp nhiều vướng mắc, nhiều doanh nghiệp Việt Nam vướng vào phụ tùng, linh kiện nguyên liệu, vật liệu đầu vào. Cụ thể như ngành dệt may Việt Nam nhập khẩu từ Trung Quốc lên đến 50-60% giá trị của sản phẩm của mình, bây giờ phải thay thế thế nào là vấn đề không thể dễ dàng. Tôi cho rằng, tăng trưởng kinh tế của Việt Nam sẽ bị giảm sút khoảng 1% GDP” - chuyên gia kinh tế Lê Đăng Doanh nhận định.
Trước diễn biến phức tạp của dịch bệnh nhiều doanh nghiệp cho biết, tình trạng này đã gây tác động không nhỏ đến kế hoạch sản xuất kinh doanh, nhiều mặt hàng xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc bị đình trệ, doanh thu bị giảm sút trầm trọng. Bà Trần Thị Thu Hằng, Tổng Giám đốc Công ty Xuất nhập khẩu nông sản thực phẩm Việt Nam cho biết, ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19 tất cả đầu ra sản phẩm của Công ty đều bị giảm, việc bán lẻ mặt hàng nông sản sạch thời gian qua tại các hệ thống cửa hàng đều gặp khó khăn.
“Chúng tôi là doanh nghiệp trong lĩnh vực nông nghiệp, hiện tại gần như không tiêu thụ được do xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc là chủ yếu chiếm đến 60% doanh số của công ty. Hiện tại các mặt hàng chịu ảnh hưởng nhiều nhất là trái cây tươi, trứng vịt gia cầm, hàng nông sản tươi… doanh thu của chúng tôi đến thời điểm hiện tại giảm nghiêm trọng do không xuất khẩu được sang Trung Quốc” - bà Hằng nói.
Dịch bệnh covid19 ảnh hưởng đến nhiều mặt hàng nông nghiệp. |
Các chuyên gia kinh tế cho rằng, diễn biến và mức độ tác động của dịch bệnh Covid-19 đến kinh tế - xã hội được đánh giá là nghiêm trọng, phức tạp và khó lường. Phạm vi ảnh hưởng của dịch bệnh sẽ tác động trực tiếp hoặc gián tiếp tới toàn bộ các ngành, lĩnh vực của nền kinh tế và lan tỏa lâu dài.
Tuy nhiên, trước diễn biến này Chính phủ và các bộ, ngành đã có nhiều biện pháp, giải pháp kịp thời tháo gỡ khó khăn nhằm giảm tối đa mức độ ảnh hưởng đối với hoạt động sản xuất của các ngành có liên quan. Đồng thời, cần rà soát lại những lĩnh vực, ngành hàng liên quan, đặc biệt những hàng hóa xuất khẩu sang Trung Quốc và các quốc gia khác xem có vấn đề gì có thể có ứ đọng, phải phân loại ra những mặt hàng có thể hư hỏng ngay… Khi đó có giải pháp phải quay về tiêu thụ tại thị trường trong nước, phân phối vào hệ thống phân phối bán lẻ. Từ đó để tiêu thụ, giải phóng mặt hàng này với giá hợp lý.
Đối với những mặt hàng công nghiệp có thể lưu kho, lưu bãi, các cấp chính quyền ở địa phương phải ưu tiên các kho bãi, nhà lạnh lưu trữ các mặt hàng về nông hải sản, cũng như mặt hàng công nghiệp, tiêu dùng. Từ đó đảm bảo chất lượng, cũng như là tính năng của sản phẩm hàng hóa để khi thông quan được dễ dàng.
Theo PGS. TS. Đinh Trọng Thịnh, giảng viên cao cấp Học viện Tài chính, về lâu dài phải tăng cường, đa dạng hóa xuất khẩu cũng như nhập khẩu tránh tập trung vào một nước, một khu vực nhằm đảm bảo cho phát triển kinh tế một cách bền vững.
“Chúng ta phải có phương án dự phòng đa dạng hóa bằng việc nhập hàng hóa từ các quốc gia khác như Nhật Bản, Hàn Quốc, Liên minh Châu Âu, Mỹ... hàng hóa ở những thị trường này đắt hơn, nhưng sẽ đảm bảo tiêu chuẩn quốc tế để xuất khẩu sang các nước phát triển... để tận dụng lợi thế khi chúng ta ký kết các hiệp định ở các quốc gia này. Đối với xuất khẩu chúng ta phải nâng cao chất lượng hàng hóa sản xuất trong nước đáp ứng được các yêu cầu về thời gian, chất lượng, chủng loại, xuất sứ của hàng hóa để từ đó chúng ta đáp ứng được các thị trường mà chúng ta đã ký kết các hiệp định thương mại tự do” - PGS. TS. Đinh Trọng Thịnh nêu rõ.
Thêm nữa cần nâng cao hiệu quả, chất lượng, phẩm cấp đạt tiêu chuẩn quốc tế để chúng ta có thể xuất khẩu ra không chỉ là quốc gia phát triển mà cả toàn thế giới. Từ đó để chúng ta giảm mức độ ảnh hưởng khi nền kinh tế Trung Quốc suy giảm và gặp khó khăn” - PGS. TS. Đinh Trọng Thịnh phân tích thêm.
Việc gia tăng công nghiệp chế biến, sản xuất phụ trợ để vừa đáp ứng nguyên vật liệu trong nước và nâng cao hiệu quả của sản phẩm đặc biệt là hàng hóa nông sản. Từ đó giúp cho thu nhập của người nông dân tăng lên, có như vậy mới có hiệu quả trong sản xuất kinh doanh và tính đa dạng trong nguồn hàng xuất khẩu và nhập khẩu.
Về dài hạn cần phải tái cấu trúc lại thị trường để không phụ thuộc quá vào một thị trường của khu vực, tái cấu trúc lại nguồn nguyên liệu để cho các ngành sản xuất trong nước ổn định hơn, mở rộng nguồn nguyên liệu này, thậm chí sản xuất ngay nguyên liệu trong nước./.
Nguyễn Hằng/VOV.VN
https://vov.vn/kinh-te/da-dang-hoa-xuat-khau-truoc-tinh-hinh-dich-covid19-1013851.vov